Nguy cơ Mỹ đối đầu với đồng minh sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Chính quyền Tổng thống Trump có thể khoét sâu thêm mâu thuẫn với các đồng minh châu Âu do bất đồng về thỏa thuận đã ký với Iran.

03:00 11/05/2018

Tổng thống Mỹ Trump, ngoài cùng bên phải, Thủ tướng Đức Merkel, giữa, và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngoài cùng bên phải, Thủ tướng Đức Merkel, giữa, và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AFP.

"Kịch bản tồi tệ nhất với Mỹ là các nước đồng minh châu Âu và Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và Washington hầu như không thể thay đổi gì", Giáo sư David Schultz, Đại học Hamline, Mỹ, đánh giá khi trao đổi với VnExpress về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được Iran và 6 cường quốc ký năm 2015. 

Ông Trump ngày 9/5 chính thức tuyên bố việc từ bỏ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), cho rằng thỏa thuận này không giúp ngăn Iran sở hữu bom hạt nhân. JCPOA là kết quả các nước đạt được sau 15 năm đàm phán ngoại giao, trong đó Iran cam kết hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân để đổi lại việc Washington dỡ bỏ các lệnh cấm vận áp đặt với nước này.

Dựa trên phản ứng của lãnh đạo Anh, Pháp, Đức sau khi Trump tuyên bố rút khỏi JCPOA, ông Schultz dự báo 5 nước còn lại vẫn sẽ tìm cách duy trì thỏa thuận này và phải đối mặt với nguy cơ chịu trừng phạt từ Mỹ. Lệnh trừng phạt mà Mỹ sắp tái áp đặt với Iran nhắm vào các công ty nước ngoài làm ăn với quốc gia này, trong đó có thể có các tập đoàn ở châu Âu. 

Cũng nêu bật hậu quả do bất đồng giữa Mỹ và các nước đồng minh về vấn đề Iran, bà Kelsey Davenport, Giám đốc chính sách phi hạt nhân hóa, Hiệp hội kiểm soát vũ khí, Mỹ, cho rằng việc 5 cường quốc còn lại thực hiện các bước đi nhanh chóng để ngăn Washington áp đặt trừng phạt Tehran, cũng như các công ty và ngân hàng làm ăn với Iran, là điều rất quan trọng. 

"Điều đó giúp gửi ra thông điệp cho Iran rằng việc tôn trọng thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho Tehran, bất chấp việc Mỹ rút lui", bà Davenport nói. 

Tuy nhiên, bà Davenport vẫn lo ngại rằng sự từ bỏ cam kết của Mỹ và tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran làm gia tăng khả năng Tehran thực hiện các bước đi khôi phục các hoạt động trong chương trình hạt nhân bị hạn chế theo JCPOA.

"Ông Trump đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng phổ biến vũ khí hạt nhân với các hành động khinh suất của mình", bà Davenport lên án Tổng thống Mỹ, cho rằng cộng đồng quốc tế không đủ sức "gánh" hệ quả ở Trung Đông. 

Ông Alex Vatanka, Viện Trung Đông, Mỹ, đặt nghi vấn điều gì sẽ xảy ra nếu các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc không thể thuyết phục được Iran tôn trọng thỏa thuận. 

"Nếu Iran tái khởi động chương trình hạt nhân, Mỹ có thể có hành động quân sự và Tehran đáp trả. Khi đó rất nhiều nước sẽ bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ bên nào", ông Vatanka cảnh báo. Ông cho rằng một cuộc chiến ở Iran sẽ tồi tệ hơn cả chiến tranh Iraq và Syria cộng lại, gây nguy hiểm cho toàn Trung Đông ở mức độ chưa từng có.

Giáo sư Schultz đánh giá nếu Iran quyết định khôi phục chương trình hạt nhân, Mỹ sẽ phải cân nhắc việc có sử dụng hành động quân sự hay không, đơn phương hoặc thực hiện cùng Israel.

Theo ông, hậu quả tồi tệ nhất khi Mỹ khi rút khỏi JCPOA là Iran có thể tự do chế tạo vật liệu hạt nhân để sở hữu vũ khí nguyên tử. Khi đó, Mỹ và Israel có thể phát động một cuộc chiến phủ đầu nhắm vào Iran, gây thêm bất ổn cho Trung Đông và tạo thêm chia rẽ với đồng minh.

"Một cuộc chiến như vậy không có cơ hội thành công, như những gì đang xảy ra ở Iraq và Afghanistan", ông nói. Một cuộc chiến như vậy cũng có thể khiến phe cứng rắn ở Iran mạnh lên và đẩy các thỏa thuận hòa bình tương lai vào tình thế khó khăn hơn

Washington cũng có thể nỗ lực tái đàm phán với Tehran, nhưng khi đó Iran đã không còn niềm tin. Các lựa chọn của Mỹ ít đi và Israel có thể chần chừ trong việc hành động. 

Cũng giống như việc rút khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ đã chọn con đường đi một mình. Điều đó khiến các nước đồng minh chọn hướng đi khác với Mỹ, khiến Washington suy giảm vai trò lãnh đạo trên thế giới

"Trung Quốc và Nga sẽ có thêm cơ hội để định hướng chính sách trên phạm vi toàn cầu, khi Mỹ và các đồng minh có sự khác biệt", ông Schultz nhận định. 

Dấu hiệu cho cuộc gặp Trump-Kim

Chuyên gia Kelsey Davenport ước đoán tuyên bố rút khỏi thỏa thuận với Iran ngay trước thời điểm dự kiến họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên có thể gửi ra thông điệp rằng Washington cứng rắn, sẽ không chấp nhận một thỏa thuận "hời hợt". Dù vậy, hành động của ông Trump cũng có tác dụng ngược, khiến Bình Nhưỡng đánh giá không thể tin cậy vào tính bền vững của một thỏa thuận có thể đạt được với Washington. 

Giáo sư Schultz lại nghiêng về khả năng không "tính xa" đến vậy, việc ông quyết định rút khỏi JCPOA chỉ nhằm thực hiện lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016.

"Tôi cho rằng vấn đề Iran đã được chính quyền Trump quyết định từ lâu rồi, họ không tính đến mối liên hệ với Triều Tiên", ông Schultz cho hay.  

Chuyên gia của Đại học Hamline đánh giá quyết định rút khỏi thỏa thuận Iran của "chịu áp lực" của cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới, khi Tổng thống cần hoàn thành các lời hứa để giữ các cử tri ủng hộ cho ông.

Mặc dù vậy, giáo sư Schultz cảnh báo Iran có thể theo dõi việc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên để "rút ra bài học cho mình". Tehran có thể cho rằng việc Bình Nhưỡng có thể ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc là nhờ sở hữu sức mạnh và khả năng mặc cả từ vũ khí hạt nhân

"Iran có thể có thêm động lực để thực hiện chương trình hạt nhân nhằm đạt được vị trí tương tự như Triều Tiên trong đàm phán với Mỹ. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân không ngăn được Iran theo đuổi ý định đó", ông Schultz nói.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Obama phê phán việc Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Obama phê phán việc Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Cựu tổng thống Mỹ gọi quyết định ông Trump đưa ra là sai lầm nghiêm trọng, có khả năng làm tổn hại uy tín của Washington trước thế giới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất