Nhà Trắng dậy sóng vì câu hỏi ai đã sai trong vấn đề Afghanistan
Sau khi công tác rút quân khỏi Afghanistan kết thúc, Nhà Trắng buộc phải đối mặt với câu hỏi họ đã sai ở đâu. Câu hỏi ấy cũng sẽ đẩy mạnh trò chơi đổ lỗi trong chính quyền.
10:00 08/09/2021
Quá trình đánh giá nội bộ sắp tới sẽ xem xét “mọi việc diễn ra từ đầu đến cuối (tại Afghanistan) và các điểm cần cải thiện”, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói vào tháng 8, theo bài viết ngày 2/9 của CNN.
Tuy nhiên, màn quy trách nhiệm của quan chức chính quyền và các thành viên Quốc hội Mỹ không hề chờ đợi cho tới khi quá trình đánh giá trên chấm dứt.
Trước công chúng, Nhà Trắng cho rằng nhiều yếu tố bên ngoài đã gây ra tình trạng hỗn loạn ở Afghanistan, bao gồm chính lực lượng an ninh Afghanistan và thỏa thuận tháng 2/2020 giữa cựu Tổng thống Donald Trump với Taliban.
Sau hậu trường, quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ than phiền về việc tại sao mình phải hứng chịu phần lớn trách nhiệm mà không phải là cộng đồng tình báo Mỹ.
Nhưng quan chức tình báo và nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng cho rằng Nhà Trắng đang cố đem cộng đồng tình báo làm hình nhân thế mạng.
Cuộc tranh cãi ở hậu trường nhiều khả năng sẽ tràn ra trước mắt công chúng. Nhà lập pháp từ cả hai đảng đã chuẩn bị cho các cuộc điều trần công khai sẽ bắt đầu trong tháng 9 về cách Nhà Trắng xử lý công tác rút quân.
Quân đội được Mỹ đào tạo và đầu tư hàng chục tỷ USD mua sắm vũ khí đã buông súng mà không cần chiến đấu. Ảnh: U.S Army.
Quan chức Nhà Trắng đoàn kết
Quan chức Nhà Trắng cho biết nội dung các cuộc họp với ông Biden chưa đề cập tới việc sa thải hoặc bãi nhiệm bất cứ ai. Họ đoàn kết lại để đảm bảo ông Sullivan có thể làm công việc của mình, thay vì cấu xé vị cố vấn này, CNN dẫn lời hai quan chức cho biết.
“Chúng tôi không phải Nhà Trắng dưới thời Trump”, một quan chức nói.
Nhà Trắng cũng theo dõi rất sát sao những lời chỉ trích. Quan chức chính quyền nói họ biết rằng các cuộc điều tra và điều trần Quốc hội sắp diễn ra, nhưng những ủy ban phụ trách đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ, đảng của ông Biden, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Giữa làn sóng chỉ trích, Nhà Trắng gần đây bắt đầu gọi điện thúc giục những nhà lập pháp đảng Dân chủ công khai bảo vệ công tác sơ tán của chính quyền Biden, các nguồn thạo tin cho biết. Nhưng đến nay, Nhà Trắng vẫn khó có được sự ủng hộ như mong muốn.
Chiến binh Taliban trên đường phố Kabul ngày 16/8. Ảnh: AFP.
Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Dân chủ kiêm chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mark Warner và Thượng nghị sĩ Dân chủ kiêm chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez đều chỉ trích công tác sơ tán. Cả hai chưa công khai bảo vệ ông Biden.
Ngay cả Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons, đồng minh thân cận nhất của ông Biden tại Thượng viện, cũng đồng ý mở “cuộc đánh giá toàn diện về sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền và quân đội Afghanistan, cùng việc lên kế hoạch và điều phối công tác sơ tán”.
Một số thành viên đảng Dân chủ lên tiếng bảo vệ ông Biden, như Thượng nghị sĩ Chris Murphy. Trả lời CNN, ông Murphy cho biết sự hỗn loạn của công tác sơ tán nhiều khả năng sẽ xảy ra bất kể thười điểm chính phủ Afghanistan sụp đổ.
“Khi Quốc hội thực hiện lần đánh giá này, tôi muốn chắc chắn rằng (phạm vi đánh giá) sẽ trải dài hơn 20 năm qua, không chỉ riêng hai tháng gần đây”, ông Murphy nói.
Tín hiệu bị phớt lờ?
Theo CNN, vấn đề lớn hơn cả là tại sao chính quyền Biden bất ngờ trước đà tiến công của Taliban đến nỗi quân đội Mỹ buộc phải phụ thuộc vào cựu thù để đảm bảo công dân được an toàn tới sân bay.
Về phần mình, quan chức tình báo nói họ không có lỗi. Một quan chức tình báo cao cấp chỉ ra rằng khả năng Taliban nhanh chóng chiếm Afghanistan luôn được trình lên trước các nhà hoạch định chính sách.
Gần nhất là vào tháng 8, cộng đồng tình báo đưa ra đánh giá rằng Taliban đang tìm cách chiếm lại toàn bộ Afghanistan bằng con đường quân sự, thay vì muốn đàm phán chính trị, một nguồn tin khác cho biết.
Lính Mỹ cố gắng kiểm soát đám đông tại sân bay Kabul vào ngày 16/8. Ảnh: AFP.
Nhưng theo các quan chức, ông Biden và Hội đồng An ninh Quốc gia đã chọn cách tin vào bản đánh giá lạc quan về việc chính phủ Afghanistan có thể cầm cự ít nhất một năm, đủ để Mỹ hoàn tất quá trình sơ tán và rút quân trước khi Taliban tiếp quản.
“Chúng tôi từ trước luôn chỉ ra rủi ro chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh chóng. Theo diễn biến giao tranh, chúng tôi cũng ngày càng thể hiện thái độ bi quan về khả năng sinh tồn của chính phủ này”, một quan chức tình báo cấp cao gần đây trả lời CNN.
Trong khi đó, sau khi Taliban kiểm soát Kabul, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley từng trả lời báo chí rằng thời gian chính phủ Afghanistan sụp đổ “được ước tính dao động lớn trong khoảng nhiều tuần tới nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm sau khi Mỹ đi khỏi”.
Tại sao không sơ tán sớm hơn?
Kể cả với bản đánh giá lạc quan, tình hình thực tế vẫn nhanh chóng xấu đi theo bước tiến của Taliban trong những tuần trước khi Kabul thất thủ.
Vì thế, một câu hỏi sẽ được các nhà lập pháp xoáy sâu là tại sao công tác sơ tán không được thực hiện sớm hơn, khi tình hình cho thấy Taliban đang thắng thế, theo CNN.
“Một số thành viên Quốc hội, gồm cả tôi, từ tháng 4 đã cảnh báo là chúng ta có thể rơi vào tình thế như vậy. Và đó là lý do chúng tôi xúc tiến chương trình Visa Nhập cư Đặc biệt (visa dành cho người Afghanistan từng giúp Mỹ) từ nhiều tháng trước”, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jason Crow thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói.
Giữa tháng 7, một nhóm các nhà ngoại giao Mỹ gửi điện tín mật cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Họ kêu gọi cần hành động nhanh chóng vì tình hình có thể nhanh chóng xấu đi và trở thành thảm họa.
Một số người cho rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) cần chịu trách nhiệm vì công tác sơ tán hỗn loạn tại Kabul. Ảnh: Bloomberg.
Nhà Trắng từng nói không tổ chức sơ tán quy mô lớn từ sớm vì không muốn tạo cảm giác là Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani không thể giữ vững chính phủ khi Taliban tiến công.
Nhưng khi Taliban chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ, Mỹ vẫn nhanh chóng rút quân, từ đó khiến lực lượng an ninh Afghanistan ngày càng suy yếu.
Chẳng hạn, trực thăng của quân đội Afghanistan về cơ bản mất khả năng bay sau khi bị tháo dỡ hệ thống phòng ngự tên lửa theo lệnh của Lầu Năm Góc, tướng Sami Sadat của Afghanistan viết ngày 25/8 trên New York Times.
Nhiều quan chức Mỹ gợi ý rằng đa số sai sót trong sự việc lần này là trách nhiệm của ông Sullivan và Hội đồng An ninh Quốc gia. Dù họp nhiều lần trong những tháng gần đây, cơ quan này thường thiếu quyết đoán trên phương diện thực thi đề xuất chính sách.
Màn tranh đấu công khai sắp bùng nổ
Những lời giải thích trái ngược và những lời đổ lỗi sau hậu trường chỉ là phần khởi đầu cho màn tranh đấu công khai sắp diễn ra trong các buổi điều trần Quốc hội, theo CNN. Nhiều ủy ban của Thượng viện Mỹ đã chuẩn bị cho các phiên điều trần để chất vấn quan chức cấp cao.
Hạ Nghị sĩ Jim Langevin, một đảng viên Dân chủ, cho biết muốn đối mặt những cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của ông Biden để “hỏi những câu hỏi sắc bén về việc ai đã cố vấn gì và ai là người ra quyết định sau cùng”.
Đặc phái viên của Mỹ Zalmay Khalilzad (trái) sau lễ ký thỏa thuận hòa bình với đại diện Taliban. Ảnh: AFP.
Đảng viên Cộng hòa cũng chuẩn bị chất vấn đội ngũ của ông Biden từ nhiều phương diện. Họ đề nghị chính quyền ông Biden phải nộp lại “kế hoạch sơ tán” và yêu cầu các quan chức hàng đầu ra làm chứng.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 30/8 cho biết Đặc phái viên Zalmay Khalilzad, người dẫn dắt quá trình Mỹ đàm phán hòa bình với Taliban, “nên là người đầu tiên được gọi ra trước Quốc hội”.
Trước cảnh hỗn loạn ở Kabul, nhiều quan chức Mỹ hướng sự giận dữ về phía ông Khalilzad vì ông đóng vai trò trung tâm trong soạn thảo thỏa thuận với Taliban dưới thời cựu Tổng thống Trump. Thỏa thuận này yêu cầu lính Mỹ rời Afghanistan trước ngày 1/5.
Theo Nhà Trắng, điều này về cơ bản trói tay ông Biden và buộc chính quyền hiện tại phải rút quân dù chưa thể đòi Taliban có nhượng bộ thực chất.
Nhưng một quan chức phương Tây từng liên quan tới cuộc đàm phán chỉ ra rằng ông Biden từ lâu đã quyết rút lính Mỹ ra khỏi Afghanistan. Vì thế, một số người trong chính quyền Biden coi việc giữ ông Khalilzad ở lại là cách để có “người chịu trách nhiệm” nếu hỏng việc, theo vị quan chức phương Tây.
10 quy tắc kiếm tiền của người Do Thái: Tiêu nhiều tiền cho thứ mang lại lợi ích nhỏ là cách làm của kẻ ngốc!
"Hoặc bán nhiều sản phẩm hơn cho cùng một người, hoặc là bán cùng một sản phẩm cho nhiều người". Đây chính là định luật phân phối trong kinh doanh của người Do Thái. Quy tắc này giúp việc buôn bán diễn ra thuận lợi và trôi chảy.