Nhà tài trợ Tổng thống Trump được ưu tiên trong gói cứu trợ 2.000 tỷ USD?
Trong gói giải cứu kinh tế quy mô khổng lồ hồi tháng 4, vấn đề gây tranh cãi là các nhà tài trợ tranh cử của Tổng thống Donald Trump đều là đối tượng hưởng lợi đầu tiên.
21:30 09/07/2020
Theo điều tra của AP, có tới 273 triệu USD trong gói cứu trợ kinh tế Mỹ trong đại dịch Covid -19 đã được trao cho hơn 100 công ty của các nhà tài trợ chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump.
Rất nhiều trong số công ty này lọt vào danh sách thụ hưởng đầu tiên trong gói hỗ trợ vốn vay đầu tháng 4. Chỉ có 8 công ty phải chờ đến vòng viện trợ sau đó vào tháng 5.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ trong đại dịch vướng tranh cãi khi nhiều công ty liên quan tới Tổng thống Trump. Ảnh: ABCNews
AP gọi đây là các hãng có mối liên kết với Tổng thống Trump, và số này đều lọt vào danh sách của Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) gây tranh cãi. Đáng nói, mục tiêu của chương trình là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đang vật lộn với khó khăn để vượt qua khủng hoảng trong đại dịch.
Điển hình như chuỗi thức ăn nhanh như Muy Brand, các công ty dầu khí và các công ty không thuộc lĩnh vực thiết yếu đã được nhận khoản vay hơn 659 tỷ USD hỗ trợ lãi suất thấp hoặc miễn lãi để thanh toán tiền lương và phí thuê nhà.
Tổng cộng, các công ty thuộc quyền sở hữu hoặc được điều hành bởi các nhà tài trợ trên đã đóng góp cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump khoảng 11,1 triệu USD kể từ tháng 5/2015.
Trên thực tế, số tiền mà các công ty trên đã nhận từ gói cứu trợ chưa quá lớn và không có bằng chứng cụ thể cho thấy họ được đối xử đặc quyền nhờ mối quan hệ với tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, phương thức phân phối và thứ tự ưu tiên của các doanh nghiệp này đang được cân nhắc kỹ do tranh cãi nổi lên trong Quốc hội Mỹ.
Hôm 6/7, Bộ Tài chính Mỹ đã công khai danh sách các công ty nhận các khoản vay vượt quá 150.000 USD, nhưng không đi kèm số tiền chi tiết đã nhận. Trong số đó, website NewsMax được được nhận khoản vay có thể lên tới 5 triệu USD hôm 13/4. CEO của NewsMax, Christopher Ruddy đã ủng hộ 525.000 USD cho ủy ban của Tổng thống Trump.
Ngoài ra, Muy Brands, hãng điều hành các thương hiệu Taco Bell, Pizza Hut và Wendy, đã được chấp thuận cho khoản vay trong khoảng từ 5 – 10 triệu USD. Ông chủ của hãng, James Bodenstedt cũng đóng góp 672,570 USD cho chiến dịch vận động của Tổng thống Trump từ năm 2016. Nhận hỗ trợ quy mô tương tự là tập đoàn M Crowd sở hữu 27 nhà hàng tại Texas. Ray Washburne, một trong những người sáng lập hãng là phó chủ tịch ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump vào năm 2016. Bản thân Washburne cũng góp 100.000 USD cho ủy ban Trump Victory vào tháng 8/2019.
Chương trình PPP được cho là giải cứu kịp thời 51 triệu việc làm của Mỹ, theo Samantha Zager, người phát ngôn của Tổng thống Trump cho biết. Tuy nhiên, các nhà giám sát của Quốc hội cho rằng việc thực thi thanh tra gói cứu trợ chưa được thực thi thỏa đáng. Tổng thống Mỹ là người luôn kịch liệt phản đối hoạt động giám sát và nỗ lực làm minh bạch quá trình phân bổ gói hỗ trợ kinh tế.
“Do thiếu biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, chẳng hạn công tác báo cáo và tổng thanh tra hiệu quả, dư luận sẽ đặt ra những nghi ngờ quanh gói cứu trợ này. Đặc biệt, khi chúng ta thấy quá nhiều người nhận được tiền phân bổ quá nhanh và họ đều là người ủng hộ cho chiến dịch của Tổng thống Trump, quá nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra”, Keith Noble, cựu cố vấn của Ủy ban bầu cử liên bang cho biết.
Theo quy định, đối tượng thụ hưởng của chương trình PPP là các công ty quy mô ít hơn 5000 công nhân. Có tới 130 tỷ USD vốn còn thừa sau thời hạn nộp đơn xin hỗ trợ 30/6. Do đó, vòng hỗ trợ thứ 2 được tiến hành vào 8/8 tới. Theo AP, chính quyền không tiết lộ danh tính cụ thể của hơn 80% trong số 5 triệu người thụ hưởng các khoản vay dưới 150.000 USD. Do đó, AP cùng một số hãng tin đã kích hoạt hồ sơ điều tra về vấn đề này.
Ngoài những người ủng hộ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, danh sách thụ hưởng gói cứu trợ còn nối dài với những cái tên liên quan đến gia đình, thân tín của tổng thống. Điển hình như học viện Joseph Kushner, đặt theo tên con rể Tổng thống Mỹ cũng nhận khoản vay trong khoảng 1 -2 triệu USD, theo NBCNews.
Hoặc hãng Kasowitz Benson Torres, công ty luật của Marc Kasowitz, người tư vấn lâu năm của Tổng thống Trump cũng nhận hỗ trợ trong khoảng từ 5 – 10 triệu USD. Hãng phát thanh Patrick Broadcasting, thuộc sở hữu thống đốc bang Texas, Dan Patrick đã nhận khoảng 179.000 USD hỗ trợ. Patrick là chủ tịch chiến dịch tranh cử Tổng thống Trump ở bang Texas.
Lệnh học online phải về nước: Sinh viên Việt Nam du học Mỹ không muốn về
“Tin mới nhất của Cơ Quan Di Trú Liên Bang thật bất ngờ. Tôi không thể tưởng tượng được chuyện này lại có thể xảy ra được,” cô Thư Võ, du học sinh Việt Nam đang ở tại Garden Grove, chia sẻ.