Nguyên nhân có thể khiến tàu lặn Titan mất tích

Giới chuyên gia cho rằng tàu lặn Titan có thể gặp sự cố kỹ thuật hoặc hư hại thân vỏ dẫn đến mất tích khi tham quan xác Titanic.

16:14 22/06/2023

Tuần duyên Mỹ ngày 19/6 thông báo lực lượng này đang triển khai các nguồn lực để tìm kiếm tàu lặn Titan mất tích trong lúc tham quan xác tàu Titanic ở Đại Tây Dương. Titan được cho là chở theo 5 người, bắt đầu lặn xuống vào sáng 18/6 và mất liên lạc sau khoảng 1 giờ 45 phút.

OceanGate Expeditions, đơn vị vận hành và cung cấp tour tham quan xác tàu Titanic, cho biết họ đang tìm mọi cách để đưa đoàn tham quan trở về an toàn. Canada cũng đã triển khai tàu, máy bay đến khu vực tìm kiếm hỗ trợ, nhưng đến nay chưa tìm thấy dấu vết của Titan.

Các chuyên gia đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến Titan mất tích, từ việc nó bị vướng vào mảnh vỡ của Titanic, bị mất nguồn điện cho đến hệ thống liên lạc gặp vấn đề.

Ảnh minh họa hoạt động tham quan xác tàu Titanic của tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate Expeditions

Ảnh minh họa hoạt động tham quan xác tàu Titanic của tàu lặn Titan. Ảnh: OceanGate Expeditions

Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới đáy Đại Tây Dương, xung quanh là hàng loạt mảnh vỡ còn lại từ thảm kịch đắm tàu xảy ra hơn một thế kỷ trước.

"Các mảnh vỡ nằm khắp mọi nơi. Chúng rất nguy hiểm", Frank Owen, cựu quan chức Hải quân Hoàng gia Australia, giám đốc một dự án thoát hiểm và giải cứu tàu ngầm, nói.

Theo Owen, việc tàu lặn mất liên lạc sau 1 giờ 45 phút kể từ khi khởi hành cho thấy Titan có thể đã rất gần hoặc đến đáy đại dương. Titan có tốc độ tối đa hơn 5 km/h và càng giảm khi lặn càng sâu.

Chuẩn đô đốc Chris Parry, cựu chỉ huy lực lượng hải quân Anh, lo ngại tàu lặn có thể đã gặp rắc rối khi tiếp cận một mảnh vỡ của Titanic. "Nếu tàu Titan bị mắc kẹt trong một phần xác của Titanic, đó sẽ là kịch bản rất đáng lo ngại, bởi địa điểm đó rất sâu", ông nói. "Hy vọng duy nhất là tàu mẹ có một phương tiện dự phòng gần đó có thể lập tức lặn xuống để xem xét chuyện gì đang xảy ra".

Titan được trang bị các khối nặng, giúp tàu lặn xuống dễ dàng hơn. Trong trường hợp bị vướng vào mảnh vỡ tàu Titanic, mất nguồn điện hay hệ thống liên lạc gặp sự cố, Titan có thể thả các khối nặng này để có đủ sức nổi lên mặt nước. Ngoài ra, Titan còn có nhiều thiết bị để phát tín hiệu cầu cứu khi ở trên biển.

Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm đến nay chưa nhận được bất cứ tín hiệu cầu cứu nào của Titan, khiến các chuyên gia đặt ra một giả thuyết khác là thân tàu bị hư hại, khiến nước tràn vào trong khoang.

"Nếu Titan chìm xuống đáy biển và không thể tự nổi lên mặt nước, các lựa chọn có thể thực hiện rất hạn chế", Alistair Greig, giáo sư kỹ thuật hàng hải tại Đại học UCL, Anh nhận định. "Tàu lặn có thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng nếu nó nằm ngoài thềm lục địa, rất ít phương tiện có thể tiếp cận độ sâu đó và chắc chắn thợ lặn là bất khả thi".

Chuẩn đô đốc Parry nói rằng một chiến dịch giải cứu dưới đáy biển ở độ sâu như vậy "là cực kỳ khó khăn".

Chuẩn đô đốc John Mauger của tuần duyên Mỹ phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/6 ở Boston, bang Massachusetts. Ảnh: AP

Chuẩn đô đốc John Mauger của tuần duyên Mỹ phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/6 ở Boston, bang Massachusetts. Ảnh: AP

David Concannon, cố vấn của OceanGate Expeditions, cho biết tàu lặn có nguồn cung dưỡng khí đủ dùng cho 96 giờ, tính từ 6h ngày 18/6. Theo lý thuyết, Titan sẽ đủ dưỡng khí đến sáng 22/6, nhưng mốc này có thể bị ảnh hưởng bởi nhịp thở của những người bên trong tàu, đặc biệt là khi có hành khách ít kinh nghiệm lặn và dễ thở dốc do hoảng sợ.

Concannon cho biết giới chức đang tìm cách đưa một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) có thể lặn xuống độ sâu 6.000 m đến khu vực tìm kiếm nhanh nhất có thể.

ROV thường được thả từ tàu mặt nước, có cáp kết nối, cho phép người điều khiển chủ động điều hướng và tiếp nhận hình ảnh, dữ liệu sóng âm từ phương tiện theo thời gian thực. Tuy nhiên, với số lượng mảnh vỡ Titanic rất nhiều, nhóm tìm kiếm sẽ cần thời gian để xác định vật thể được hiển thị là mảnh vỡ hay tàu Titan.

David Pogue, phóng viên của CBS News từng ngồi trong Titan năm 2022, nói hiện "không có cách nào" để liên lạc với tàu lặn, bởi cả tín hiệu GPS và sóng vô tuyến đều không hoạt động dưới nước.

"Khi tàu mặt nước ở ngay phía trên tàu lặn, họ có thể trao đổi các tin nhắn ngắn. Nhưng lúc này họ không còn nhận được bất cứ phản hồi nào", Pogue nói. Ngoài ra, Pogue cho biết tàu lặn còn được khóa chặt cả từ bên ngoài. "Không có cách nào để người bên trong tự thoát ra mà không có người bên ngoài hỗ trợ, ngay cả khi tàu nổi lên mặt nước".

Phát biểu tại cuộc họp báo chiều tối 19/6 (sáng 20/6 giờ Hà Nội), chuẩn đô đốc John Mauger của Tuần duyên Mỹ ước tính lượng oxy trên Titan "còn khoảng 70 giờ hoặc nhiều hơn".

"Chúng tôi đang tận dụng tốt nhất từng khoảnh khắc, tập trung vào tìm kiếm 5 người mất tích", ông Mauger tuyên bố.

Vị trí xác tàu Titanic trên Đại Tây Dương. Đồ họa: Guardian

Vị trí xác tàu Titanic trên Đại Tây Dương. Đồ họa: Guardian

Tags:
Vũ trụ vừa “minh oan” cho Albert Einstein: hiện tượng thiên văn ông tiên đoán từ hơn 100 năm trước đã thực sự xảy ra

Vũ trụ vừa “minh oan” cho Albert Einstein: hiện tượng thiên văn ông tiên đoán từ hơn 100 năm trước đã thực sự xảy ra

Một vụ va chạm lỗ đen siêu khổng lồ đã xác nhận một hiện tượng hấp dẫn được Albert Einstein dự đoán cách đây một thế kỷ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất