Người Việt trước cơn bão Florence: Người lo chạy, người bình tĩnh chờ
Hôm Thứ Ba, 11 Tháng Chín, bão Florence đang ở cấp 4 và theo dự báo sẽ ập xuống đất liền tối Thứ Năm hay sáng Thứ Sáu.
05:00 13/09/2018
Trung Tâm Theo Dõi Bão Quốc Gia (National Hurricane Center-NHC) cho biết cơn bão này ngày càng lớn, mạnh và đang trên đường đến đất liền.
Hiện tại, bão Florence đang cách Cape Fear, North Carolina khoảng 1,000 dặm.
Tại South Carolina, Thống Đốc Henry McMaster đã ra lệnh di tản cho một số khu vực ven biển. Số người phải di tản lên tới 1 triệu rưỡi người.
Cũng tại South Carolina, sáng nay, khu vực bờ biển Myrtle Beach đang bị nước biển dâng lên vài phân. Đây không phải vì bão mà do gió tạt sóng vào.
Em Diệp Thế Duy, sinh viên, phải di tản khỏi đại học quân đội Citadel ở Charleston. “Sáng Thứ Ba, 9 giờ 30 phút, tụi con tới nhà người quen ở Columbia, cách Charleston 1 tiếng rưỡi lái xe,” em nói.
Dọc đường, em thấy rất nhiều người cũng đang di tản nên có kẹt xe tuy không trầm trọng.
Cô Mini Trần, cư dân Florence, cho biết vì nơi cô ở cách biển khoảng 1 giờ 30 phút lái xe nên chưa thấy xáo trộn nặng nề ngoài việc rất đông người xếp hàng mua thực phẩm.
Cô kể: “Nước thì cứ bỏ lên kệ bao nhiêu thì người ta mua hết ngay. Vùng này toàn người da trắng và ngoài nước ra, họ mua sữa và bánh mì.”
Hiện tại, tình trạng khan hiếm chưa xảy ra nhưng “đồ hộp cũng như nước, cứ vừa đem ra là người ta mua hết.”
Cô thêm: “Người ta tranh nhau mua xăng đông lắm. Đổ đầy bình rồi lại mua thêm năm, sáu bình nhỏ nữa.”
Cô cũng cho hay là hôm Thứ Ba, tất cả mọi trường công lập đều bị đóng cửa để làm khu tạm trú cho những người từ vùng biển chạy lên theo lệnh. Trưa Thứ Tư, những khu tạm trú sẽ đầy người.
Tại Raleigh, thủ phủ North Carolina, cách xa vùng biển tới 3 giờ, cô Tuyến Võ cũng nhận thấy tình hình chưa đến mức phải báo động. “Ở đây rất đông người Việt. Đa số người mình có tính bình tĩnh hơn người bản xứ rất nhiều.”
Đêm qua, ở Raleigh có một cơn mưa to, nhưng chỉ kéo dài chừng một tiếng rồi tạnh hẳn.
Từ chiều qua, nhiều nơi trong thành phố đã hết thực phẩm và nước vì người ta mua dự trữ quá nhiều.
Sáng nay, thời tiết có vẻ bình thường. Cư dân được thông báo cơn bão Florence sẽ đến đây vào Thứ Năm.
Người ta xếp hàng đổ xăng và mua thực phẩm tại Costco, Walmart và Food Lion rất đông. “Nhà em vừa đi chợ hôm Thứ Bảy nên thực phẩm còn nhiều, chưa phải lo,” cô nói.
Tại sở cô, nhiều người bản xứ tỏ ra lo lắng đến nỗi bật khóc và than van, sợ sệt. Cô nói: “Em sẽ đem một ít đồ ăn và mì gói cho họ.”
Trưa Thứ Ba, cô vừa đổ đầy bình xăng. Tiệm Costco gần nơi cô ở vẫn mở cửa.
Trong lúc bão Florence ngày càng mạnh hơn và không thay đổi hướng, theo lệnh di tản của thống đốc, trưa nay, cùng với nhiều người thuộc các khu vực khác, cư dân vùng Myrle Beach bắt đầu lên xe đi sâu vào đất liền để lánh bão.
Tuy vậy, cũng có nhiều người trong khu Myrtle Beach vẫn chưa chịu di tản.
Ông Nguyễn Ngọc An là một trong những người đó. Ông ung dung trình bày: “Tôi ở đây 38 năm rồi, trải qua khá nhiều trường hợp tương tự nên tôi chưa thấy cần phải lo lắng ngay từ bây giờ, nhất là khi nhà tôi cách khu vực di tản… một ‘block’.”
Hiện giờ, hai vợ chồng ông cùng ở lại và khu ông ở còn vài gia đình khác. Cây xăng còn hoạt động và chợ búa vẫn mở cửa.
Nhà ông đã dự trữ đầy đủ, xăng đầy bình, đèn điện cũng sạc đầy, bếp gas sẵn sàng, pin có sẵn. Thức ăn đủ dùng. Nước uống đã mua.
Ông thêm: “Dự báo cho biết đến tối Thứ Năm bão Florence mới đến đây. Chúng tôi vẫn theo dõi tin tức chặt chẽ. Đến Thứ Năm, tôi sẽ quyết định là có cần phải di tản hay không, dựa trên hướng đi của bão. Tôi nghĩ nó sẽ đi chệch về hướng Bắc, nghĩa là trung tâm bão sẽ cách chúng tôi hơn 100 dặm. Và như vậy là tôi không cần lo.”
Nếu sáng Thứ Năm mà bão Florence có hướng về nơi ông ở thì ông có đi vẫn chưa muộn. “Chừng 15, 20 tiếng trước khi bão đến, tôi đưa bà xã đi Greenville, cách đây chừng bốn tiếng, là vừa,” ông nói. “Lúc đó đi, không sợ kẹt xe. Đi bây giờ đông nghẹt, chỉ ngồi trong xe chứ có đi đâu được.”
Gần triệu người phải sơ tán vì bão Florence
Trước tình hình bão loại 4 Florence đang tiếp tục mạnh lên và di chuyển xuống bờ biển Bắc và Nam Carolina, chính quyền buộc phải di tản cư dân và du khách.