Nhiệm kỳ của Trump dần khép trong hỗn loạn
Cảnh tượng khiến mọi người choáng váng hôm 6/1 tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington
23:30 07/01/2021
Ba năm, 11 tháng, 17 ngày sau khi Trump tuyên bố ở Đồi Capitol rằng "sự tàn phá nước Mỹ phải được chấm dứt", bạo loạn nhấn chìm nơi đây.
Cảnh tượng khiến mọi người choáng váng hôm 6/1 tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington là kết quả sau những lời hô hào, kích động đám đông biểu tình ủng hộ của Tổng thống Donald Trump. Bốn người đã chết, trong khi các thành viên quốc hội phải nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn hoặc sơ tán sau khi thiết bị nổ được phát hiện trong các tòa nhà văn phòng gần đó.
14 ngày trước khi nhiệm kỳ của Trump kết thúc, cuộc bạo loạn chưa có tiền lệ này một lần nữa thúc đẩy lời kêu gọi xem xét bãi nhiệm ông và cuộc thảo luận mới về việc kích hoạt Tu chính án thứ 25 nhằm phế truất Trump.
Cuộc bạo loạn là minh chứng rõ ràng về một nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng trong bốn năm nhiệm kỳ của Trump, cũng như xu hướng bạo lực của phe cực hữu. Các đám đông ủng hộ Trump đã làm gián đoạn phiên họp xác nhận chiến thắng của Joe Biden, nhưng Tổng thống đương nhiệm, trong các bài đăng trên Twitter, chỉ khiển trách một cách nhẹ nhàng.
Trước nguy cơ bạo loạn tiếp tục bị thổi bùng sau những bài đăng của Trump, Twitter đã khóa tài khoản của Trump trong 12 tiếng và cảnh báo có thể khóa vĩnh viễn.
Trước khi khóa tài khoản, Twitter đã lần lượt dán nhãn hai bài đăng của Tổng thống Mỹ, gồm một video kêu gọi người ủng hộ xông vào Điện Capitol nên "về nhà", trong khi vẫn lặp lại những tuyên bố về gian lận cử tri.
Ông cũng ca ngợi đám đông, những người vừa xông vào tòa nhà quốc hội, lấy đồ từ các văn phòng và thậm chí chụp ảnh tại các phòng lập pháp. "Chúng tôi yêu bạn. Các bạn rất đặc biệt", Trump nói trong đoạn video đăng Twitter.
Sau đó, ông nhanh chóng biện minh cho những hành động này trong một bài đăng thứ hai. "Đây là những điều và sự kiện xảy ra khi một chiến thắng long trời lở đất trong cuộc bầu cử thiêng liêng bị tước đi một cách bất chính và tàn nhẫn", Trump viết.
Đoạn video dài một phút ghi lại bài phát biểu ở Vườn Hồng Nhà Trắng của Trump không phải lời lên án bạo lực mạnh mẽ như những gì mà hầu như tất cả đồng minh và cố vấn của ông kêu gọi trong suốt buổi chiều 6/1.
Tới 18h ngày 6/1, khi những tiếng còi báo hiệu Đồi Capitol và Washington bước vào giờ giới nghiêm, một số đồng minh của Trump đã lên tiếng chỉ trích, dù qua bốn năm, họ không còn ngạc nhiên trước phản ứng này của Tổng thống.
Một đồng minh Cộng hòa hàng đầu của Trump thậm chí xem đoạn video trên Twitter của Trump là "không ra gì". Trong đó, Tổng thống Mỹ dường như đồng cảm với những kẻ bạo loạn. "Tôi hiểu nỗi đau của bạn. Tôi biết bạn bị tổn thương. Chúng ta đã bị đánh cắp cuộc bầu cử", Trump nói.
"Bây giờ bạn phải về nhà. Chúng ta phải duy trì hòa bình", Trump tiếp tục, sau khi tòa nhà quốc hội bị phá cửa và chính Phó tổng thống của ông phải sơ tán, trong khi nhiều cảnh sát bị thương vài giờ trước đó. "Chúng ta phải có luật pháp và trật tự".
Kevin Liptak, biên tập viên của CNN, nhận xét Trump đã làm rất ít để ngăn cản cuộc biểu tình bạo loạn ở thủ đô Washington. Thay vì xoa dịu bạo lực, ông chủ Nhà Trắng dường như quan tâm hơn tới việc truyền tải cảm giác bất công về một cuộc bầu cử mà ông coi là sai trái và bị đánh cắp.
"Đây là khoảng thời gian rất khó khăn. Chưa từng có thời điểm nào như bây giờ, khi mà chuyện như vậy xảy ra, khi họ có thể cướp nó khỏi tất cả chúng ta, khỏi tôi, khỏi bạn và khỏi đất nước này", Trump nói.
Đoạn video này được đăng nhiều giờ sau khi Trump nói với đám đông ủng hộ ở công viên Ellipse gần Nhà Trắng rằng ông dự định diễu hành cùng họ tới Đồi Capitol.
"Chúng ta sẽ cùng tới Đồi Capitol. Chúng ta sẽ cổ vũ cho các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ can đảm của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể sẽ không ủng hộ nhiều cho một số người trong họ, bởi vì các bạn sẽ không bao giờ có thể đưa trở lại bằng sự yếu kém. Bạn phải cho thấy sức mạnh và phải mạnh mẽ", ông nói với người ủng hộ tại Ellipse.
Cuối cùng Trump đã không tham gia cuộc diễu hành mà trở lại Nhà Trắng bằng xe bọc thép.
Tại Đồi Capitol, Phó tổng thống Mike Pence, người đang chủ trì phiên họp xác nhận số phiếu đại cử tri khi đám đông bạo loạn xông vào tòa nhà quốc hội, đã phải sơ tán. Từ địa điểm trú ẩn bí mật, Pence đăng bài Twitter lên án biểu tình bạo lực.
"Cuộc tấn công vào Đồi Capitol sẽ không được dung thứ và những người liên quan sẽ bị truy tố với mức án cao nhất theo luật", ông viết.
Sau đó, một người phát ngôn của Pence cho biết ông chưa rời tòa nhà quốc hội. Dù mật vụ Mỹ muốn ông rời đi, Pence kiên quyết ở lại, theo một nguồn tin thân cận. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng tuyên bố tiếp tục phiên họp xác nhận kết quả ngay trong tối 6/1.
Chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn trên truyền thông, nhiều cựu trợ lý của Trump đã lên án phản ứng của Tổng thống với đám đông bạo loạn ở Đồi Capitol, trong đó có cựu cố vấn an ninh nội địa Tom Bossert.
"Điều này hoàn toàn sai trái và bất hợp pháp. Nó không phải là hành động của người Mỹ", Bossert đăng tweet. "Tổng thống đã làm suy yếu nền dân chủ trong nhiều tháng. Vì vậy, ông ấy phải chịu trách nhiệm cho cuộc bạo loạn và nỗi ô nhục đó".
Alyssa Farah, cựu giám đốc truyền thông của Trump, cũng kêu gọi Tổng thống lên án người biểu tình. "Ông là người duy nhất mà họ nghe theo. Hãy vì đất nước của chúng ta", cô viết trên Twitter.
Tuy nhiên, các thành viên Dân chủ muốn "mạnh tay" hơn với Trump. Nghị sĩ Illhan Omar và Ayanna Pressley nói rằng nên xem xét bãi nhiệm Tổng thống. "Chúng ta không thể cho phép ông ta tiếp tục đương nhiệm, đây là vấn đề bảo vệ nền Cộng hòa và chúng ta cần thực hiện lời thề của mình", Omar nói trên Twitter.
Một số khác muốn sử dụng Tu chính án thứ 25 để phế truất Trump dù nhiệm kỳ của ông chỉ còn tính bằng ngày. Thống đốc Vermont Phil Scott, thành viên Cộng hòa, là một trong số đó.
"Tổng thống nên từ chức hoặc bị nội các hoặc quốc hội cách chức", Scott, người trước đó bầu cho Biden, viết trên Twitter.
Hiệp hội Các nhà sản xuất Quốc gia (NAM), hiệp hội sản xuất lớn nhất Mỹ, cũng kêu gọi Phó tổng thống Pence xem xét phương án này. "Pence nên nghiêm túc làm việc với nội các để kích hoạt Tu chính án thứ 25 nhằm bảo vệ nền dân chủ", Jay Timmons, CEO của NAM nói trong một tuyên bố hôm 6/1.
Nhưng đối với Trump, một hành động có thể xoa dịu căng thẳng và cơn giận dữ âm ỉ trong những người ủng hộ dường như chưa xuất hiện trong suy nghĩ của ông.
"Chúng ta sẽ không bao giờ nhận thua", Trump nói với đám đông ủng hộ.
Thanh Tâm (Theo CNN)
Cơ Quan Chỉ Huy Hệ Thống Hải Quân Mỹ có tổng giám đốc gốc Việt
Cơ Quan Chỉ Huy Hệ Thống Hải Quân (NAVSEA) công bố có tổng giám đốc mới là một phụ nữ gốc Việt có tên Giao Phan.