Nhiều người Mỹ bị cấp trên giám sát khi làm việc tại nhà

Chuyển sang làm việc ở nhà do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều công ty Mỹ dùng ứng dụng theo dõi hoạt động của nhân viên, gây tranh cãi về việc giám sát quá mức.

22:00 06/09/2021

David (23 tuổi, không phải tên thật) thừa nhận anh cảm thấy nhẹ nhõm khi làn sóng Covid-19 đầu tiên khiến văn phòng làm việc của anh ở Arlington, bang Virginia (Mỹ) phải đóng cửa.

Vừa tốt nghiệp đại học, David là người mới trong ngành và chưa thể bắt nhịp với các đồng nghiệp. Chàng trai 23 tuổi nghĩ rằng được làm việc tại nhà sẽ giúp anh tạm thời tránh khỏi những khó khăn so với ở văn phòng, theo The Guardian.

"Tôi đã hoàn toàn sai lầm", anh thừa nhận.

Chỉ trong tuần đầu tiên làm việc từ xa, David và nhóm được cấp trên giới thiệu cho một nền tảng giám sát kỹ thuật số tên là Sneek. Cứ khoảng một phút, chương trình này sẽ chụp một bức ảnh trực tiếp của David và đồng nghiệp thông qua webcam máy tính và cập nhật trên một màn hình chung mà mọi người trong nhóm đều có thể thấy.

Khi nhấp chuột vào ảnh đại diện của một đồng nghiệp, Sneek sẽ lập tức kết nối với người đó thông qua hình thức gọi video. Thậm chí, nếu bắt gặp khoảnh khắc hài hước của ai đó, thành viên trong nhóm có thể chụp màn hình lại vào gửi vào nhóm chat.

Sau chưa đầy 3 tuần làm việc, David đã xin nghỉ.

"Tôi ứng tuyển vào đây để làm công việc quản lý hoạt động tiếp thị kỹ thuật số, không phải phát trực tiếp hình ảnh phòng khách của tôi".

Sự bùng nổ của các phần mềm giám sát

Kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà tuyển dụng nhanh chóng tìm đến các phần mềm giám sát từ xa như Sneek để quản lý nhân viên làm việc tại nhà.

Vào tháng 4/2020, việc tìm kiếm từ khóa "giám sát từ xa" trên Google tăng 212% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 4 năm nay, con số là 243%.

nhan vien bi cap tren giam sat anh 1

Làm việc tại nhà, nhân viên vẫn bị cấp trên theo dõi từng phút. Ảnh: Pexels.

Những phần mềm này cho các ông chủ có nhiều lựa chọn để giám sát hoạt động làm việc online của nhân viên và đánh giá năng suất của họ: từ chụp màn hình hình ảnh nhân viên đến ghi lại các lần gõ phím hay theo dõi trình duyệt.

Khi nhu cầu về giám sát từ xa ngày càng tăng, các công ty cung cấp những phần mềm này cũng nhanh chóng tung ra các tính năng mới để thu hút khách hàng.

Bất chấp tranh cãi, việc ông chủ giám sát nhân viên từ xa sẽ không sớm biến mất, ngay cả khi người lao động trở lại làm việc ở văn phòng hoặc kết hợp vừa làm online, vừa làm tại văn phòng.

Tặc lưỡi cho qua

Tình trạng cấp trên giám sát nhân viên từ xa có là kiểm soát quá đáng hay chỉ đơn thuần là phục vụ mục đích làm việc còn phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người trong cuộc.

Từ lâu, nhiều nhân viên văn phòng đã xem việc email làm việc của mình bị giám sát là điều hiển nhiên; kho hàng, văn phòng, cửa hiệu luôn có camera theo dõi. Trong một khảo sát của trang Clutch, gần 3/4 người lao động cho biết năng suất làm việc của mình không bị ảnh hưởng ngay cả khi biết cấp trên đang theo dõi.

"Một nghiên cứu chúng tôi thực hiện cho thấy những người làm việc tại nhà có năng suất cao hơn khi họ nhận thức được rằng bản thân đang bị theo dõi, so với những đồng nghiệp không được thông báo về việc đó", Elizabeth Lyons, phó giáo sư tại Đại học California, nói.

Bà cho biết thêm việc giám sát thậm chí còn làm tăng sự hài lòng của nhân viên, họ đánh giá cao khi thấy năng suất làm việc của họ được xem là rất quan trọng với công ty.

nhan vien bi cap tren giam sat anh 2

Xu hướng cấp trên giám sát nhân viên làm việc tại nhà gia tăng trong đại dịch. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, bà Lyons thừa nhận rằng khi việc giám sát trở nên quá độc đoán, tinh thần của nhân viên sẽ bị ảnh hưởng.

"Trong các nghiên cứu khác của chúng tôi, nhiều người lao động chia sẻ rằng: 'Nếu người quản lý theo dõi mọi thứ tôi làm, tôi sẽ chỉ hoàn thành đúng phần công việc họ mong đợi ở tôi, không hơn'", bà cho hay.

Ngoài ra, việc giám sát nhân viên từ xa của nhà tuyển dụng còn liên quan đến vấn đề quyền riêng tư. Carloz, nhà nghiên cứu về kỹ thuật số, lo ngại rằng sự bùng nổ của các phần mềm quản lý đang cho thấy lợi ích nghiêng nhiều hơn về phía nhà tuyển dụng.

"Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, ranh giới giữa làm việc và vui chơi rõ ràng hơn, việc giám sát không đi quá sâu".

Theo Carloz, hầu hết nhà tuyển dụng không quan tâm đến việc thu thập thông tin cá nhân của cấp dưới. Họ chỉ muốn biết nhân viên của mình đang truy cập trang web nào, phân bổ thời gian làm việc ra sao trong giờ hành chính.

Tuy nhiên, nếu một ông chủ có ý định rình mò dữ liệu cá nhân của nhân viên ngoài giờ làm việc, và hoàn toàn có khả năng làm việc này nếu nhân viên sử dụng máy tính được công ty hỗ trợ, theo Carloz, ở hầu hết quốc gia phương Tây, vẫn chưa có nhiều quy định pháp lý bảo vệ người lao động.

"Dù đúng hay sai, phần mềm giám sát đang được xem như sự đánh đổi khi làm việc từ xa, nhiều người vẫn tặc lưỡi bỏ qua nó".

Tags:
Rộ tin sức khoẻ Phi Nhung chuyển biến nặng, phải bay chuyên cơ gấp về Mỹ điều trị

Rộ tin sức khoẻ Phi Nhung chuyển biến nặng, phải bay chuyên cơ gấp về Mỹ điều trị

Mạng xã hội lại xuất hiện tin Phi Nhung chuyển biến nặng, phải bay về Mỹ điều trị. Trước thông tin này, người thân của nữ ca sĩ cũng chính thức lên tiếng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất