Nhiều người Mỹ hối hận vì không đeo khẩu trang chống COVID-19
Khẩu trang là vũ khí đắc lực chống lại COVID-19 nhưng lại là tâm điểm mâu thuẫn ở nước Mỹ từ đầu dịch.
07:00 11/08/2020
Cố vấn y tế Mỹ - Tiến sĩ Deborah Birx khuyến cáo: Người dân nên đeo khẩu trang cả khi ở nhà. Ảnh: Reuters
Dù các chuyên gia đã liên tục đưa ra lời khuyên rằng những chiếc khẩu trang giúp chống lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19, nhưng việc đeo hay không đeo khẩu trang vẫn là chuyện tranh cãi với nhiều người dân Mỹ. Một bộ phận không ủng hộ đeo khẩu trang vẫn giữ những lý do của riêng họ. Nhưng có những người đang phải ân hận vì quan điểm của mình.
Cặp vợ chồng ngậm ngùi vì chống khẩu trang
Vài tháng trước, gia đình ông bà Patterson chỉ coi COVID-19 là một trò đùa trong các cuộc nói chuyện với bạn bè, vì thế họ vẫn tham gia các sự kiện đông người chẳng có khẩu trang. Thậm chí, họ còn ủng hộ không đeo. Không may, cả hai người đã phải trả giá vì mắc COVID-19. Buổi sáng đầu tiên thức dậy sau khi mắc bệnh được bà Debi Patterson miêu tả là cả người như bị một chiếc tàu hỏa đâm vào. Sau đó bà phải nhập viện. Các bác sĩ phải cho bà thở oxy. Sau khi ra viện được một tháng, hai vợ chồng vẫn chưa hoàn toàn khỏe mạnh.
Vợ chồng ông bà Patterson chia sẻ về quá trình mắc COVID-19 do không đeo khẩu trang. (Nguồn: CNN)
Bà Debi Patterson chia sẻ: "Tôi thấy hối hận vì mình đã không đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình. Giờ sau khi ra viện tôi vẫn bị khó thở, ho, chóng mặt, đau đầu mỗi ngày. Ngày nào cũng như bị ai đó đánh vào đầu vậy".
Do từng không tin những số liệu của chính phủ về COVID-19 và chỉ coi những lời khuyến cáo từ chuyên gia y tế là trò đùa, thế nên giờ thì gia đình Patterson ngậm ngùi đưa ra lời khuyên cho những người khác với hy vọng thay đổi quan điểm của những người chống lại khẩu trang.
Bà Debi Patterson: "Hãy cẩn thận hơn! Thật nực cười khi mọi người vẫn không coi COVID-19 là vấn đề nghiêm trọng. Tôi và chồng tôi có thể đã chết vì nó".
Cô gái trẻ sau 79 ngày nằm viện hối hận vì không đeo khẩu trang
Cũng giống gia đình nhà Patterson, cô gái 24 tuổi Paola Castillo sau khi phải trải qua 79 ngày điều trị COVID-19 trong viện, đã rất hối hận vì mình đã không đeo khẩu trang.
Cô Paola Castillo được ra viện sau 79 ngày điều trị COVID-19. (Nguồn: CNN)
Quá trình giành giật sự sống của cô đầy cam go. Paola Castillo phải trải qua hơn một tháng trong phòng chăm sóc đặc biệt và phải sử dụng máy thở. Người nhà cô thậm chí được bệnh viện thông báo về tình trạng của cô trong thời gian đó là "thập tử nhất sinh" và có thể cô không qua khỏi. Giai đoạn thứ hai trong điều trị, sau khi được cai máy thở, Castillo phải trải qua quá trình phục hồi chức năng. Nguyên nhân là vì khả năng đi lại, nói và nuốt của cô đã bị suy giảm.
Castillo chia sẻ: "Nếu tôi nghe mọi người và đeo khẩu trang, chỉ cần đơn giản thế thôi, tôi đã có thể tránh được tất cả những điều này".
Paola Castillo điều trị COVID-19 trong bệnh viện. (Nguồn: CNN)
Người đàn ông qua đời vì COVID-19 sau khi chia sẻ sai lầm không đeo khẩu trang
Mạng xã hội chính là nơi để nhiều người đã mắc sai lầm không đeo khẩu trang chia sẻ câu chuyện của mình. Câu chuyện buồn của anh Thomas Macias đã trở thành một bài học như thế cho nhiều người dân Mỹ.
Anh Thomas Macias, nạn nhân tử vong vì COVID-19 tại Mỹ. (Nguồn: CNN)
Anh Thomas Macias, bang California, Mỹ đã đăng một bài viết bày tỏ sự hối hận của mình trên Facebook sau khi phát hiện mình mắc COVID-19. Anh cho biết mình đã tham gia một bữa tiệc trong thời gian giãn cách xã hội và không đeo khẩu trang.
Bài đăng Facebook của anh có một phần nội dung như sau: "Tôi đã đi ra ngoài vài tuần trước và đã ngu ngốc để mình nhiễm virus… Vì sự ngu ngốc của tôi, tôi đã khiến mẹ và các chị gái cũng như sức khỏe của gia đình tôi lâm nguy. Đây là một trải nghiệm rất đau đớn. Đây không phải là trò đùa. Đừng dại dột như tôi. Nếu bạn phải ra ngoài, đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội".
Bài đăng trên Facebook của anh Thomas Macias bày tỏ hối hận vì không tuân thủ các biện pháp chống COVID-19
Nhưng thật không may, chỉ một ngày sau khi bày tỏ sự hối hận trên Facebook, anh Thomas Macias đã qua đời vì COVID-19. Sự hối hận của anh đã không giúp cho anh sống sót.
Thế nhưng... tranh cãi về khẩu trang vẫn nóng tại Mỹ
Dù đã có những bài học về hậu quả của việc đeo khẩu trang, thế nhưng không ít người dân Mỹ vẫn không chịu đeo. Trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông CNN, một người dân bang Arizona, Mỹ đã bày tỏ quan điểm chống đeo khẩu trang.
Anh Patrick Baughman, người chống đeo khẩu trang tại Mỹ, chia sẻ: "Tôi vẫn yêu cầu khách vào cửa hàng của tôi phải tháo khẩu trang. Đó là sự kiêu hãnh của chúng tôi mà".
Anh Patrick Baughman trả lời phóng viên của CNN. (Nguồn: CNN)
Dù phóng viên của CNN có cung cấp con số đáng báo động rằng đã có 150 nghìn người Mỹ đã chết vì COVID-19 vào thời điểm đó, nhưng anh này vẫn ngờ vực và cho rằng con số đó không đúng.
Ngoài ra, có những người tại Mỹ coi đeo khẩu trang hay không là quyền cá nhân của mình. Vì thế, họ cho rằng không ai có quyền yêu cầu họ đeo.
Tổng thống Trump: Đeo khẩu trang là yêu nước
Vào cuối tháng 7, Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau nhiều tháng từ chối đeo khẩu trang cuối cùng đã thay đổi quan điểm. Ông đăng trên mạng xã hội Twitter ảnh ông đeo khẩu trang và kêu gọi đeo khẩu trang để thể hiện sự yêu nước.
Dòng tweet của Tổng thống Trump có một phần nội dung: "Nhiều người nói đeo khẩu trang khi không thể duy trì giãn cách xã hội là yêu nước. Không có ai yêu nước hơn tôi, Tổng thống yêu thích của các bạn".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên Twitter hình ảnh của ông và lời kêu gọi người dân đeo khẩu trang
Hiện nước Mỹ vẫn đang phải tiếp tục kêu gọi người dân có ý thức hơn để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng việc đeo khẩu trang. Theo thống kê, đến nay, nước Mỹ đã có hơn 5 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 162 nghìn người thiệt mạng vì căn bệnh này. Ngoài ra, các chuyên gia cảnh báo, trong những tuần tới, số người tử vong vì COVID-19 ở Mỹ có thể còn tăng lên đáng kể.
Theo vtv.vn
Vượt mặt Quốc hội, ông Trump gia hạn cứu trợ người Mỹ trong dịch Covid-19
Sau khi Quốc hội Mỹ không thể thống nhất về gói cứu trợ Covid-19, Tổng thống Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp tiếp tục gia hạn hỗ trợ người Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.