Người Việt và “giấc mơ Mỹ”
Qua bờ bên kia của dòng sông Potomac êm đềm đẹp như tranh thủy mặc ở Washington, D.C là Virginia, nơi có những khu biệt thự và trang trại rộng lớn nằm giữa rừng của những triệu phú, tỉ phú Mỹ. Nơi này, ai đó gọi là “thiên đường” của nước Mỹ chắc cũng không sai.
23:00 24/07/2023
Vừa lái xe chầm chậm lượn một vòng quanh những trang trại mênh mông, đẹp như trong chuyện cổ tích giữa nắng nhẹ cuối thu vàng rực rỡ, anh bạn tôi vừa kể “cứ cuối tuần, thỉnh thoảng họ lại bỏ những đồ cũ đủ thể loại ra vườn, ai muốn lấy xin trả 1 đô”. Tôi đoán việc phải trả 1 đôla chắc cũng mang một thông điệp tượng trưng nào đó của người giàu Mỹ, đại loại như “chả có thứ gì tự nhiên mà có” chẳng hạn.
Bên cạnh vẻ đẹp thanh bình và thịnh vượng của thủ đô nước Mỹ, có những hình ảnh nhếch nhác của những người vô gia cư. Họ xuất hiện khá nhiều ở những nơi công cộng.
Ngay bên đường trước trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và kế bên là trụ sở chính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – hai định chế tài chính lớn nhất thế giới – là hàng đoàn người vô gia cư xếp hàng vào mỗi buổi chiều để nhận phần ăn từ một chiếc xe tải, chắc của một tổ chức từ thiện nào đó.
Người vô gia cư chờ phát đồ ăn mỗi buổi chiều ngay trước trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới tại Washington, D.C Ảnh: Việt Hùng
Người Việt chiếm lĩnh nghề sơn sửa móng tay
Một số người Mỹ giải thích với tôi rằng, số vô gia cư trên là những người nghèo nhưng lười lao động, có người lại thích cuộc sống vật vờ đó (?!), chứ chính quyền ở hầu hết các bang của nước Mỹ đều có chính sách và những khu nhà dành riêng cho họ.
Một Việt kiều Mỹ đang kinh doanh cửa hàng Convenience Shop (giống như cửa hàng tạp hóa ở ta) bên một góc phố tại thủ phủ Austin bang Texas nói vui với tôi rằng, anh đang muốn trở thành người nghèo ở Mỹ, bởi những nỗ lực kinh doanh của anh trong nhiều năm qua liên tục thất bại, bởi nếu được chính quyền công nhận là nghèo, anh sẽ được trợ cấp, không phải trả tiền nhà, tiền bảo hiểm y tế và nhiều thứ khác…
Nhưng rồi anh nói, ở đất nước của dân nhập cư này, mọi người đều phải biết khẳng định chính mình và nỗ lực vươn lên, bởi xã hội Mỹ có sự cạnh tranh khốc liệt và chả “kiêng nể” bất cứ ai, mọi vị trí từ người lau chùi toilet trở lên đều đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao độ, nếu không sẽ bị mất việc ngay lập tức.
Một chủ tiệm Nail tại Mỹ (ảnh phải) Ảnh: Đỗ Hùng
Những công việc tưởng chừng như đơn giản như sơn sửa móng tay (nail) hay cắt tóc, ở ta không cần chứng chỉ bằng cấp gì cũng hành nghề được, thì ở Mỹ lại khác. Người Việt gần như độc chiếm nghề làm nail bên Mỹ, ai đó nói ở đâu có tiệm nail ở đó có người Việt quả không sai.
Chị Huệ, một chủ tiệm nail tại thị trấn nhỏ Paris, bang Illinois cho biết, chị phải học trong thời gian 1 năm mới có chứng chỉ hành nghề, nếu thi trượt có khi phải chờ tới 6 tháng sau để thi lại. Nghề cắt tóc cũng vậy, thường phải học ít nhất 3 tháng.
Bên cạnh tay nghề, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho khách hàng. Chẳng hạn như, ống xi phông trong bồn rửa chân, rửa tay bắt buộc phải được cọ rửa vệ sinh ngay sau mỗi lần phục vụ cho một khách, để tránh việc lây nhiễm các bệnh ngoài da.
Có tiệm đã bị phạt rất nặng về chuyện này vì lười cọ rửa, sau này một số tiệm đã rút kinh nghiệm đầu tư loại bồn rửa tự động.
Ngay ở sân bay Los Angeles, California, tôi cũng gặp và chuyện trò với một Việt kiều khác, tên là Young Nguyễn. Anh hiện là thợ điện bậc cao với mức lương lên tới 40USD/giờ (lương tối thiểu ở Mỹ từ 7-8USD/giờ, tùy bang). Đây là lần thứ 5 anh trở lại Việt Nam thăm cha mẹ và người thân nhân chuyến nghỉ phép.
Ngày 28/4/1975, trước sự tấn công như vũ bão của quân giải phóng, người lính hải quân ngụy này mới ở tuổi đôi mươi đã cùng phân nửa lính trên tàu chiến hoảng hồn rồ máy chuồn tuốt sang Philippines, rồi được đón qua Mỹ.
Sang Mỹ, không gia đình người thân, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết, anh đã nhanh chóng gia nhập hàng ngũ dân nhập cư với khát vọng cháy bỏng về một cuộc sống tốt đẹp hơn - điều mà người ta hay gọi là “giấc mơ Mỹ” (American Dream).
Tranh thủ đủ mọi cách để học , đi làm thuê đủ nghề, rồi từ đó học nghề và ngoi ngóp trong vòng xoáy bất tận của “giấc mơ Mỹ”, cuối đời anh cũng có quyền sở hữu một căn nhà xinh xắn, hai đứa con vừa tốt nghiệp ĐH Mỹ nhưng không nói được tiếng Việt, và một bà vợ vừa ly dị.
Anh cho biết vài năm nữa sẽ nghỉ hưu với mức lương cỡ 2.000USD/tháng. Mức này mà sống tuổi già cô đơn bên Mỹ cùng với một người giúp việc thì không đủ. Chính vậy, anh tiết lộ sẽ đem lương hưu này về VN sống, chắc chắn ổn. Tôi đùa mà thật với anh rằng, không những anh thuê được Ôsin mà nếu muốn còn lấy được vợ trẻ nữa là đằng khác.
Tôi hỏi Young Nguyễn, sao suốt mấy chục năm qua anh không bảo lãnh cho cha mẹ hay anh em gì qua. Anh cười méo mó mà rằng: “Một mình tui chui vô cái American Dream là đủ rồi, cực lắm anh ơi! Về Việt Nam sống khỏe hơn”.
Giọng anh trầm xuống: “Người Việt mình bên này cũng có nhiều người rất nghèo, làm không đủ xài, muốn về Sài Gòn một chuyến chơi cũng hổng có tiền mà mua vé”.
Young Nguyễn tâm sự, anh đang ấp ủ một ngày trở về quê hương và muốn tham gia dạy không công về vận hành lưới điện cao thế cho một trường dạy nghề nào đó tại Việt Nam.
Anh nói: “Tôi là một chuyên gia về lĩnh vực này bên Mỹ, lương cao hơn cả kỹ sư, tôi nghĩ nếu được đem những kiến thức này dạy cho thợ điện bên mình chắc đã lắm”.
Mất việc là mất tất cả
Trong chuyến đi dọc nước Mỹ, tôi cũng có dịp gặp gỡ nhiều người Việt thành đạt. Một tiến sĩ về công nghệ thông tin đang làm trưởng một bộ phận của một tổ chức quốc tế lớn tại Washington, D.C, lương anh đủ nuôi cả gia đình gồm vợ và 2 con nhỏ, xe hơi đời mới bóng loáng, một ngôi nhà riêng xinh xắn trị giá nửa triệu đô bên Virginia cách nơi anh làm việc khoảng 30 phút đi tàu điện ngầm.
Anh là một người Việt luôn đau đáu, trăn trở về quê hương, về người mẹ nông dân đã ngoài 80 ở vùng chiêm trũng Ninh Bình.
Sống giữa thủ đô nước Mỹ, nơi làm việc cũng cận kề ngay Nhà Trắng, ấy vậy mà chuyện gì ở Việt Nam anh cũng rành nhờ thói quen đọc báo qua mạng hàng ngày, trong đó có cả tờ Tiền Phong Online.
Ngôi nhà nửa triệu đô anh mới tậu được khoảng 2 năm nay bằng tiền vay nhà băng, mỗi tháng trung bình anh phải dành một phần ba lương để trả tiền mua nhà.
Nếu trả góp đến khi về hưu, tổng cộng số tiền anh bỏ ra phải lên tới 1 triệu đô hoặc hơn thế. Anh cho hay, bên Mỹ là vậy, cứ có job (việc làm) ổn định, là có ngay tất cả từ xe hơi tới nhà cửa, xã hội Mỹ quan trọng nhất là phải có truth (niềm tin) thì nhà băng sẽ lập tức mở hầu bao cho anh mua chịu (credit) mọi thứ.
Chính vì vậy mà mất việc làm sẽ đồng nghĩa với mất tất cả, thậm chí ngôi nhà đang ở cũng sẽ bị thu hồi nếu không còn khả năng chi trả. Anh bảo với tôi, đó chính là vòng xoáy khắc nghiệt của “giấc mơ Mỹ” nhưng cơ hội là công bằng cho tất cả mọi người.
Ai đó muốn tới Mỹ để hưởng thụ mà không làm gì, không lao tâm khổ tứ, nên chuẩn bị sẵn túi ngủ để tham gia đám người vô gia cư.
Kiến trúc sư Vũ Thiện Trí - Một Việt kiều thành đạt tại Mỹ
Vũ Thiện Trí, một kiến trúc sư khá nổi tiếng ở Jacksonville, Florida cũng là một người Việt nhập cư thành đạt với “giấc mơ Mỹ”. Anh rời Việt Nam từ năm 1975 khi mới 20 tuổi, học hành bài bản, nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt, lấy vợ Mỹ, và hiện đang sở hữu một Cty về kiến trúc với nhiều nhân viên là kiến trúc sư người Mỹ.
Nhiều công trình kiến trúc ở Jacksonville có dấu ấn kiến trúc của anh, trong đó có công trình chiếu sáng cây cầu bắc ngang qua dòng sông giữa thành phố này, một điểm nhấn tuyệt đẹp ngay giữa trung tâm Jacksonville thơ mộng. Người Việt mà thành đạt trong lĩnh vực kiến trúc vốn là sở trường của người da trắng như anh quả là chuyện hiếm ở Mỹ.
Anh tự lái chiếc xe BMW đưa chúng tôi về nhà riêng, ngôi nhà xinh xắn nằm sát bìa rừng này cũng do chính anh thiết kế và tự thi công. Anh và người vợ Mỹ (cũng là đồng nghiệp của anh tại Cty) đã trổ tài nấu toàn món Việt rất ngon để chiêu đãi chúng tôi cùng những người bạn Mỹ.
Nhìn Vũ Thiện Trí thoăn thoắt nướng chả, gói nem, tôi thán phục: “Quả là một đầu bếp có hạng!”. Anh phân trần: “Tôi rất thích nấu ăn. Hơn nữa, ở nước Mỹ này không ai lo cho ai cái gì cả, tự mình phải làm lấy tất”.
Nhìn dáng phong trần, khuôn mặt cá tính, tác phong cực kỳ nhanh nhẹn của người đàn ông đã sống hơn 30 năm trên đất Mỹ này, một lần nữa tôi hiểu thế nào là “giấc mơ Mỹ” – một cụm từ đã trở nên nổi tiếng tại Hoa Kỳ, nhưng không dễ gì có thể định nghĩa được nó.
Đang ăn, Vũ Thiện Trí ngoắc tôi xuống tầng hầm, nơi có một góc Việt của riêng anh, rồi bật cho tôi nghe một bài hát Việt.
Anh trầm ngâm : “Tôi nói tiếng Mỹ rành hơn tiếng Việt, nhưng không thể nào quên được cội nguồn. Tôi về Việt Nam nhiều lần rồi, toàn đi một mình vì vợ không hiểu những nơi mình thích, những kỷ niệm tuổi thơ…”.
Tôi hiểu, tình yêu quê hương, xứ sở trong anh luôn âm ỉ, khôn nguôi.
(Còn nữa)
Nhớ Việt Nam da diết, nữ Việt kiều chi gần 500 triệu, tự đào ao, bê gạch làm vườn đẹp như tranh
Trong vòng hai tuần, một tay chị Amy tự làm tất cả mọi việc để có được khu vườn xinh đẹp rộng 400m2.