Nhiều người Mỹ ‘ngập trong nợ mua nhà’
Nhiều gia đình Mỹ sau khi vay tiền ngân hàng mua nhà đến nay vẫn ngập trong nợ nần dù bong bóng bất động sản đã vỡ từ hơn 10 năm trước. Ngân hàng siết tín dụng bất động sản nên rất nhiều nhà bỏ hoang nhiều năm không có người mua.
10:30 16/09/2018
Hồi đó, tài xế xe chở học sinh Michael Payne thuê một căn hộ khá tồi tàn trên tầng 30 một chung cư ở New York.
Vì thế khi Payne và vợ là cô giáo Gail thấy quảng cáo trên báo về một căn nhà mới toanh ở vùng núi Pennsylvania với giá dưới 200.000 USD, họ như thấy lối thoát. Cặp vợ chồng trung tuổi này, họ vay ngân hàng 168.000 USD để mua căn nhà bốn phòng ngủ, trong khu có bảo vệ gác cổng, bể bơi, sân tennis và câu lạc bộ. “Đúng là một giấc mơ Mỹ”, ông Payne, năm nay 61 tuổi, nói. “Chúng tôi cảm thấy mình giàu có”.
Nhưng bây giờ, ngôi nhà có giá chưa tới một nửa số tiền họ phải trả 12 năm trước, khi bất động sản Mỹ đang ở đỉnh điểm bong bóng.
Nằm cách thành phố New York gần 130km về phía tây bắc, ở hạt Monroe, bang Pennsylvania, nhà của họ thuộc một trong các khu vực bất động sản rớt giá nhất nước Mỹ, theo Reuters. Hơn 1/4 chủ nhà ở hạt Monroe đang “ngập trong bùn”, tức là nợ ngân hàng nhiều hơn cả trị giá căn nhà.
Tới nay, thế giới đã thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những khu vực bất động sản bị ảnh hưởng nặng như Las Vegas hay Pittsburgh, Cleveland đã chứng kiến sự phục hồi giá cả.
Nhưng nhà Paynes và khoảng 5,1 triệu gia đình sở hữu nhà ở Mỹ vẫn đang phải vật lộn với cú vỡ bong bóng bất động sản.
Mà đó còn là khá hơn so với năm 2012, khi giá nhà xuống tới đáy, với 29% dư nợ bất động sản là nợ xấu, tức là có 12,8 triệu chủ nhà không trả được nợ tới hạn.
Vỡ mộng
Hôm nay, 5 giờ sáng, như thường lệ, bà giáo Gail Payne lái chiếc Toyota Rav 4 tới địa điểm gửi xe. Từ đây cô sẽ lên xe buýt trong hai giờ để tới nơi làm việc ở khu Bronx của thành phố New York. “Tôi ghét phải đi xe buýt”, vợ tài xế Payne nói. “Tôi mệt mỏi lắm rồi”.
Năm nay 66 tuổi, bà và ông chồng Michael đã trông chờ vào việc bán được giá căn nhà, trang trải nợ nần và dư chút tiền về Florida hưởng hưu trí. Nhưng bây giờ đó vẫn chỉ là ước mơ.
Khu biệt thự có nhà của gia đình Payne có giá bán được “thổi” lên rất cao trong thời sốt đất. Mặc dù so với đất đô thị, giá khu này có vẻ hấp dẫn đối với dân thành phố. Nhưng chỉ khi về ở, người ta mới nhận thấy nhiều yếu tố bất lợi và “cái giá rẻ bất ngờ” khi họ mua nhà thực ra đã được giới đầu tư “bơm” lên hơn 25% so với giá thực.
Thời điểm này, những căn nhà từng có giá 300.000 USD chỉ bán được ở mức 72.000 USD. Nhưng ngay cả khi bán với giá đó, nhà vẫn ế sưng ế sỉa. Khi ngân hàng siết lại tín dụng bất động sản, số người mua nhà cũng giảm đi trông thấy.
Ở hạt Boone, bang Illinois, gần 40% trong số 9.800 căn là tài sản cầm cố, khi chủ nhà chưa trả hết nợ cho ngân hàng, theo số liệu của ATTOM. Nhiều ngôi nhà với giá bán 225.000 USD giữa thời sốt đất, nay chỉ còn 85.000 USD.
Hồi đầu năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp ở hạt này nhảy lên 18% sau khi một công ty lắp ráp ô tô sa thải hàng trăm nhân công. Nhiều người buộc phải rời nhà vì không còn nguồn tài chính chi trả cho ngân hàng hằng tháng. 1/3 số nhà ở khu Candlewick Lake bị bỏ hoang bởi ngân hàng cũng chưa thể bán được số bất động sản này.
Mặc dù cho đến nay, tình hình công ăn việc làm ở Candlewick Lake đã cải thiện nhưng dấu hiệu về sự khó khăn tài chính vẫn còn đó. Nhà vẫn bị bỏ hoang.
Tính đến 30/6, gần như cứ 10 gia đình mua nhà ở Mỹ, có một gia đình lâm vào nợ nần nghiêm trọng, theo ATTOM, công ty dữ liệu có trụ sở ở California. Trung bình giá trị căn nhà trên thị trường thấp hơn khoản dư nợ ngân hàng đến 25%.
Theo Tiền phong
Mỹ nói sẽ tiếp tục trừng phạt nặng Nga vì vụ đầu độc điệp viên Skripal
Mỹ đang lên kế hoạch áp đặt lệnh trừng phạt thứ hai nặng nề hơn lên Nga liên quan đến vụ mưu sát cha con cựu điệp viên Sergei Skripal.