Nhiều người Mỹ nghỉ hưu dọn sang Châu Mỹ La Tinh để có đời sống tốt hơn
Đối với người du khách bình thường, thành phố Cuenca ở phía Nam quốc gia Ecuador trông giống như một thành phố của một thế giới xa xưa, nay hầu như chỉ còn thấy trong những trang sách cũ, với các con đường lót gạch, các thánh đường cổ xưa và các khu chợ tấp nập người mua bán.
03:00 28/08/2017
Tuy nhiên, Cuenca nay là một nơi nhiều người dân Mỹ nghỉ hưu đang ào ạt kéo đến, phần lớn vì không thể, hoặc không muốn, sống cuộc đời còn lại ở quê nhà.
Làn sóng người nghỉ hưu Mỹ kéo ra khỏi nước đang ngày càng tăng cao, khiến không chỉ làm thay đổi hình thức nghỉ hưu ở vùng Mỹ Châu, nhưng cũng thay đổi bộ mặt của nhiều cộng đồng khắp Châu Mỹ La Tinh.
Và chiều hướng này sẽ còn lan rộng ra nữa khi có hàng đợt người thuộc giới “baby boomer” rời khỏi lực lượng lao động mà không chuẩn bị kỹ cho việc nghỉ hưu, theo tờ Miami Herald.
Hiện không có cách nào thật chính xác để đo lường hiện tượng này, nhưng cơ quan điều hành An Sinh Xã Hội (SSA) trong năm 2014 gửi tiền hưu đến 380,000 người Mỹ nghỉ hưu hiện sống ở ngoại quốc, tăng 50% so với thập niên trước đó.
Tại vùng Mỹ Châu, hồ sơ có được cho thấy giới cao niên nghỉ hưu đang kéo về Canada, Mexico, Colombia, Dominican Republic, và Ecuador.
Hiện có khoảng 2,850 người Mỹ hưởng tiền hưu trí đang sống ở Ecuador, theo các dữ kiện của chính phủ Mỹ.
Nhưng con số này thật sự chỉ nói lên được một góc nhỏ của bức tranh tổng thể. Thành phố Cuenca mới đây thực hiện một cuộc thống kê và thấy rằng chỉ riêng ở khu thị tứ nơi này đã có gần 10,000 người cao niên ngoại quốc nghỉ hưu sinh sống, đa số là công dân Mỹ đến từ Texas và Florida.
Hai ông bà Michael và Susan Herron là một thí dụ điển hình. Cả hai nay ngoài 70 tuổi. Họ từng sống ở Florida, Georgia, Alaska, South Carolina, và Panama trước khi chọn sống ở Ecuador vì quốc gia này đẹp và chi phí đời sống không cao.
“Chúng tôi có thể có đủ khả năng tài chánh sống ở Mỹ nếu chúng tôi dọn về ở nơi đồng quê hẻo lánh hơn nữa,” theo lời bà Susan, năm nay 71 tuổi. “Nhưng chúng tôi muốn có thử thách này khi còn đủ sức khỏe để làm điều đó,” theo Miami Herald.
Tại Cuenca, thành phố với khoảng 350,000 dân, họ có được hệ thống chuyên chở công cộng rất hiệu quả, nhiều viện bảo tàng, hệ thống y tế tốt, khu chợ đầy đủ các món họ muốn có.
Đây là nơi họ thuê được căn chung cư hai phòng ngủ, hai phòng tắm rưỡi, với giá chưa tới $400 một tháng. Họ thấy rằng với khoảng $1,500 mỗi tháng, họ có thể sống cuộc đời của giới trên mức trung lưu, ra ngoài ăn tiệm thường xuyên và đi chơi nhiều nơi nếu muốn.
“Ở Mỹ, chúng tôi chẳng có thể đi đâu,” bà Susan giải thích. “Chúng tôi phải ở nhà.”
Các quốc gia khắp vùng hiện đang tìm cách thu hút người nghỉ hưu Mỹ, để họ mang tiền đến nơi này. Mexico, Panama. Nicaragua và Costa Rica, cùng một số các quốc gia khác, tạo sự dễ dàng cho giới cao niên Mỹ đến tìm hiểu và sống nơi này.
Nhưng các giới chức thành phố Cuenca cho hay họ không thực sự muốn thu hút người cao niên Mỹ.
Nay họ phải đối phó với sự lo ngại của dân địa phương, cho rằng người Mỹ đang đẩy giá nhà lên cao và cũng gây ra quá nhiều phí tổn cho hệ thống y tế.
Và khác biệt ngôn ngữ cũng tạo ra sự bực bội khi nhiều tiệm ăn hay ngay cả nhiều khu phố trong thành phố chỉ nghe thấy toàn tiếng Anh.
Ana Paulina Crespo, giám đốc quan hệ quốc tế của thành phố, nói rằng nhiều người dân cảm thấy họ như người xa lạ ngay trong thành phố của mình.
Hệ thống y tế hữu hiệu, với các phương tiện máy móc tối tân nhập cảng từ bên ngoài, với chi phí thật rẻ cũng là điều thu hút giới cao niên Mỹ, cũng như bè bạn họ hàng của họ khi khám phá ra là tiền chữa trị thấp hơn nhiều so với ở Mỹ.
Ông Michael Herron có lần phải vào bệnh viện vì chứng bệnh tim. Tiền vào phòng cấp cứu, chụp quang tuyến, thử nghiệm… chỉ khoảng $133. Nếu ông phải vào bệnh viện ở Mỹ, hãng bảo hiểm sẽ phải trả $186,000.
Tại sao người già Mỹ ôm cả “núi tiền” không chịu chi tiêu?
Đến khi thực sự không còn làm việc nữa, người già Mỹ sợ hãi khi thấy tài khoản của mình sụt giảm đi, dù chỉ là chút ít tiền.