Nhà tù sung sướng kỳ lạ nhất thế giới dành cho tội phạm
Nhà tù như khu nghỉ dưỡng ở Na Uy hay nhà tù dành riêng cho quan tham nhũng ở Trung Quốc là hai trong số những cơ sở giam giữ được xếp vào hàng kỳ lạ nhất trên thế giới.
10:30 06/04/2018
Jan Petter Vala là một phạm nhân đang thụ án giết người tại nhà tù Bastoy, phía nam Na Uy. Nhưng không bị nhốt trong những phòng giam chật hẹp, Vala được giữ chìa khóa phòng riêng và không bị cách ly bởi bất kỳ lính gác, rào chắn hay song sắt nào.
Đây chỉ là một trong vô vàn những điểm kỳ lạ khiến Bastoy được mệnh danh là nhà tù sung sướng nhất thế giới dành cho tội phạm, theo CNN.
Thành lập năm 1982, nhà tù Bastoy nằm trên một hòn đảo nhỏ rộng chừng 1,6 km với cảnh quan hấp dẫn. Nó trông giống khu nghỉ dưỡng hơn một nhà tù. Phạm nhân ở đây được hưởng sự tự do chưa từng thấy tại bất cứ nhà tù nào khác.
Bastoy có một bãi biển nơi tù nhân tắm nắng vào mùa hè với vô số điểm câu cá lý tưởng, một phòng xông hơi và vài sân tennis. 115 phạm nhân tại Bastoy, tất cả đều là nam giới, phạm tội từ giết người, hiếp dâm hay buôn bán ma túy tới các tội danh khác, sống trong những căn nhà gỗ sơn đỏ. Họ đến và đi khi nào họ muốn.
Một phạm nhân thư giãn tắm nắng tại nhà tù Bastoy. Ảnh: Plaid Zebra
Những người khác sống tại “Nhà lớn”, một căn biệt thự trắng nằm trên đồi, bên trong trông giống khu ký túc xá cho sinh viên. Gà được nuôi dưới tầng hầm, cung cấp trứng cho các phạm nhân. Khi hỏi đầu bếp món ăn cho bữa tối, họ sẽ mời bạn chọn một thực đơn khá đa dạng, từ gà, bò, tôm cho đến cá hồi.
Thoạt đọc qua, nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu và giận dữ. Vì sao những kẻ đáng nhẽ phải bị trừng phạt lại được hưởng cuộc sống tuyệt vời đến vậy? Vì sao họ có đầy đủ tiện nghi trong khi những người ngoài kia phải sống trong khổ sở. Nhưng nếu mục đích của nhà tù là thay đổi con người, mô hình nhà tù Bastoy dường như phát huy hiệu quả.
“Chúng tôi tạo ra một khu nghỉ dưỡng cho tội phạm đấy, thì sao chứ?”, ông Arne Kvernvik, quản lý nhà tù, chuyên gia tâm lý học, nói. “Chúng ta nên giảm thiểu nguy cơ tái phạm tội bởi nếu không, trừng phạt có nghĩa lý gì?”.
Theo một báo cáo năm 2010, tỷ lệ tù nhân tái phạm tội sau khi rời Bastoy chỉ rơi vào khoảng 16%. Để so sánh, tỷ lệ này ở các nhà tù Mỹ năm 2011 là 43%.
Dù vậy, mô hình nhà tù Bastoy vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng việc đối xử tốt với các phạm nhân không phải yếu tố chính ảnh hưởng tới việc liệu họ có tái phạm tội hay không. Song, giới chức nhà tù Bastoy vẫn kiên trì với phương pháp của mình. Mục tiêu Bastoy hướng đến không phải trừng phạt hay trả thù. Hình phạt duy nhất với các phạm nhân là họ bị tước đi quyền làm một thành viên trong xã hội tự do.
Bắt đầu lại cuộc sống
Bastoy áp dụng rất ít quy định. Phạm nhân được phép có TV trong phòng, mặc bất kỳ quần áo nào họ muốn, quần jean hay áo phông. Ngay cả những nhân viên an ninh cũng không mặc đồng phục.
Tất cả mọi người ở Bastoy đều có công việc. Phạm nhân làm việc từ 8h30 đến 15h30 các ngày trong tuần. Một số người làm vườn, số khác canh tác trên những cánh đồng. Một số người đi chặt cây, chẻ củi. Số khác lại được giao nhiệm vụ chăn những đàn ngựa. Phạm nhân có thể di chuyển tự do trong khi làm việc. Sĩ quan an ninh đôi lúc có mặt để giám sát, khi thì không. Đặc biệt là không ai phải đeo gông hay cùm chân.
Những người quản lý muốn biến nhà tù thành một ngôi làng nhỏ có khả năng tự cung tự cấp. Các phạm nhân cũng được trả lương. Họ nhận khoảng 59 kroner Na Uy mỗi ngày, tương đương gần 8 USD. Họ có thể tiết kiệm số tiền hoặc dùng chúng để mua sắm trong một cửa hàng trên đảo. Tiền ăn của mỗi phạm nhân hàng tháng khoảng 125 USD.
Các nhân viên nhà bếp, cũng do phạm nhân đảm nhân, hàng ngày sẽ phục vụ bữa tối. Bữa sáng và bữa trưa, phạm nhân phải dùng “tiền lương” để mua đồ từ cửa hàng và nấu tại nhà. Nhiều người sống trong các căn nhà nhỏ với đầy đủ tiện nghi bếp. Một số người khác dùng bếp ăn chung.
Theo giới chức nhà tù, mong muốn của họ là tạo ra một môi trường, ở đó phạm nhân có thể xây dựng lòng tự trọng và lấy lại cuộc sống bình thường. Tất nhiên, các phạm nhân đều đánh giá cao phương pháp tiếp cận này.
Phạm nhân Kjell Amundsen, 70 tuổi, cho biết ông đã rất sợ hãi vào lần đầu tiên ngồi phà 15 phút từ đất liền ra đảo. Nhưng nay, Amundsen “đi tù kiểu này thực sự là điều tuyệt vời”.
Ông dự định sống một cuộc sống bình thường, thảnh thơi sau khi ra tù. “Mãn hạn tù, tôi định sống trong một căn hộ, nhưng giờ đây tôi nghĩ mình nên có một khu vườn nhỏ nữa”, Amundsen nói.
Các phạm nhân còn có cơ hội tham gia những lớp học tại một tòa nhà gần trung tâm đảo. Trong một lần phóng viên CNN tới thăm nơi này, họ bắt gặp ba phạm nhân trẻ đang học cách vẽ mô hình 3D xe hơi trên máy tính. Tất cả đều hào hứng.
Phạm nhân Tom Remi Berg cho hay anh cuối cùng cũng học được bài học tại nhà tù Bastoy. Berg làm việc cho nhà bếp và muốn trở thành một bếp trưởng sau khi được trao trả tự do. Anh cũng gia nhập một ban nhạc trong nhà tù.
“Thật tốt khi có một nhà tù như vậy”, Berg nói. “Bạn có thể học để bắt đầu lại một chương mới của cuộc sống”.
Theo Báo Nông nghiệp
Dân biểu California đòi giới hạn trường hợp cảnh sát được nổ súng
Một số nhà lập pháp tiểu bang California và gia đình của một thanh niên da đen, 22 tuổi, bị cảnh sát bắn chết dù không võ trang, hôm Thứ Ba đề nghị rằng California có thể là tiểu bang đầu tiên đưa ra luật nhằm giới hạn chặt chẽ các trường hợp cảnh sát có thể nổ súng.