Nhiều sinh viên Mỹ lúc nào cũng lo lắng về chỗ ở
Các sinh viên đi học đại học ở xa không chỉ phải đối mặt với các vấn đề trường lớp, điểm số, mà còn phải đối mặt với vấn đề chỗ ở.
04:00 06/03/2018
Theo tin của U.S. News and World Report, cô Regina Montoya, một sinh viên năm cuối của đại học California State University ở Sacramento, không chỉ bận bịu vì phải đi thực tập ở hai chỗ và học nhiều lớp, mà cô từng phải chịu cảnh không nhà cửa khi ký túc xá của trường không hoạt động.
Cô Montoya lớn lên trong cảnh đi ở nhờ nhà người quen này đến người quen khác rồi phải sống với cha mẹ nuôi. Chuyển nhà lúc nào cũng khó khăn vì cô không bao giờ biết bao giờ mình lại phải chuyển tiếp. Tuy nhiên, cô tin rằng đi học đại học sẽ giúp hoàn cảnh sống của cô khá hơn, chính vì vậy nên cô ghi danh đi học ở một trường tại vùng vịnh San Francisco.
Cô cho biết mình phải tính trước để những ngày lễ ký túc xá đóng cửa thì cô phải ở với ai, ai chịu cho cô ở và ở được bao lâu. Chính vì phải lo lắng liên tục về chỗ ở và tinh thần cứ không ổn định, cô học không qua được năm thứ nhất.
Lo lắng về chỗ ở, không có chỗ ở, không trả nổi các chi phí thường ngày hoặc phải chuyển nhà liên tục là những vấn đề mà các sinh viên đại học trên toàn nước Mỹ phải lo lắng nhiều nhất, trong đó có sinh viên của tất cả 23 trường thuộc hệ thống đại học Cal State.
Theo một nghiên cứu của Cal State về các nhu cầu của sinh viên, có đến 10.9% sinh viên từng báo cáo bị không có nơi ở ít nhất là một lần trong suốt năm 2017.
Educational Researcher cũng có một nghiên cứu cho thấy có đến 1/3 sinh viên đại học hai năm và 11% đến 19% sinh viên đại học bốn năm lúc nào cũng phải lo lắng về chỗ ở.
Hệ thống tiền trợ cấp cho sinh viên The Free Application for Federal Student Aid cho biết có đến 58,000 sinh viên không có nhà ở trong hai năm 2012 đến 2013. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này chưa chính xác vì đơn ghi danh nhận trợ cấp rất khó để hoàn tất và các sinh viên phải chứng minh là họ không có nhà ở.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng tiền trợ cấp cho sinh viên không có phần dành cho tiền nhà. Các sinh viên có thể nhận được trợ cấp, nhưng vẫn không đủ tiền trả tiền nhà.
Báo cáo của Cal State cho biết hệ thống đại học này đang tìm cách để giải quyết các vấn đề về thức ăn và nhà cửa cho các sinh viên, trong đó có cung cấp nơi ở khẩn cấp và những chương trình để giúp các sinh viên với những nhu cầu căn bản của họ.
Ở Chicago, các sinh viên của đại học DePaul University thì tìm đến chương trình Dax Host Home Program, đưa các sinh viên này đến nhà của những gia đình chịu cho họ một nơi ở tạm thời cho đến 12 tuần.
Ông Abe Morris, giám đốc của Dax, cho biết cứ mỗi mùa học của trường DePaul có đến khoảng 50 sinh viên không có chỗ ở.
Trên toàn nước Mỹ, các đại học đang tìm cách để làm việc với các tổ chức và doanh nghiệp ở địa phương để giúp đỡ các sinh viên tìm nơi ở.
Tình trạng sinh viên đại học không có chỗ ở là một vấn đề lớn và từng được đưa ra trước Quốc Hội. Tuy đây là một vấn đề vẫn chưa được giải quyết xong, nhưng cô Montoya đã nhận được sự giúp đỡ của các chương trình tìm nhà ở cho sinh viên. Cô cho biết cuộc đời mình đang khá hơn rất nhiều và bây giờ cô đang làm hết sức để chia sẻ thông tin về những chương trình đó với những sinh viên thiếu may mắn khác.
Con đường từ homeschool đến Harvard của ba sinh viên Mỹ
Không theo phương pháp học tập truyền thống, sinh viên vẫn có thể bước qua cánh cổng Harvard nhờ khả năng tự học và tư duy khác biệt.