Nguy cơ Mỹ - Iran chiến tranh
Vụ không kích nhằm vào tướng Qassem Soleimani có thể là "giọt nước tràn ly" đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột trực diện.
09:30 04/01/2020
Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) thông báo tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đã thiệt mạng cùng chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandi trong đòn không kích rạng sáng nay bên ngoài sân bay quốc tế Baghdad.
Lầu Năm Góc sau đó xác nhận quân đội Mỹ đã thực hiện cuộc không kích theo mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump nhằm "ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai". Mỹ cáo buộc tướng Soleimani đã tích cực tham gia vào việc lên kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ ở Iraq cũng như khắp khu vực.
Vụ không kích giết chết tướng Soleimani diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran đang ở mức cao sau hàng loạt sự cố ở Vùng Vịnh như bắt tàu dầu, tập kích nhà máy dầu Arab Saudi, bắn rơi UAV trinh sát Mỹ trên eo biển Hormuz và mới đây nhất là vụ tấn công đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Giới chuyên gia lo ngại đây có thể là "giọt nước tràn ly" làm bùng phát xung đột quân sự trực diện giữa hai nước.
Iraq gần đây trở thành "chiến trường" mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Iran. Quốc gia này là một đồng minh của Mỹ trong khu vực, nhận được rất nhiều hỗ trợ từ Washington, nhưng đang dần ngả về phía Iran. Các nhóm dân quân thân Iran hiện nắm quyền lực lớn trong quốc hội và giới chính trị Iraq, có tác động không nhỏ đến chính sách của Baghdad với Washington.
Căng thẳng bắt đầu leo thang từ hôm 27/12, khi căn cứ quân sự K1 tại tỉnh Kirkuk, miền bắc Iraq bị tấn công bằng rocket khiến một nhà thầu quân sự Mỹ thiệt mạng, một số binh sĩ Mỹ và Iraq bị thương. Mỹ cáo buộc nhóm vũ trang Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn thực hiện đòn tấn công này.
Chỉ hai ngày sau, Mỹ đáp trả bằng cách không kích vào ba vị trí của Kataib Hezbollah ở Iraq và Syria, khiến 25 tay súng dân quân thiệt mạng, 51 người bị thương. Tức giận vì các cuộc không kích của Mỹ, hàng nghìn người biểu tình hôm 31/12 phá tường, xông vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và chỉ rút lui khi lính bảo vệ bắn hơi cay, lựu đạn choáng.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ liên tục phát đi những lời cảnh báo tới Iran, cáo buộc nước này xúi giục và tổ chức cuộc tấn công nhắm vào sứ quán ở Baghdad. Lầu Năm Góc cũng đe dọa sẽ "đánh phủ đầu" dân quân thân Iran để bảo vệ sinh mạng của công dân Mỹ.
"Cuộc chơi đã thay đổi. Mọi cuộc tấn công nhằm vào chúng tôi sẽ bị đáp trả kịp thời với phương thức và địa điểm do chúng tôi chọn", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố hôm qua.
Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố này của Esper cho thấy Mỹ coi Iran đã vượt quá giới hạn và nước này sẵn sàng sử dụng các biện pháp quyết liệt nhất nhằm bảo vệ lợi ích của mình và ngăn chặn mối đe dọa từ Tehran.
Iran từ lâu đã tăng cường ảnh hưởng khu vực thông qua các nhóm vũ trang ở Syria, Iraq, Lebanon và Yemen, nhưng thường không can dự trực tiếp vào các vụ tập kích lực lượng Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, cuộc tấn công của nhóm dân quân ở Iraq đã thay đổi điều này.
"Kataib Hezbollah rất thân cận với IRGC. Vụ tập kích bằng rocket vào căn cứ Iraq rõ ràng được tiến hành với sự đồng ý của Iran. Tehran khó có thể phủ nhận trách nhiệm sau sự việc này", chuyên gia về Iran Ariane Tabatabai ở Viện Rand của Mỹ đánh giá.
750 binh sĩ Mỹ được điều gấp tới Kuwait sau vụ người biểu tình xông vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, đây là lực lượng trực chiến sẽ lên đường đến Iraq nếu tình hình tiếp tục xấu đi. 4.000 lính cũng trong trạng thái triển khai đến Trung Đông nếu cần thiết.
"Tehran hiểu rằng thương vong của công dân Mỹ là lằn ranh đỏ của Washington", Dina Esfandiary, học giả thuộc Quỹ Century của Mỹ, cho biết. "Việc họ vượt qua lằn ranh đó đang là một thực tế mới rất đáng lo ngại".
Mỹ trước đây thường đáp trả các động thái của Iran bằng cách không kích vào các mục tiêu dân quân do Tehran hậu thuẫn. Tuy nhiên, cuộc không kích nhắm vào đoàn xe của tướng Soleimani là đòn giáng mạnh chưa từng có tiền lệ vào Iran, khiến căng thẳng Trung Đông leo thang và có thể châm ngòi cho xung đột.
"Iran sẽ phản công, vấn đề chỉ là lựa chọn mục tiêu", Reuel Marc Gerecht, cựu quan chức CIA và là một chuyên gia về Iran, dự báo.
Một số chuyên gia khác tin rằng cuộc chiến quy mô nhỏ giữa Iran và Mỹ sẽ sớm nổ ra. "Chúng ta đang bước vào thời kỳ mà khả năng đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai bên nổ ra là rất cao. Trung Đông đang chìm trong biển lửa xung đột và các cuộc biểu tình quy mô lớn, khiến tình hình giờ đây sẽ tệ hơn", Seth Jones, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói.
Theo Jones, vụ không kích giết chết Soleimani sẽ là mồi lửa châm thùng thuốc súng, bởi nó nhắm vào một trong những quan chức quân sự quan trọng nhất của Iran. Tướng Suleimani là người tiên phong trong nỗ lực của Iran nhằm xây dựng các lực lượng ủy nhiệm với quân số lên tới 280.000 người ở Yemen, Syria, Iraq, Lebanon, Afghanistan và Pakistan, nhằm gia tăng ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.
"Xung đột giữa Mỹ và Iran tới nay chủ yếu là gián tiếp, nhưng cái chết của Suleimani nhiều khả năng sẽ kích động những phản ứng cực đoan từ giới lãnh đạo quân sự Iran, châm ngòi cho đụng độ trực tiếp giữa hai bên", Jones đánh giá.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đụng độ nếu nổ ra giữa hai bên sẽ chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, khó bùng phát thành cuộc chiến tổng lực mang tính hủy diệt.
"Chưa thể rõ quy mô đáp trả của Iran. Họ sẽ phải rất thận trọng và tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động. Không bên nào muốn nổ ra chiến tranh tổng lực bởi nó không mang lại lợi ích nào, hai bên có quá nhiều thứ để mất. Iran vẫn còn nhiều quân cờ", đô đốc William Fallon, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Trung Tâm Mỹ, nhận xét.
Behnam Ben Taleblu, học giả về Trung Đông, nhận định Iran có thể nhắm đến đại sứ quán Mỹ bằng hình thức tập hợp biểu tình quy mô lớn hoặc nã pháo, rocket để gia tăng áp lực. Tehran cũng có thể tấn công tàu hàng và căn cứ Mỹ ở Vùng Vịnh, cũng như cơ sở hạ tầng của Arab Saudi và Israel thông qua nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon hoặc dân quân Palestine.
"Các cuộc không kích đã giáng đòn nặng vào lực lượng ủy nhiệm của Iran. Họ sẽ đáp trả quyết liệt trên nhiều mặt trận. Tuy nhiên, điều này có thể khiến họ mất thêm nhiều lãnh đạo chủ chốt và khó tránh được trách nhiệm như những năm qua", chuyên gia Jenifer Cafarella thuộc Viện nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh.
Vlogger nổi tiếng của Mỹ khen cà phê Việt Nam ngon nhất thế giới
Là quốc gia trồng cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, không ít lần Việt Nam lọt vào top các địa điểm uống cà phê chất lượng. Tuy nhiên mới đây, dưới quan điểm của một Vlogger đến từ Mỹ, cà phê Việt Nam không chỉ ngon mà thậm chí còn ngon nhất thế giới.