Người vô gia cư tại Anaheim sẽ về đâu?
Ba ngày sau khi Anaheim thông qua “Operation Home SAFE,” do Nghị Viên Kris Murray, đề xướng là sẽ dùng công lực để đối phó với những người vô gia cư không chịu nhận sự giúp đỡ để tìm nơi trú ngụ, khung cảnh khu “cắm trại” của hơn 400 người vô gia dọc bờ sông Santa Ana, bên cạnh Angel Stadium, Anaheim, vẫn chưa có gì thay đổi.
02:09 18/09/2017
Theo báo Voice of OC, “Operation Home SAFE” của Nghị Viên Kris Murray được đồng loạt thông qua hôm Thứ Tư, 13 Tháng Chín, nhằm gia tăng nỗ lực để tiến hành việc giải tỏa khu vực bờ sông Santa Ana.
Vẫn theo Voice of OC, Anaheim đồng thời kêu gọi Orange County thành lập những nơi trú ngụ khẩn cấp cho 500 người, cung cấp thêm cán sự xã hội và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, cũng như tạo mọi điều kiện dễ dàng trong việc cấp giấy phép xây dựng chỗ trú ngụ cho người vô gia cư.
Điều này dẫn đến sự phối hợp của Sở Cảnh Sát Anaheim với Sở Cảnh Sát Orange County cùng tuần tiễu khu vực bờ sông, bắt đầu từ hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Chín.
Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, cô Asley Foster, một người vô gia cư sống trong “khu cắm trại” cho biết mọi việc vẫn tiếp diễn một cách bình thường.
Cô nói: “Tôi không hề thấy điều gì khác hơn thường nhật ngoại trừ dạo gần đây, có nhiều người, hoặc cán sự xã hội, hoặc thiện nguyện viên đến đây đặt để thêm thùng rác và nhà vệ sinh rải rác trong vùng.”
Từ giữa Tháng Bảy, một xe buýt của City Net, một tổ chức vô lợi nhuận, đến đây hàng ngày để giúp đỡ bất cứ gì những người vô gia cư cần, theo cô Ashley.
Cô Ashley 23 tuổi.
Từ bé, cô được California đưa vào cô nhi viện, phải sống lây lất từ nhà này đến nhà khác. “Tôi học 11 trường trung học khác nhau ở mọi nơi trong California, từ miền Bắc đến miền Nam,” cô nói. “Năm tôi 20 tuổi, khi biết mẹ tôi và bà ngoại tôi ở đây, tôi đến ở với họ ngay.”
Với cô, sống đời vô gia cư sướng gấp ngàn lần làm thân cô nhi, đủ điều khổ nhục. “Tôi không ‘yêu’ kiếp sống không nhà này đâu, tôi không muốn ăn bám vào người khác, nhục lắm, nhưng ít nhất không ai có quyền xúc phạm thân thể tôi lúc nửa đêm, khi vợ con họ ngủ yên.”
Ở đây, đêm mùa Đông lạnh lắm và dài lắm, nhưng cô biết thân cô không bị ai coi thường được.
Cô “dọn nhà” đến đây vào sáng Giáng Sinh, 25 Tháng Mười Hai, 2014.
Cô kể: “Trong thời gian qua, đã nhiều lần cảnh sát đến đây tìm cách giải tỏa khu vực này. Họ đến, họ quan sát chúng tôi, rồi họ đi. Chuyện xảy ra quá nhiều đến nỗi không người nào (ở đây) quan tâm đến họ nữa.”
Cô giải thích: “Không phải tôi không sợ cảnh sát mà tôi không muốn nghĩ đến họ nữa. Nếu muốn dẹp được chúng tôi thì chính quyền nên có cách ngăn chận đừng để ai phải lâm vào hoàn cảnh túng quẫn, phải ra đường. Bắt bớ hay ép chúng tôi đi bất cứ chỗ nào khác cũng chỉ là biện pháp tạm thời thôi.”
Để sống yên ổn tại đây trong gần ba năm qua, cô Ashley và gia đình đã tuân thủ theo mọi quy định của thành phố.
Cô nói: “Chúng tôi luôn luôn giữ khu vực quanh lều sạch sẽ, ngăn nắp để không ai có thể có lý do để nói chạm đến chúng tôi,” cô vừa nói vừa kéo thùng rác đi quanh lều, đi đến đâu, cô thoăn thoắt nhặt rác đến đó.
Mẹ cô có năm con chó, cô có một. Mỗi khi dẫn cho đi bộ, mẹ con cô luôn cầm theo bao ny-lông để giữa vệ sinh chung.
Đầu tuần rồi, có hai người trong khu bị cảnh sát bắt đi vì bị tình nghi bán ma túy. “Tôi không muốn bị bắt đi như vậy. Trong quá khứ và ngay cả bây giờ, tôi vẫn có nhiều cơ hội kiếm tiền kiểu đó.”
Nói về chuyện tiêu thụ và buôn bán ma túy trong khu vực, cô cho hay cô phải nhặt và vứt đi vài chục kim chích ở quanh lều mỗi sáng sớm.
“Tôi phải vứt đi để không ai có thể đến hoạnh họe gia đình tôi. Sống ở ngoài đường, ai cũng có thể nhìn chúng tôi bằng cặp mắt nghi ngờ.”
Cô nói với giọng nửa đùa, nửa thật: “Có lẽ người ta muốn có những người vô gia cư như chúng tôi để họ cảm thấy hãnh diện hơn và tự phụ hơn cho bản thân họ.”
Từ ngày “ở lều,” có nhiều người đến đề nghị cô làm nghề bán thân nhàn nhã, hoặc bán ma túy kiếm tiền dễ dàng. “Họ muốn ban ngày bán ma túy cho họ rồi tối về ở với họ, nhưng tôi coi trọng nhân cách mình. Tôi không muốn ‘làm điều xấu’ như những cô gái dễ nhìn khác,” cô nói.
Giữa lúc đang nói chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt, hai nhân viên cảnh sát Orange County đến hỏi thông tin cá nhân của cô với lý do là để lập danh sách trợ cấp y tế cho những người trong khu vực bờ sông này.
Ngoài việc hỏi tên tuổi cô, họ còn muốn biết cô có tiền án hay không.
Khi cảnh sát hỏi đến căn cước và số an sinh xã hội của cô, cô chỉ cười.
Cô nói nhỏ với phóng viên: “Tôi nghĩ rằng mấy người này không muốn giúp gì chúng tôi đâu. Họ muốn làm thống kê dân số để tìm cách dẹp chúng tôi thôi. Muốn làm gì thì làm.”
Cô cười một nụ cười trẻ trung rồi nói: “Tôi nghe một vị giáo sĩ nói rằng chúng tôi có hiến pháp bảo vệ. Muốn đụng đến chúng tôi, phải có liên bang ra lệnh, mà hình như ngay ở Washington DC cũng có rất đông ‘dân ở lều’ mà.”
Vấn nạn về người vô gia cư vốn là một đề tài dài hạn tại Mỹ và cơ hội để những chính khách địa phương khai thác trong mùa tranh cử.
Nhiều người đang chờ xem “Operation Home SAFE,” của Nghị Viên Kris Murray sẽ làm gì cho người vô gia cư tại Anaheim.
Cậu bé 10 tuổi tự làm bữa trưa cho người vô gia cư ở Massachusetts mỗi tuần
Một cậu bé 10 tuổi đã dành kỳ nghỉ hè của mình để mang những bữa trưa đến những người vô gia cư.