Nhìn lại 2020: Toàn thế giới nghèo đi vì đại dịch COVID-19
Không chỉ đối mặt với tình hình kinh tế ảm đạm, nhìn lại năm 2020 với đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo thế giới đang ngày càng chia rẽ sâu hơn.
23:30 20/12/2020
Tổng quan sau một năm chiến đấu với đại dịch, WB cảnh báo những vấn đề thế giới đang đối mặt sẽ tiếp tục kéo dài trong năm sau cũng như nhiều năm sắp tới, nếu không có những biện pháp giải quyết kịp thời.
Nghèo đói
12 tháng qua đại dịch đã đe dọa đẩy hàng triệu người lún sâu vào cảnh nghèo. Theo WB, COVID-19 đã khiến thêm 88 triệu người rơi vào cảnh siêu nghèo trong năm nay. Đó chỉ là tối thiểu, trong trường hợp xấu nhất con số này được cho có thể lên đến 115 triệu.
WB dự đoán phần lớn "lớp người nghèo mới" sẽ tập trung tại Nam Á, kế đó là vùng Hạ Sahara của châu Phi.
Thế giới trong 2020 có thể có thêm khoảng 83-132 triệu trẻ suy dinh dưỡng vì đại dịch, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc. Tại nhiều nơi, tình trạng khan hiếm lương thực và dịch bệnh đã gây ra mâu thuẫn và bạo lực.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) kêu gọi xem nghèo đói là ưu tiên giải quyết sau COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Suy thoái kinh tế
Các lệnh giới hạn nhằm kiểm soát dịch bệnh đã để lại tác dụng phụ không mong muốn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bản báo cáo hồi tháng 6 về viễn cảnh kinh tế thế giới của Global Economic Prospects dự đoán kinh tế thế giới cũng như thu nhập bình quân đầu người đều sẽ suy giảm trong năm nay.
Suy thoái kinh tế đang giới hạn khả năng phản ứng của các quốc gia đối với hệ quả y tế và kinh tế do đại dịch gây ra. Kể từ trước khi có COVID-19, gần một nửa số quốc gia thu nhập thấp đã ngập trong nợ hoặc bị nợ nần đe dọa.
WB cảnh báo nghĩa vụ nợ sẽ tạo ra gánh nặng lớn trong nhiều năm tới, đồng thời kêu gọi các nước có hành động nhanh chóng để giảm thiểu nợ, tránh tạo ra thiệt hại lâu dài.
Trước khi có COVID-19, gần một nửa số quốc gia thu nhập thấp đã ngập trong nợ hoặc bị nợ nần đe dọa - Ảnh: REUTERS
Nguồn thu tài chính
Kiều hối đang là mối lo ngại đặc biệt. Trong những thập kỷ qua, kiều hối đóng vai trò ngày một quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và duy trì tăng trưởng.
Thế nhưng, COVID-19 đã đảo ngược quá trình này. WB cho biết kiều hối sẽ giảm 14% tính đến cuối 2021, điều có thể đẩy nhiều gia đình nghèo ở các nước đang phát triển vào cảnh khốn đốn. Tất cả các khu vực trên thế giới đều bị ảnh hưởng, đặc biệt châu Âu và Trung Á.
Suy thoái do đại dịch gây ra ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động kinh doanh và nguồn việc làm. Trên khắp thế giới, doanh nghiệp đang cạn kiện nguồn lực nghiêm trọng, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại các nước đang phát triển.
Theo WB, hơn 1/3 doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng công nghệ số để thích ứng với đại dịch. Thế nhưng, doanh thu của những công ty này đã giảm khoảng một nửa trong giai đoạn khủng hoảng, buộc họ phải giảm lương và giờ làm.
Một phụ nữ đi ngang biển hiệu đóng cửa của một cửa hàng thực phẩm tại Arlington, Virginia, Mỹ - Ảnh: AFP
Phúc lợi xã hội
Trước đại dịch, người dân tại các quốc gia đang phát triển phải chi hơn 500 tỉ USD cho dịch vụ y tế. Chi phí đắt đỏ này đã tạo thành gánh nặng tài chính cho hơn 900 triệu người và đẩy gần 90 triệu người vào cảnh siêu nghèo mỗi năm. WB cảnh báo vấn đề này sẽ trầm trọng hơn sau đại dịch.
Ở giai đoạn cao điểm của các lệnh phong tỏa, hơn 160 quốc gia đã áp dụng việc đóng cửa trường học khiến ít nhất 1,5 tỉ học sinh và sinh viên phải nghỉ học. WB cho rằng ảnh hưởng của COVID-19 đến giáo dục sẽ kéo dài thêm nhiều thập kỷ tới.
Đại dịch không chỉ gây ra gián đoạn ngắn hạn, mà còn giảm cơ hội kinh tế cho các thế hệ sau về dài hạn. Vì tình trạng không được tới lớp và tỉ lệ bỏ học tăng cao, thế hệ học sinh hiện tại có nguy cơ mất khoản 10 tỉ USD thu nhập, tương đương 10% GDP toàn cầu.
Một lớp học tại thành phố Nice, Pháp, hồi đầu năm 2020 - Ảnh: AFP
Khoảng cách xã hội
Theo WB, rủi ro đối với phụ nữ đang tăng cao trong giai đoạn dịch. Nữ giới mất việc làm với tốc độ nhanh hơn nam giới vì thường làm việc ở những ngành bị ảnh hưởng nặng nhất như du lịch và bán lẻ. Phụ nữ tại các nước có thu nhập thấp và trung bình thường làm các công việc phi chính thức, khó thể tiếp cận biện pháp hỗ trợ xã hội.
Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cũng dự đoán 11 triệu trẻ em gái sẽ không bao giờ quay lại lớp vì đại dịch.
Ngoài ra, dù đòi hỏi sự kết nối sâu rộng hơn, đại dịch thực tế được cho đã mở rộng khoảng cách số. Đầu tư tư nhân nhỏ giọt và nguồn tài chính công cũng được phân bổ cho các ưu tiên cấp thiết hơn.
Những người phụ nữ Dhaka, Bangladesh đến nhận hỗ trợ trong dịch COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Cựu cố vấn nói Trump có thể điều quân đội để bầu cử lại
Sẽ bầu cử lại ????