Nhật kí mở tiệm nail thời gian đầu sao cho đỡ bị thiệt nhất

Việc mở một business, hay tiệm, ắt không còn quá xa lạ với nhiều người Việt Nam ở hải ngoại. Nhưng việc chia sẻ kinh nghiệm cụ thể, thì mình không thấy mấy bài. Mình chia sẻ ở đây, viết dài quá sợ tốn tài nguyên mạng và thời gian của mọi người nên chắc chỉ nói ý chính thôi, mời các bạn tham khảo.

23:00 28/07/2023

I. Điều Kiện Tiên Quyết: ĐỌC! - Trước khi cầm viết lên kí vào gì đó, mình buộc mình phải nhẩm đi nhẩm lại câu “bút sa gà chết” ít nhất 3 lần. Nhiều người cầm bản hợp đồng dài dằng dặc tiếng Anh từ đầu tới cuối ngại, đọc lướt qua hay nghĩ thầm: “Bọn này làm ăn lâu năm uy tín chắc chả lừa mình”, và kí. No. A BIG NO! Nếu không đọc và hiểu hết, thì trả tiền cho một văn phòng nào đó dịch hay xem lại cho. Bởi một khi đặt bút kí vào hợp đồng rồi là sẽ dính vào đó lâu dài.

Điều cần xem nhất khi kí hợp đồng, đầu tiên là khoản tiền hàng tháng, kế đó thời hạn hợp đồng, điều kiện gia hạn hợp đồng, khoản tiền sau mỗi năm liệu có tăng… Có một khoản mọi người hay xem lướt qua, là điều kiện để sublease (cho người khác thuê lại nếu mình làm ăn không tốt, hay share bớt diện tích văn phòng). Cái này ban đầu khi làm, mình hay không để ý, vì mở công ty ai lại nghĩ tới ngày ế phải sang lại hay chia một phần cho business khác. Nhưng again, hỏi trước và rõ ràng, sau chỉ có lợi không hại.

II. Khi Nào Thì Sẵn Sàng Mở Tiệm?

Theo kinh nghiệm của mình (mở gần 10 tiệm, thành công có, thất bại cũng có), câu hỏi này xoay quanh hai ý trả lời chính:

1. Tài Chính

2. Công Sức

1. Tài Chính

Tài chính, phải đủ cover trong trường hợp xấu nhất. Đừng tính toán rằng mình mở tiệm ra, sẽ thu được bằng này, bằng kia, trừ vào tiền tiệm. Mình khi tính toán lên kế hoạch mở tiệm mới, toàn tính tới trường hợp giả sử trong vòng 6 tháng, hoàn toàn không thu được khách nào, thì tiền mình đủ “chống cự” không? Nếu câu trả lời là KHÔNG, thì theo mình nên dời lại kế hoạch cho tới khi kiếm đủ tiền.

Đối với ai đã có tiệm rồi, muốn mở thêm tiệm nữa thì đơn giản hơn: chỉ cần xem tiệm cũ có kiếm đủ tiền để trả cho lỗ tiệm mới không. Cái này mỗi người, tuỳ vào độ mạo hiểm sẽ có câu trả lời khác nhau. Con số mình tự đề ra là 2/3. Nếu lời tiệm cũ đủ trả cho 2/3 chi phí tiệm mới (trong trường hợp không kiếm được khách), thì mình làm.

Thật ra, mọi thứ cũng không quá đáng sợ và bi đát. Khi đăng kí business, nên xem kĩ và chọn loại business nào để khi phá sản không ảnh hưởng đến cá nhân mình (LLC). Business là phải mạo hiểm, nhưng biết điều này cũng khiến mình an tâm hơn xíu. Trường hợp xấu nhất, khai phá sản là xong, dù chẳng ai muốn…

2. Công Sức

Có mở tiệm rồi mới thấy, công sức bỏ ra là khoản “hi sinh” và “đầu tư” lớn nhất. Bình thường đi làm cho tư bản, ngày 6 tiếng, 8 tiếng… là xong. Lái xe về nhà ăn tối xong, mở Netflix coi hay đánh vài trận game, không phải lo lắng gì. Mở tiệm rồi xem như chết dính với nó cả ngày lẫn đêm.

Tiệm làm ăn tốt, nhanh có lời để mướn người thì còn đỡ. Nhiều tiệm mở ra (như mình ban đầu bị) một thời gian dài chưa kiếm được, thân làm chủ phải lấy công làm lời, cái gì cũng phải làm, từ việc đi sớm về khuya, đến làm những việc chân tay như quét dọn, sơn tường, khuân vác…

Mình hơi mạo hiểm khi mở tiệm đầu tiên mà không xem xét tới vấn đề này, cứ nghĩ mình sức trẻ sợ quái gì. Thành ra có một thời điểm hầu như chỉ cắm đầu làm, nhiều lúc thâu đêm suốt sáng, không còn thời gian tận hưởng cuộc sống, dẫn đến tâm lý khá trầm xuống và stress nặng.

III. Khi Mở Tiệm Cần Làm Những Gì?

Đầu tiên, những gì muốn thay đổi với tiệm, thì tốt nhất là làm ngay từ khi bắt đầu mở tiệm. Đừng để suy nghĩ: “thôi cứ vô làm, từ từ sửa sau” ngóc lên làm chủ đạo. Sau khi đã dọn vô, đồ đạc đầy nhóc rồi, thì chắc chắn động lực để sửa chữa, cải tạo tiệm sẽ giảm đi vài chục lần.

Thường mình khi mở tiệm, việc đầu tiên là đặt bảng hiệu. Bảng hiệu như khuôn mặt của tiệm. Tiệm mới mà không có bảng hiệu khang trang thì chả mấy ai vào. Kế tiếp là sơn lại tường, thiết kế lại bên trong theo ý mình muốn. Những đồ cũ chủ trước để lại, trừ khi còn thật mới và tốt, còn không thì cứ vứt đi mua đồ mới, vừa nhìn đẹp mắt, vừa xài được bền lâu hơn, khỏi nghĩ tới chuyện thay.

Nhân công bên này mắc, nên nhắm gì làm được thì cứ học mà làm. Nhất là mấy bạn nam, những việc như sửa điện, lắp bảng exit, open, sơn tường, đóng kệ… nên tranh thủ lúc này học luôn, sẽ rất có ích cho tương lai sau này. Hầu như 90% các việc sửa chữa ban đầu trong tiệm là bọn mình làm hết, khi nào quá phức tạp, cần máy móc và kĩ thuật chuyên dụng… mới đi thuê người ngoài. Google và Youtube là miễn phí mà!

IV. Làm Sao Để Hút Khách Ngày Đầu?

First impressions last. Khách hàng mới rất thiếu kiên nhẫn, và tâm lý chung chưa đủ biết mình để “tha thứ” các lỗi lầm. Một lỗi lớn với khách hàng cũ có thể khiến họ mất vui, nhưng chưa đến mức bỏ đi; một lỗi nhỏ tưởng chừng vô cùng vớ vẩn, với khách hàng mới, có thể dù họ bên ngoài cười xởi lởi, nhưng họ sẽ không bao giờ trở lại. Business chạy khoảng thời gian đầu, phải đảm bảo mọi thứ diễn ra thuận lợi. Nếu chưa đảm bảo được, nghĩa là chưa sẵn sàng.

Khách chỉ có vài giây ấn tượng ban đầu để đi đến quyết định (cuốn sách Blink của Malcolm Gladwell giải thích việc này khá hay). Nên nếu bạn chạy quảng cáo trên social media, thì hãy chắc chắn rằng khi khách click vào để đến trang chủ của bạn, trong vòng 3 giây đầu khách phải thấy ấn tượng, không thì đại đa số khách sẽ nhấn close tab ngay. Chạy slot quảng cáo radio thì phải gây được sự chú ý, tò mò trong khách ở tầm 3 câu đầu. Tới câu thứ 4 nếu vẫn chán òm, thì không một ai buồn mà nghe hết.

Quay lại ý trên. Quảng cáo, dĩ nhiên cần, nhưng quảng cáo cần một, thì làm cách nào để khách quay trở lại cần thiết gấp mười. Khách tới vì quảng cáo, nếu không vừa ý và bỏ đi, thì lần sau quảng cáo bao nhiêu lần, khách cũng sẽ không tới.

V. Những Kinh Nghiệm Ngoài Lề Khi Deal Với Landlord

Có một câu cũ mà vẫn xài được tới giờ: In a negotiation, never make the first offer. Nhưng để đạt được khả năng “tỉnh” chờ họ đưa con số trước rồi mình trả giá, thì phải tìm hiểu kĩ:

1. Vị trí đó có “hot” không? Cách tốt nhất là đi hỏi “hàng xóm”. Ví dụ, suite đó đã để 5 tháng chưa ai thuê, nghĩa là landlord nhiều khả năng sẽ chấp nhận cho mình ưu đãi. Mình hay quan niệm: nếu chỗ đó cho thuê được thì đã cho thuê được rồi, không phải vì mình chậm vài ngày mà hụt mất. Nên đừng sốt ruột mà quyết định vội.

2. Building đó hút khách không? Nên đậu lì xe ở đó để tìm hiểu các ngày và thời gian khác nhau trong tuần. Nhiều khi Chủ Nhật sáng đông, không có nghĩa là ngày thường trong tuần cũng đông. Business không thể chỉ sống nhờ vào sáng Chủ Nhật, có đúng không nhỉ?

3. Hơi nhẫn tâm, nhưng làm ăn là làm ăn, nếu sang lại lease của ai, thì có nghĩa là người cần sang lại muốn dứt để đi càng nhanh càng tốt, không tranh thủ kiếm chút lợi ích thì còn chờ đến khi nào? Dĩ nhiên, đừng quá chèn ép hay đẩy người ta đến đường cùng, dù sao cũng là đồng hương, sau này ra đường tình cờ gặp còn nhìn mặt nhau bắt tay chào. Nhưng nên gắng deal thêm, vì nhiều khả năng mình sẽ “thê thảm” còn hơn họ khi này. Mình hay deal xin chủ cũ “trả giúp” tháng đầu tiền thuê tiệm trong khi đang ế.

4. Counter landlord thì thường chỉ xoay quanh 2 yếu tố: giảm thời gian xuống càng ít càng tốt (dại gì ôm vào người cái lease 5 năm trong khi mình có thể kí chỉ 3 năm); tiền lease thì chắc khó giảm vì nó thuộc quy định của công ty họ, nhưng nên xin họ miễn phí tầm 2 tháng đầu, vì lí do phải dọn vào, sửa sang lại tiệm, khách ế.

5. Chú ý inspect để yêu cầu sửa chữa trước khi move vào. Những khoản “nhỏ” như sửa trần dột, bóng đèn… thường landlord sẽ đồng ý sửa cho mình. Thậm chí đa phần landlord chấp thuận mở rộng cửa để hàng hoá ra vào dễ cho bọn mình miễn phí.

6. Đọc kỹ hợp đồng.

VII. Kết Luận

Việc mở tiệm là quyết định trọng đại, và mỗi người, mỗi ngành, mỗi nơi lại khác. Mình chia sẻ kinh nghiệm những gì mình biết được thôi, trí lực có hạn, mình không dám khẳng định hay gọi đây là cẩm nang chính xác. 

Chúc mọi người nhiều điều tốt lành!

Viethome (Nguồn: Hai Nguyen – Save and Earn in America)

Tags:
Cuộc sống tuổi xế chiều của nghệ sĩ Minh Hoàng ở Mỹ

Cuộc sống tuổi xế chiều của nghệ sĩ Minh Hoàng ở Mỹ

Giữa năm 2022, nghệ sĩ Minh Hoàng rời Việt Nam sang Mỹ định cư cùng gia đình. Giã từ nghệ thuật, sao phim Mùi ngò gai sống ẩn dật, an nhàn nhưng chất chứa nhiều tâm sự ở xứ người.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất