Những bé gái bị mẹ bán trinh ở Campuchia
Nhiều bé gái sinh ra trong gia đình nghèo ở Campuchia bị mẹ ép bán thân để lấy tiền trả nợ.
10:36 02/08/2017
Sephak sinh ra và lớn lên ở Svay Pak, một làng chài nghèo ở ngoại ô Phnom Penh, thủ đô Campuchia. Khu dân cư này nổi tiếng là nơi buôn bán tình dục trẻ em, theo CNN.
Sephak mới 13 tuổi khi bị mẹ đem bán. Cô bé được đưa tới bệnh viện khám, cấp giấy chứng nhận trinh tiết và được đưa tới một phòng khách sạn. Sephak về nhà sau ba ngày đêm bị cưỡng bức.
Ann, mẹ của Sephak, cho biết gia đình quá khó khăn, vay nợ tới 6.000 USD nên bà buộc phải bán con khi các chủ nợ tới đe dọa. Một phụ nữ đã tiếp cận Ann, đề nghị trả một khoản tiền lớn nếu bà đồng ý bán trinh con gái.
Sephak nói rằng mẹ được trả 800 USD nhưng sau khi cô bé trở về, bà Ann lại tiếp tục bắt con làm việc trong một nhà chứa. Bây giờ, bà Ann nói rằng rất hối hận và nếu thời gian quay ngược lại, bà sẽ không bao giờ bán con.
Sephak được CNN phỏng vấn lần đầu năm 2013, cùng với những trẻ em khác là nạn nhân của bọn buôn người, trong phóng sự về nạn buôn bán tình dục ở Campuchia.
Cô bé được giải thoát khỏi nhà thổ nhờ AIM, tổ chức chống buôn người phi lợi nhuận. Sephak bây giờ làm việc trong một nhà máy do AIM quản lý, kiếm tiền nhờ làm vòng tay và may quần áo.
"Bây giờ tôi cảm thấy đã yên ổn hơn trước kia. Không phải cực kỳ yên ổn, nhưng thế này là đủ", Sephak nói. "Bây giờ tôi có công việc ổn định. Tôi cũng muốn những người khác có được việc làm giống mình".
Don Brewster, một cựu mục sư người Mỹ, thành lập AIM năm 2005 để chống lại nạn buôn người ở Campuchia. Tới nay, tổ chức này đã giải cứu hơn 700 người.
Đa số người được cứu đều tập trung ở Svay Pak, nơi đói nghèo tồi tệ tới nỗi nhiều gia đình sống với mức thu nhập dưới mức một USD một ngày. Cư dân chủ yếu ở nhà nổi trên sông Tonle Sap, sinh sống nhờ nghề nuôi cá.
"Khi chúng tôi bàn về nạn buôn bán tình dục trẻ em, nơi đây từng là điểm nóng", Brewster nói. "Khi chúng tôi mới tới đây, 100% trẻ gái ở đây đều sẽ bị đem bán. Bây giờ, tỷ lệ này thấp hơn 50%".
Phụ nữ ngồi xếp hàng trong một quán bar karaoke "tay vịn" ở Phnom Penh. Có nhiều cơ sở giải trí thế này trên đường tới Svay Pak, ngoại ô thủ đô Campuchia. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, theo Brewster, mặc dù trẻ em không còn bị buôn bán công khai trong các nhà thổ ở đây, nạn buôn người vẫn diễn ra thầm lặng trong các khách sạn, nơi khó phát hiện và ngăn chặn hơn.
Eric Meldrum là giám đốc điều tra của AIM. Ông thường làm việc với cảnh sát Campuchia để theo dấu tội phạm và giải cứu nạn nhân. Meldrum cho biết trong ba năm, ông đã giúp giải cứu 130 cô gái từ hơn 50 cuộc đột kích, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác giữa AIM và cảnh sát Campuchia rất quan trọng.
"Cảnh sát Campuchia đang làm tốt nhiệm vụ", ông đánh giá. "Chúng tôi hợp tác rất ăn ý. Họ làm việc có quyết tâm, có trật tự để giải quyết vấn đề".
"Đây vẫn là một quốc gia nghèo, người dân luôn tìm mọi cách kiếm tiền và không may, vì thiếu giáo dục, thiếu việc làm, bán dâm là một trong số ít cách để họ kiếm được tiền gửi về nhà. Thậm chí có thể một gia đình không muốn bán con gái nhưng họ không còn lựa chọn nào khác".
Bất chấp nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ và cảnh sát, tình trạng buôn bán trẻ em ở Svay Pak vẫn chưa được giải quyết triệt để.
"Tôi không hiểu nổi tại sao những bà mẹ ấy lại làm thế", Sephak nói. "Họ không có tiền, thế là họ bắt con gái làm việc. Bây giờ, tôi vẫn thấy nhiều người mẹ không hiểu cảm xúc của con gái. Họ không hiểu rằng con gái họ cũng có trái tim, cũng biết đau khổ".
Những cô gái bị "mắc kẹt" vì nghiện ma túy và ép bán dâm
Làn sóng người di cư chạy trốn bạo lực và nghèo đói từ khu vực Trung Mỹ đến Mỹ đã được đề cập khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít người bị mắc kẹt lại ở Mexico. Do thiếu thông tin, sự hỗ trợ nên những người di cư dễ bị lợi dụng, trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người hay buộc phải bán dâm. Cô gái trẻ Mona là một trong số đó…