'Nhà giàu cũng khóc' thời Covid-19
Tại một số quốc gia, Covid-19 bị gọi là "bệnh của nhà giàu" vì nhiều người nhiễm nCoV từ các chuyến du lịch hay công tác nước ngoài.
23:30 08/04/2020
Hơn 500 người Mexico giàu có, bao gồm nhiều người có vai vế trong giới tài chính và kinh doanh của đất nước, tới nghỉ đông tại thị trấn Vail, Colorado, Mỹ. Trong hai tuần, họ trượt tuyết, mua sắm, tụ họp trong các biệt thự và ăn tối tại những nhà hàng sang trọng.
Khi họ trở về Mexico vào đầu tháng ba, ít nhất 50 người nhiễm nCoV, bao gồm người đứng đầu sàn giao dịch chứng khoán Mexico và giám đốc điều hành của công ty sở hữu thương hiệu rượu Jose Cuervo. Hàng trăm người đang tự cách ly. Jose Kuri, 71 tuổi, doanh nhân nổi tiếng và là anh họ của tỷ phú viễn thông Carlos Slim, nằm trong số người nhiễm và phải nhập viện.
Giới chức y tế công cộng Mexico xác định những người đi nghỉ dưỡng ở Vail cuối tháng 2 là một trong những nguồn lây nhiễm nCoV chính ở nước này. Họ cho rằng những người đi nghỉ bị lây từ giải trượt tuyết lớn tổ chức ngày 24-29/2 ở Vail, sự kiện có một số người Italy tham dự.
Chuyến nghỉ dưỡng ở Vail là ví dụ cho thấy nhiều trường hợp nhiễm nCoV xuất hiện trong giới giàu, những người có thời gian và tiền bạc để ra nước ngoài.
Xu hướng này xuất hiện trên toàn cầu. Vợ Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Sophie Grégoire Trudeau, dương tính với nCoV sau khi tới London đầu tháng ba, tham dự sự kiện từ thiện với những người nổi tiếng bao gồm nam diễn viên Idris Elba, người cũng nhiễm virus. Bà Grégoire Trudeau đã bình phục. Các quan chức chính phủ ở Cameroon và Kenya cũng nhiễm nCoV khi về nước sau các chuyến đi châu Âu.
Tại Brazil, những người nhiễm nCoV đầu tiên là du khách giàu có đi nghỉ ở Italy. Cleonice Gonçalves, quản gia 63 tuổi, làm việc tại Leblon, Rio de Janeiro, chết hồi giữa tháng ba sau khi dương tính với virus. Chủ của bà gần đây đến Italy.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thái tử Charles đều dương tính với nCoV. Thái tử tuần trước cho biết ông đã bình phục, còn Thủ tướng Johnson đang được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực. Ông từng đến một hội nghị thượng đỉnh ở Đức vào cuối tháng một, nhưng không rõ có phải ông nhiễm nCoV trong chuyến đi hay không.
Một số điểm du lịch như khu trượt tuyết đã trở thành các cụm dịch nCoV. Giới chức y tế công cộng ở vùng Scandinavia tháng này cho biết hàng trăm du khách đã nhiễm nCoV khi đi nghỉ ở khu trượt tuyết Ischgl, Áo, địa điểm gần đây được nhiều du khách yêu thích. Vail, Aspen và hầu hết khu trượt tuyết nổi tiếng khác ở miền tây nước Mỹ đã bị đóng cửa.
Trong hầu hết trường hợp, việc lây nhiễm là do không may và những người nhiễm không nhận ra mức độ lây lan của Covid-19 hay nhận thức được nơi họ đến là điểm nóng dịch. Tuy nhiên, việc nhiều người giàu có và nổi tiếng nhiễm nCoV đã làm bùng lên căng thẳng về tầng lớp xã hội và làm dấy lên quan điểm rằng Covid-19 là vấn đề của người giàu, đặc biệt là ở các quốc gia có tình trạng bất bình đẳng kinh tế cao.
"Chẳng phải phần lớn người nhiễm nCoV là người giàu sao?", Miguel Barbosa, thống đốc bang Puebla, Mexico, nơi ghi nhận 38 ca nhiễm, nói trong cuộc họp báo vào cuối tháng ba. "Nếu anh giàu, anh sẽ gặp rủi ro lớn, còn người nghèo chúng ta thì miễn dịch".
Tại Uruguay, nhà thiết kế thời trang Carmela Hontou về nước vào giữa tháng ba sau chuyến đi Madrid. Bà dự một đám cưới 500 khách vào cuối tuần đó và lây nhiễm cho hơn 40 người. Theo giới chức y tế, ít nhất 20 trong số 29 ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Uruguay liên quan đến Hontou.
Hontou bị chỉ trích nặng nề trên mạng xã hội và bị ban quản lý chung cư bà ở kiện. Ở Uruguay và nước láng giềng Argentina, Covid-19 được đặt tên là "bệnh của nhà giàu".
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng khó có thể đổ lỗi cho một nhóm người cụ thể về Covid-19, vì nhu cầu đi lại trên thế giới ngày càng tăng và sự phát triển của ngành hàng không vô tình tạo điều kiện để nCoV lây lan nhanh chóng. Lưu lượng hàng không toàn cầu tăng vọt, với số lượng hành khách tăng từ 3,53 tỷ lên 4,3 tỷ lượt vào năm ngoái, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Số máy bay thương mại toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua lên 22.000 chiếc, theo công ty tư vấn Jetnet LLC, với hơn 2/3 số máy bay ở Mỹ. Mexico và Brazil nằm trong top 5.
WHO cảnh báo trong nhiều năm rằng sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không đang khiến dịch bệnh toàn cầu khó kiểm soát hơn. Năm 2003, Hussein Gezairy, bác sĩ người Arab Saudi và là giám đốc khu vực của WHO, viết rằng "vì ngành hàng không phát triển nhanh, không quốc gia nào an toàn trước các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh ở một quốc gia có thể dễ dàng nhanh chóng lây lan ra các quốc gia khác thông qua đi lại và thương mại".
Định kiến về một nhóm người có thể khiến những lời cảnh báo bị xem nhẹ. Doanh nhân ngành công nghệ David Jassan nhiễm nCoV sau khi tiếp xúc với bạn bè từng đi nghỉ dưỡng ở Vail. Sau khi nhập viện, Jassan quay video kêu gọi chính phủ hành động nhanh hơn để tránh tình trạng bệnh viện quá tải như Tây Ban Nha và Italy.
Vào thời điểm đó, chính phủ Mexico chưa kêu gọi người dân "cách biệt cộng đồng". Cảnh báo của Jassan không được đón nhận tích cực. Những người ủng hộ Tổng thống dân túy Andrés Manuel López Obrador chỉ trích Jassan là kẻ lừa đảo, muốn làm Tổng thống Mexico bẽ mặt bằng cách kích động hoảng loạn về virus. Họ đặt cho ông biệt danh "Ngài Viêm phổi" để mỉa mai. Mexico hiện ghi nhận hơn 2.400 ca nhiễm và hơn 120 ca tử vong.
Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng việc đổ lỗi cho bất kỳ nhóm người cụ thể nào, theo chủng tộc, địa vị xã hội hay quê quán, chỉ khiến dịch bệnh khó kiểm soát hơn, vì người nhiễm nCoV có thể giấu bệnh do lo sợ bị công chúng chỉ trích.
Điều đó khiến toàn bộ xã hội gặp rủi ro, đặc biệt là người nghèo, dễ bị tổn thương, ít được tiếp cận với dịch vụ y tế và không thể làm việc ở nhà. "Bất cứ chính trị gia nào, bất cứ ai cố đổ lỗi cho người giàu đều thực chất đang gây nguy hiểm cho người nghèo", Nuzzo nói.
Link nguồn: https://vnexpress.net/nha-giau-cung-khoc-thoi-covid-19-4080681.html
Ông Trump loại bỏ người giám sát gói cứu trợ 2.000 tỷ USD
Tổng thống Trump đã loại bỏ người đứng đầu cơ quan giám sát việc thực hiện gói cứu trợ 2.000 tỷ USD hỗ trợ người dân Mỹ trong đại dịch Covid-19.