Nhọc nhằn nghề nail ở Mỹ, nhân viên bị bóc lột
Báo New York Times (NYT) điều tra và lên tiếng báo động về tình trạng nhân viên làm nail bị bóc lột sức lao động tại các tiệm ở thành phố New York, Mỹ.
20:30 25/09/2017
Chỉ kiếm được 10 USD/ngày, không được nhận lương làm ngoài giờ và nếu lỡ làm đổ lọ sơn móng tay chân có thể phải bồi thường bằng toàn bộ tiền lương của mình, kết quả điều tra do báo New York Times (NYT) thực hiện về tình trạng nhân viên làm nail bị bóc lột sức lao động tại các tiệm ở thành phố New York, Mỹ.
Tờ NYT đã phỏng vấn hơn 150 nhân viên và chủ tiệm nail bằng bốn ngôn ngữ khác nhau. Họ nhận ra phần lớn người lao động đang bị trả lương thấp hơn mức tối thiểu, đôi khi còn bị quỵt lương. Chỉ có ba trong số hơn 100 người được hỏi nói họ không bị như vậy.
Không những thế, người làm nail còn phải chịu đựng đủ mọi hình thức nhục mạ như cắt tiền boa để phạt những sai sót nhỏ, bị chủ tiệm đặt camera giám sát, bị đá đít khi ngồi vào ghế dành cho khách làm nail, bị chửi mắng hoặc thậm chí đánh đập.
Theo thống kê của cơ quan quản lý, ở Mỹ hiện có hơn 17.000 tiệm nail. Chỉ riêng tại thành phố New York, số tiệm nail đã tăng hơn gấp 3 lần trong 15 năm qua.
Người nhập cư “bóc lột” người nhập cư
Hầu hết những người làm nail mà NYT phỏng vấn đều là người nhập cư, họ hầu như không nói được tiếng Anh. Điều này khiến họ khó tìm được công việc ở Mỹ.
Trong bối cảnh đó, nghề nail là một lựa chọn hấp dẫn dù mức lương thấp. Song cũng vì thế mà họ hầu như không hiểu biết nhiều về quyền lợi của mình.
Tờ NYT dẫn trường hợp nữ nhân viên làm nail người Trung Quốc Jing Ren 20 tuổi. Ren tới New York từ tháng 5 năm ngoái và xin việc tại tiệm Bee nails ở Hicksville, New York.
Để được vào học nghề và làm việc, Ren phải mất 100 USD lệ phí. Đây là mức phí phổ biến tại hầu hết các tiệm nail khác ở New York.
Tại đó, Ren đã phải làm việc không công đến ba tháng, cho tới khi chủ tiệm quyết định cô có đủ khả năng để được nhận lương chính thức với mức 30 USD/ngày.
Cũng như nhiều nhân viên khác, Ren không biết việc chủ tiệm bắt mình làm việc không lương trong suốt ba tháng là phạm pháp.
Cô cũng không hay rằng ngay cả mức lương 30 USD/ngày họ trả cũng thấp hơn mức lương tối thiểu theo luật pháp quy định.
Cô chỉ đơn giản nghĩ rằng là người nhập cư, có việc để làm và kiếm được tiền đã là quá đủ nên cô không dám kêu ca. Hơn nữa, kêu thì cũng chẳng biết kêu ai. Cô gái trẻ lầm lũi làm việc mỗi ngày tại tiệm Bee nails với tên giả là “Sherry”.
Ren chỉ là một trong rất nhiều nhân viên làm nail không có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Mỹ. Điều này đẩy họ vào tình thế rất dễ bị tổn thương, bởi nếu họ đòi hỏi chế độ đãi ngộ tốt hơn thì giới chủ đe dọa tố cáo họ với nhà chức trách.
Một thực tế đau lòng mà cuộc điều tra của NYT vạch trần đó là người lao động nhập cư bị chính những chủ tiệm vốn cũng là người nhập cư chèn ép.
Không chỉ có sự bất công trong việc trả thù lao, lương bổng mà còn tồn tại nạn “phân biệt chủng tộc” ngay trong giới làm nail. NYT cho biết thường thì nhân viên người Hàn Quốc sẽ được trả thù lao gấp đôi người khác do các chủ tiệm người Hàn Quốc rất đông, kế đến là những người gốc Trung Quốc. Những người gốc Tây Ban Nha và không phải gốc châu Á khác thường nhận đồng lương thấp nhất.
Lian Sheng Sun, chủ tiệm Bee nails, dù thừa nhận có hiện tượng trả lương thấp cho nhân viên nhưng lại chống chế rằng đó là chuyện thường trong nghề nail ở Mỹ. “Mỗi tiệm đều có cách kinh doanh riêng.
Chúng tôi phải điều hành công việc của mình theo cách để chúng tôi có thể tồn tại” - Lian nói. Còn Roger Liu, chủ tiệm Relaxing Town nails and spa ở New York, cho rằng họ đang giúp những người nhập cư có được công ăn việc làm, thoát khỏi tình trạng bế tắc như những thế hệ nhập cư đầu tiên phải đối mặt.
Cộng đồng người Việt khá ổn định
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị M. ở thành phố Lombard bang Illinois, người có 10 năm làm nail, cho biết thông tin trên tờ NYT chỉ đúng một phần vì chưa bao quát toàn bộ thực tế nghề nail ở các bang khác trên nước Mỹ.
Thêm vào đó, những người mà NYT phỏng vấn trên đây không có người Việt Nam. “Trên thực tế, người Việt phần lớn là những người lao động chăm chỉ, cần cù và có tay nghề cao nên tình trạng bị ngược đãi hầu như không có” - chị M. cho biết và yêu cầu được giấu tên vì không muốn gặp rắc rối với một số thành phần quá khích tại nơi làm việc.
Chị M. cho biết ở Mỹ tỉ lệ phân chia thù lao trong dịch vụ nail phổ biến là 4/6, có nghĩa ngoài mức lương theo tuần là 600-700 USD thì các thu nhập thêm sẽ được chia theo tỉ lệ 40% cho chủ và 60% cho thợ.
Phần lớn các chủ tiệm nail ở thành phố Lombard đều không muốn thuê lao động người Hàn Quốc, Trung Quốc và Mexico vì các lý do như không chăm chỉ, không khéo tay.
Thông tin từ chị Thủy Nguyễn, một thợ làm nail có thâm niên hơn 13 năm ở Miami, cho biết tình trạng mà NYT đề cập trong tuyến bài điều tra trên không xảy ra với cộng đồng người Việt làm nail ở Miami.
Chị Chung Le ở Washington D.C cũng thông tin chị có hai người bạn làm nail nhưng chưa bao giờ thấy họ kêu ca hay phàn nàn về việc này.
Thời hoàng kim đã quaTheo anh Hữu Tài ở bang Maryland, thời điểm cực thịnh của nghề nail là những năm 1980 tới trước năm 2008.Tuy nhiên, từ năm 2008 trở về sau do khủng hoảng kinh tế lan rộng ở Mỹ và toàn thế giới, nghề nail cũng đi vào suy thoái.“Nhưng dù thế, nghề nail tới giờ vẫn là nghề nuôi sống rất nhiều gia đình Việt Nam ở Mỹ” - anh Tài cho biết.
Hoa Kỳ ngày càng quan tâm hơn đến các công trình xây dựng xanh và bền vững
Các đại lý bất động sản (BĐS) Hoa Kỳ nhận thấy mối quan tâm hiện nay của người dân đó là nhu cầu về BĐS bền vững và những công trình xanh.