Nhiệm vụ nặng nề của ông Biden khi công du châu Âu

Ông Biden phải tìm cách thuyết phục các đồng minh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Mỹ, sau khi hai sự kiện Afghanistan và AUKUS khiến hoài nghi và bất mãn đổ dồn về phía Washington.

09:00 01/11/2021

5 tháng trước, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu, Tổng thống Joe Biden tuyên bố "nước Mỹ đã trở lại". Nhưng kể từ đó, hàng loạt biến cố đã xảy ra, khiến các đồng minh hoài nghi liệu kỷ nguyên "nước Mỹ trên hết" thời Trump có thực sự qua đi.

Trong lần thứ hai tới thăm lục địa già để dự các hội nghị thượng đỉnh G20 và COP26 lần lượt ở Rome và Scotland, Tổng thống Biden phải tìm cách trấn an các đồng minh rằng Washington vẫn ở đây, tiếp tục sát cánh với họ, theo AP.

Kỳ vọng và thất vọng

Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Biden diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông đang bế tắc, không thể thúc đẩy các dự luật kinh tế - xã hội quan trọng.

Nhà Trắng tin rằng các đồng minh hiểu rõ sự phức tạp trong quy trình lập pháp Mỹ và không quá băn khoăn khi các dự luật gặp cản trở.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò cử tri cho thấy sự ủng hộ dành cho ông Biden ngày càng đi xuống là điều mà các đồng minh không thể bỏ qua, bởi nó báo hiệu sự trở lại của đảng Cộng hòa trong bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022, hay thậm chí là sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump - hoặc một người chia sẻ "tư tưởng Trump" - vào năm 2024.

Trong con mắt giới chức Nhà Trắng, các đồng minh của Mỹ đã hứng chịu tổn thương lớn dưới thời người tiền nhiệm, và chính quyền ông Biden đang phải khắc phục hậu quả.

Nhà Trắng nhận định các đồng minh muốn ông Biden cam kết nhiều nhất có thể với tiến trình khôi phục liên minh xuyên Đại Tây Dương, bởi họ không chắc chắn về khả năng một người mang tư tưởng Trump có thể nắm quyền sau năm 2024.

"Thông điệp 'nước Mỹ trở lại' đã tạo ra kỳ vọng thực sự quá cao dành cho công cuộc tái khởi động liên minh xuyên Đại Tây Dương. Tôi nghĩ người ta đã hy vọng quá nhiều rằng chúng ta có thể chỉ đơn giản là lật sang trang mới sau 4 năm nhiệm kỳ trước", Benjamin Haddad, chuyên gia tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council, nhận định.

Biden G20 COP26 anh 2

Tổng thống Biden và lãnh đạo Anh, Pháp, Đức chuẩn bị tham dự cuộc họp về Iran. Ảnh: Reuters.

Ông Biden từng hứa kỷ nguyên "nước Mỹ trên hết" của Trump đã qua, và Mỹ sẽ hợp tác hơn, trong vai trò một đối tác dễ đoán định hơn.

Nhưng các quyết sách của Tổng thống Biden đã khiến nhiều đồng minh thất vọng, đồng thời là cái cớ để phe Cộng hòa chỉ trích. Đáng kể nhất là chiến dịch rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan, cùng thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS dẫn tới xích mích nghiêm trọng với Pháp và EU.

Chưa hết, ông Biden khiến các đồng minh Ba Lan và Ukraine thất vọng khi dỡ bỏ cấm vận với các công ty Đức tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.

Trước đó, Mỹ nhiều lần gọi đường ống này, vốn nối liền từ Nga tới Đức, là mối đe dọa cho an ninh năng lượng châu Âu. Nord Stream 2 khiến lục địa già phụ thuộc nặng nề hơn vào khí đốt từ Nga, giúp Moscow gia tăng sức ép chính trị lên các nước láng giềng yếu thế.

Nhưng áp đặt cấm vận lên các công ty Đức sẽ khiến chính quyền Biden sẽ vướng vào xung đột với Berlin, một trong các đồng minh quan trọng nhất của Washington.

Các đồng minh châu Âu cũng không hài lòng với việc chính quyền Tổng thống Biden hạn chế nhập cảnh với người từ các nước EU do đại dịch Covid-19.

Những bước tiến đầu tiên

Tại G20 ở Rome, Tổng thống Biden đã đạt được một số bước tiến đầu tiên. Hôm 30/10, Washington và Brussels đạt thỏa thuận chấm dứt xung đột quanh thuế trừng phạt nhôm và thép nhập khẩu từ EU.

Thuế quan chống nhôm, thép được cựu Tổng thống Trump khởi xướng từ 2018 đã dẫn tới các biện pháp trả đũa từ EU. Các loại thuế này không được dỡ bỏ hoàn toàn. Một khối lượng nhất định nhôm, thép EU sẽ được nhập khẩu miễn thuế vào Mỹ, đổi lại EU chấm dứt các biện pháp trả đũa.

Lúc này, dự luật phát triển kinh tế xã hội trị giá 1,75 nghìn tỷ USD do chính quyền ông Biden đề xuất, trong đó có khoản chi 600 tỷ USD ngăn chặn biến đổi khí hậu, vẫn chưa được thông qua.

Việc dự luật này gặp bế tắc chỉ làm đậm thêm ấn tượng trong mắt các đồng minh trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP26, rằng các chính sách của Mỹ dễ dàng bị thay đổi, và các ưu tiên chính sách của một tổng thống có thể bị người kế nhiệm đảo ngược.

Phe Dân chủ dự kiến đưa dự luật ra bỏ phiếu trong ngày 2/11, trước khi ông Biden có bài phát biểu tại COP26. Nhưng chưa có gì bảo đảm dự luật có thể được thông qua.

Nếu dự luật không được Quốc hội thông qua, tác động sẽ tương tự khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry cho biết.

Trong cuộc thảo luận kín tại Hạ viện có sự tham gia của ông Biden trước khi khởi hành tới Rome, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết việc nội bộ Mỹ có thể thông qua dự luật tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu sẽ giúp Tổng thống Biden có được sự tín nhiệm từ các đối tác quốc tế khi dự COP26.

"Phần còn lại của thế giới đang hoài nghi liệu chính phủ của chúng ta có thể hoạt động trơn tru hay không", Tổng thống Biden nói với các nghị sĩ.

Biden G20 COP26 anh 3

Tổng thống Biden bắt tay Tổng thống Macron. Ảnh: Reuters.

Và tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome cũng như tại COP26 ở Glasgow, ông Biden phải cố gắng chứng minh bằng các hành động của mình.

Hôm 30/10, ông Biden nhóm họp với lãnh đạo Anh, Pháp, Đức để thảo luận chiến lược xử lý vấn đề hạt nhân Iran. Cuộc họp 4 bên trái ngược hoàn toàn cách tiếp cận của cựu Tổng thống Trump, khi ông Trump đối đầu các đồng minh châu Âu.

Tổng thống Biden cũng có cuộc gặp riêng với Tổng thống Emmanuel Macron nhằm xoa dịu Pháp, chấm dứt xung đột gây ra bởi thỏa thuận AUKUS vốn khiến Paris thiệt hại hàng chục tỷ USD vì mất hợp đồng đóng tàu ngầm.

"Với cá nhân tôi, đây là khởi đầu của quá trình tin tưởng và tín nhiệm mà chúng ta đang cùng xây dựng", Tổng thống Macron nói với ông Biden.

William Howell, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho rằng những thách thức mà Tổng thống Biden đang đối mặt chủ yếu xuất phát từ thực trạng hiện nay của nền chính trị Mỹ, chứ không phải do ông thiếu kỹ năng chính trị hay sự ủng hộ trong nước.

"Sự bế tắc, phân cực, mất lòng tin đặc trưng của chính trị Mỹ sẽ khiến các lãnh đạo nước ngoài phải cân nhắc trước khi tham gia những cam kết lâu dài, đắt giá với chúng ta", ông Howell nhận định.

Trước đó, Tổng thống Biden đã dẫn dắt cuộc đàm phán mà kết quả là thỏa thuận đặt ra một mức thuế tối thiểu toàn cầu cho các tập đoàn đa quốc gia, giúp ngăn chặn việc các doanh nghiệp chuyển lợi nhuận tới các thiên đường thuế nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế.

Nhưng đến nay, đạo luật để thực thi chính sách thuế tối thiểu này vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Tags:
Vợ chồng Trump đi xem bóng chày

Vợ chồng Trump đi xem bóng chày

Cựu tổng thống Mỹ và vợ Melania tới thành phố Atlanta để xem một trận đấu bóng chày, nhiều tháng sau khi ông kêu gọi tẩy chay giải đấu này.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất