Nguy cơ cuộc chiến đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc

Hai quốc gia đang bất đồng về nguồn cung loại khoáng sản thiết yếu được sử dụng trong mọi sản phẩm, từ máy giặt đến thiết bị quân sự.

04:00 06/06/2019

Bộ Thương mại Mỹ hôm qua cam kết sẽ có "các hành động chưa từng có" để đảm bảo Mỹ không bị cắt nguồn cung đất hiếm - loại khoáng sản Trung Quốc đang thống trị về sản xuất. Bộ này cũng công bố báo cáo liệt kê chi tiết các bước để đảm bảo nguồn cung, chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc cho biết đang nghiên cứu đề xuất kiểm soát xuất khẩu tài nguyên này.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng đất hiếm có thể được sử dụng làm vũ khí trong căng thẳng thương mại với Mỹ, do nước này kiểm soát tới hơn 70% nguồn cung toàn cầu. Tỷ lệ này với sản phẩm đã qua chế biến còn cao hơn. Tuy vậy, bất kỳ hành động nào nhằm hạn chế xuất khẩu cũng sẽ khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng xa cách. Đến nay, hai nước đã đánh thuế hàng nhập khẩu của nhau. Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen, còn Trung Quốc cảnh báo công dân không nên sang Mỹ.

"Loại khoáng sản thiết yếu này thường bị coi nhẹ. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, thiếu chúng là điều không thể", Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết trong một thông báo.

Quặng bastnaesite chứa đất hiếm tại một phòng thí nghiệm ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Quặng bastnaesite chứa đất hiếm tại một phòng thí nghiệm ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Báo cáo của Mỹ khẳng định việc đảm bảo nguồn cung và khả năng khôi phục chuỗi cung ứng đất hiếm là điều quan trọng với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc gia. "Nếu Trung Quốc hay Nga ngừng xuất khẩu sang Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trong thời gian dài, tương tự lệnh cấm vận đất hiếm của Trung Quốc năm 2010, đây sẽ là cú sốc lớn với Mỹ và chuỗi cung ứng nước ngoài", báo cáo cho biết.

Trong một thông báo hôm qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Kinh tế Trung Quốc cho biết đang nghiên cứu một đề xuất từ các chuyên gia trong ngành, về việc kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Các biện pháp này sẽ sớm được áp dụng. Tuần trước, Bloomberg cũng đưa tin Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch hạn chế xuất khẩu sang Mỹ nếu cần thiết.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ sau đó đề xuất nhiều biện pháp, trong đó có tăng nhận thức của Chính phủ về nguồn cung đất hiếm trong nước và thúc giục cấp phép khai thác. "Với các ngành công nghiệp phi quân sự tại Mỹ, họ không có cách nào thoát phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc trong ngắn hạn", Oliver Nugent - nhà phân tích tại Citigroup cho biết. Việc khai thác và xử lý đất hiếm "gặp rất nhiều thách thức về môi trường, công nghệ và vốn. Điều này cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ cả nhà đầu tư và chính phủ, nếu thực hiện ngoài Trung Quốc".

Danh mục hạn chế xuất khẩu có thể bao gồm cả đất hiếm nặng - nhóm có chứa nam châm, được dùng trong hầu hết các loại xe hơi và sản phẩm tiêu dùng. Việc gián đoạn nguồn cung nam châm đất hiếm sẽ có tác động "khủng khiếp" đến nền kinh tế Mỹ, do nhu cầu tài nguyên này rất lớn,  Jack Lifton - một chuyên gia kỳ cựu tại Mỹ cho biết.

Quyền lực của Trung Quốc trong ngành sản xuất đất hiếm toàn cầu rất lớn, theo Shanghai Metals Market. Các quốc gia khác sẽ mất thời gian đáng kể mới gây dựng được năng lực chế biến cần thiết với tài nguyên này.

Mỹ từng là nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới giai đoạn 1960 - 1980. Sau đó, hoạt động này dần chuyển ra nước ngoài. Quốc gia này hiện có 1,4 triệu m3 trữ lượng đất hiếm, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.

Công ty khai thác đất hiếm duy nhất tại Mỹ - MP Materials lại xuất khẩu toàn bộ sản lượng khai thác sang Trung Quốc. Vì trên thế giới không cơ sở chế biến nào có đủ năng lực xử lý lượng sản phẩm của họ.

"Cân nhắc đến an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đảm bảo sẽ không để các thế lực bên ngoài gây sức ép bằng các loại tài nguyên thiên nhiên quan trọng với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Nội vụ Mỹ David Bernhardt khẳng định, "Bộ sẽ nhanh chóng thực hiện chiến lược của Tổng thống, từ cắt giảm quy trình cấp phép cho đến chuyển nguồn cung khoáng sản về Mỹ".

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Nhân tài Trung Quốc - mục tiêu mới của Mỹ trong thương chiến

Nhân tài Trung Quốc - mục tiêu mới của Mỹ trong thương chiến

Các sinh viên, học giả Trung Quốc tại Mỹ đang đối mặt với nhiều kìm kẹp, khiến họ cân nhắc nhiều hơn tới phương án về nước làm việc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất