Nhiều người tố cáo những bê bối ở phi trường Tân Sơn Nhất

Sau khi ông đại sứ Việt Nam tại Indonesia lên tiếng tố cáo phi trường Tân Sơn Nhất liên tục làm hư hỏng hành lý, như được chạm đúng nỗi bất bình dồn nén, nhiều người dân đã cùng nhau tố thêm những bê bối ở phi trường này.

11:00 22/02/2019

Sau khi ông Hoàng Anh Tuấn, đại sứ Việt Nam tại Indonesia, phó tổng thư ký Asean, tố với báo Thanh Niên về việc hành lý bị hư hỏng liên tục khi quá cảnh phi trường Tân Sơn Nhất, lập tức ngày 21 Tháng Hai, 2019 nhiều người dân tố thêm về những bê bối của phi trường này.

Anh Bùi Văn Long (ở Sài Gòn) cho hay, Tết Kỷ Hợi vừa rồi, anh bay từ Sài Gòn ra Nội Bài. Do hai vali đều có hàng dễ vỡ nên anh Long đã quấn nylon tại phi trường và khai báo khi gửi hành lý với Vietnam Airlines. Thế nhưng, khi về tới nhà mở ra thì mới biết một vali bị gãy và bung tay cầm ngang, mấy món đồ dễ vỡ bên trong cũng bị nứt, mẻ. Mà nhà lại cách phi trường 100 cây số nên không biết thông báo với ai và bằng cách nào…

Tương tự, anh Võ Công Lý cho biết: “Tôi đi từ phi trường Tân Sơn Nhất đến Đà Nẵng, vali tôi mới mua bị móp méo, trầy tùm lum. Lúc từ Đà Nẵng về Tân Sơn Nhất tôi có mua mấy chai rượu và gói kỹ lưỡng, có để chữ ‘hàng dễ bể’ nhưng đến khi nhận được hành lý thì rượu đã bể chảy nước, đành cắn răng chịu đựng.”

Còn chị Thúy Liễu nói với báo Thanh Niên: “Việt kiều về nước chơi sợ nhất là việc mất đồ trong vali. Nếu minh bạch, công khai như lắp camera quan sát cho hành khách vận chuyển hành lý từ máy bay đến băng chuyền thì thử xem tình hình có cải tiến không. Người nhà tôi đã bị mất trộm đồ trong vali vài lần, mà toàn ở những vali có đồ đắt tiền như đồng hồ Thụy Sĩ, thiết bị điện tử cầm tay như máy game, máy nghe nhạc, nước hoa xịn, giày xịn.”

Anh Minh (ở Sài Gòn) cũng kể câu chuyện của người nhà mình. Cháu anh Minh cùng với bạn bay từ Nhật Bản về Tân Sơn Nhất lúc rạng sáng. Do mệt mỏi nên lấy được hành lý là mau mau về nhà. Về đến nhà thì mới phát hiện ra vali bị cạy, kiểm hành lý thấy mất đôi giày mới mua (khoảng $300) và một vài thứ khác, vali thì gần như bị hỏng. Tương tự, bạn của cháu anh Minh cũng bị cạy vali và mất đồ. Vì ngay sáng hôm đó các cháu phải đi làm nên không có thời gian để khiếu nại với phi trường.

“Quy trình gì mà không kiểm soát thì lòng tham và sự gian dối sẽ gây hại khôn lường. Bị hoài mà không phát hiện ‘tiêu cực’ nghe lạ quá,” anh Minh kết.

Trong khi đó, ông Lê Văn Y (Việt kiều Canada) cũng cho hay, ông đáp chuyến bay NH834 của Nhật Bản từ Sài Gòn đi Tokyo sáng ngày 17 Tháng Hai. Vali lớn có khóa kềm giữ chặt hai móc nối với nhau, khi về đến chặng cuối cùng thì ổ khoá đã bị cắt bỏ, đồ đạc bên trong có dấu hiệu bị xáo trộn.

Đây là lần đầu ông Ý bị tai họa này, những lần quá cảnh đất Mỹ trước đây, nếu buộc phải hủy khóa để mở vali kiểm tra, nhân viên phi trường luôn luôn có đặt trong vali một giấy thông báo cùng lời cáo lỗi. Nhưng lần này thì ông không thấy giấy tờ gì.

Anh Châu Minh cũng cho biết, anh từ Thụy Điển về phi trường Tân Sơn Nhất. Khi nhận hành lý thì thấy vali bị móp và gãy cả chân. Đáng buồn hơn, khi anh quay sang khách ngoại quốc cũng thấy bị y chang nên đành ngậm ngùi vác vali về vì không thể lên tiếng “sợ mất mặt người Việt.”

Nói về giải thích của ông Phạm Phú Yên, phó giám đốc Công Ty Phục Vụ Mặt Đất Phi Trường Việt Nam, Chi Nhánh Tân Sơn Nhất, đơn vị phục vụ cho hãng Hàng Không Vietnam Airlines, cho biết về “quy trình gửi-nhận hành lý từ khi khách vào làm thủ tục đến khi lên máy bay và ngược lại” đồng thời khẳng định “không phát hiện trường hợp nào nhân viên ‘tác động’ tới hành lý của khách,” nhiều bạn đọc đã tức giận “ông Yên kể lể quy trình, quy định để làm gì, bởi đó là chuyện nội bộ công ty của ông.”

Bạn đọc có nickname Chú Ba Sàm cho rằng, cần làm rõ các tiêu cực có hoặc không xảy ra tại Tân Sơn Nhất được phản ánh đầy trên các diễn đàn, ông đại sứ chắc có lẽ là người phản ánh chính xác nhất tình trạng này mà ông Yên còn trả lời lòng vòng.

“Đối với mấy ông thì cái gì cũng đúng quy trình cả, nhưng việc mất cắp đồ trong vali, thất lạc hành lý có nằm trong quy trình đó đâu? Tôi có người thân từ nước ngoài về, đã từng bị mất dầu thơm. Mong quý ngài hãy khiêm tốn cầu thị, có hành động quyết liệt hơn nữa chứ đừng bao biện, lý do, lý chấu nữa!” ông viết.

“Nó có được tuân thủ nghiêm ngặt hay không thì chỉ có trời, đất và người của công ty ông Yên biết. Còn hành khách thì chỉ cần nhìn vào tình trạng hành lý khi vào và ra khỏi phi trường để đánh giá độ tin cậy của phi trường, của hãng bay mà thôi,” bạn đọc tên Ba Phi Sài Gòn tức giận bày tỏ.

Đồng quan điểm, bạn Danh (ngụ Hà Nội) cũng cho rằng “cái gì cũng được cho là đúng quy trình, nghiêm ngặt, không có người ngoài tác động và có camera an ninh. Vậy tại sao không trích camera thử xem một công đoạn nào đó thể hiện tính minh bạch. Cụ thể là hành lý của ông Tuấn. Hãy trích từ nguồn và chuỗi lại từng công đoạn. Có gì mà không dám minh bạch.”

Độc giả tên Chu Minh Tuyển (Quảng Ninh) ngao ngán rằng, một ông đại sứ của Việt Nam và cũng là phó tổng thư ký ASEAN mà còn bị liên tục hư hỏng hành lý thì thử hỏi đơn vị của hãng hàng không quốc gia còn uy tín gì để hành khách Việt Nam và quốc tế gửi mạng sống và tài sản vào họ. Hành khách thông minh hãy có lựa chọn thông minh.

“Còn việc camera của phi trường giám sát gì gì đó, thử hỏi: nhân viên của ông ở trên trời rơi xuống hay gì mà làm cái việc phạm pháp trước ống kính. Họ biết camera đặt ở đâu, góc quay thế nào, hoạt động ra để tránh lộ. Cứ ngồi văn phòng rồi nghe báo cáo như ông Yên thì chỉ khi bị hành khách kiện ra tòa may ra ông và bộ sậu mới kiểm tra,” anh Chinh (ở Cần Thơ) ngao ngán nói.

Tags:
Texas: Dựng quầy bán socola nóng, cậu bé gây quỹ giúp Trump xây dựng bức tường biên giới

Texas: Dựng quầy bán socola nóng, cậu bé gây quỹ giúp Trump xây dựng bức tường biên giới

Một cậu bé sống tại Austin, Texas, đã kiếm được cho mình hơn 5.000 đô la từ việc bán socola nóng với hy vọng có thể gây quỹ để xây dựng bức tường biên giới dọc phía Nam Hoa Kỳ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất