Nhiều sinh viên Mỹ sống chật vật, ăn uống thiếu thốn
Căn cứ trên các dữ kiện thu thập được về tình trạng sinh viên bị đói trong các đại học, một bản báo cáo của chính quyền liên bang Mỹ, công bố hôm Thứ Tư, 9 Tháng Giêng, kêu gọi giới hữu trách phải hợp tác chặt chẽ với cấp tiểu bang và các trường đại học để giúp thêm nhiều sinh viên được sự trợ giúp thực phẩm của chính phủ.
00:30 14/01/2019
Theo Washington Post, cơ quan Government Accountability Office (GAO), một cơ quan điều tra của Quốc Hội Mỹ, thấy rằng có gần 2 triệu sinh viên từ các gia đình nghèo, có thể được hưởng trợ giúp theo chương trình của chính phủ liên bang, có tên Supplemental Nutrition Assistance Program (SNAP) trong năm 2016, nhưng không hề có được sự giúp đỡ này.
Cơ quan GAO thấy rằng điều này xảy ra là do việc không hiểu rõ các quy định hội đủ điều kiện. Tại 9 trong số 14 trường đại học cơ quan GAO đã liên lạc, một số giới chức và sinh viên nói họ không biết gì về chương trình này hoặc không hoàn toàn hiểu về các quy định của chương trình.
Bản báo cáo của GAO đề nghị cơ quan đặc trách Thực Phẩm và Dinh Dưỡng của Bộ Nông Nghiệp phải đưa ra các giải thích rõ ràng trên trang web của mình về việc ai là người có thể được nhận trợ giúp, đồng thời cung cấp các tin tức cần thiết cho các tiểu bang về chương trình này cho sinh viên đại học.
Luật của liên bang Mỹ không cho nhiều sinh viên học toàn thời gian được tham dự chương trình trợ giúp dinh dưỡng, tuy nhiên cũng cho phép một số trường hợp ngoại lệ.
Theo bản báo cáo, các trường hợp ngoại lệ gồm cả các sinh viên là cha mẹ có con nhỏ, những người trong chương trình work-study của chính phủ liên bang, những người được nhận trợ giúp qua chương trình “Temporary Assistance for Needy Families” và các sinh viên làm việc ít nhất 20 giờ mỗi tuần.
Cơ quan GAO duyệt xét hơn hai chục cuộc nghiên cứu về nỗ lực cung cấp thức ăn cho sinh viên và thấy rằng tình trạng bất ổn về thực phẩm giao động từ 9% cho tới hơn 50% ở các trường này.
Bản báo của GAO nói rằng các dữ kiện có được cho thấy tình trạng sinh viên bị đói trầm trọng hơn ở các trường đại học cộng đồng so với các trường đại học 4 năm.
Chương trình trợ giúp tài chánh cho sinh viên, không liên hệ với chương trình dinh dưỡng, thường chỉ đủ cho tiền học mà không giúp cho chi phí ăn ở. Mức trợ giúp tối đa của Pell Grant năm nay là $6,095, chỉ đủ cho một phần nhỏ các chi phí ở một đại học bốn năm.
Mức chi phí trung bình hàng năm gồm tiền học phí, lệ phí, tiền ăn ở, tại một đại học công lập bốn năm hiện vào khoảng $21,370, theo con số của tổ chức College Board.
Nhiều sinh viên do đó phải mượn thêm tiền và phải kiếm việc đi làm thêm để trả cho các chi phí. Dù vậy, nhiều sinh viên vẫn trong tình trạng chật vật, ăn uống thiếu thốn.
Trên khắp nước Mỹ, hàng trăm trường đại học đã thành lập các phòng cung cấp thực phẩm miễn phí cũng như có các biện pháp để đối phó với tình trạng đói ăn này. Trường đại học George Washington University năm 2016, thành lập nơi phân phối thực phẩm miễn phí cho sinh viên, mở cửa bảy ngày một tuần để sinh viên có nhu cầu có thể đến nhận.
Theo cơ quan GAO, tính tới Tháng Chín năm ngoái, có hơn 650 trường đại học trên toàn quốc có các phòng cung cấp thực phẩm hay đang trong giai đoạn hình thành.
“Nhu cầu của phòng cung cấp thực phẩm cho sinh viên đã tăng gấp 10 lần trong hai năm qua,” theo lời một giới chức đại học nói với cơ quan GAO. “Chúng tôi đang gặp tình trạng nhu cầu quá cao trong khi mức cung cấp không đủ.”
Cơ quan GAO liên lạc với giới chức ở 14 trường, từ đại học cộng đồng Cuyahoga Community College ở Ohio cho tới University fo California at Berkeley. Một sinh viên cho GAO hay rằng “không nói được với gia đình là thiếu ăn vì mọi người khác trong nhà cũng đều chật vật tài chánh và không muốn tạo thêm lo lắng.”
Giáo Sư Sara Goldrick-Rab, thuộc trường đại học Temple University, một chuyên gia về tình trạng thiếu ăn tại đại học, nói rằng đây là bản báo cáo đầu tiên của chính phủ liên bang theo đó công nhận rằng tình trạng thiếu ăn của sinh viên đại học là một vấn đề lớn.
Triều Tiên phải bồi thường gia đình sinh viên Mỹ 12.000 tỷ đồng
Một thẩm phán Hoa Kỳ ra phán quyết rằng Triều Tiên phải trả 501 triệu USD (khoảng 12.000 tỷ đồng) cho cha mẹ của Otto Warmbier, sinh viên Mỹ qua đời sau một thời gian bị chính quyền Kim Jong-un giam cầm.