Những cuộc chiến liên tiếp đe dọa vị thế Tổng thống Biden

Những cuộc chiến liên tiếp nổ ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden có thể làm lung lay vị thế của ông trước Trump, người tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi mọi xung đột.

22:43 17/01/2024

Trong chưa đầy 4 năm nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, mỗi năm lại can dự vào một vùng chiến sự ở ba khu vực địa chính trị phức tạp hàng đầu thế giới. Điều này gần như trái ngược với cựu tổng thống Donald Trump, người luôn tuyên bố "không tham gia bất cứ cuộc chiến nào" trong 4 năm ông nắm quyền.

Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống Biden đã thể hiện mong muốn rút Mỹ khỏi những "cuộc chiến không hồi kết" khi ra lệnh rút toàn bộ lực lượng Mỹ tại Afghanistan, sau khi Taliban tiến vào Kabul, lật đổ chính quyền được Washington hậu thuẫn. Tuy nhiên, chiến dịch rút quân vào tháng 8/2021 diễn ra trong hỗn loạn, khiến hình ảnh và vị thế của Mỹ ở Trung Đông bị tổn hại nghiêm trọng.

Hơn nửa năm sau, Mỹ bị kéo vào cuộc chiến Nga - Ukraine, trở thành bên cung cấp vũ khí hàng đầu cho Kiev để đối phó Moskva. Mỹ đến nay đã viện trợ hơn 44 tỷ USD cho Ukraine, nhưng xung đột đến nay chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.

Cuộc chiến Israel - Hamas tại Dải Gaza bùng nổ vào tháng 10/2023, kéo Mỹ trở lại Trung Đông với tương lai mơ hồ về hồi kết của xung đột. Khi năm 2024 vừa bước vào tuần thứ hai, Washington tiếp tục sa vào một cuộc chiến mới, khi tiến hành đòn tập kích tên lửa nhắm vào lực lượng Houthi tại Yemen. Houthi đã tuyên bố sẽ đáp trả, nhắm vào các lực lượng Mỹ trên khắp Trung Đông.

Việc Mỹ liên tiếp can dự vào các cuộc chiến, xung đột khiến Tổng thống Biden đối mặt với nhiều chỉ trích và thách thức, trong bối cảnh ông nhiều khả năng sẽ tái đấu với đối thủ Trump trong cuộc bầu cử cuối năm nay.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại bang Pennsylvania ngày 5/1. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại bang Pennsylvania ngày 5/1. Ảnh: Reuters

Lầu Năm Góc và Nhà Trắng khẳng định cuộc tập kích lực lượng Houthi tại Yemen là nhằm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đỏ. Nhưng Trump đã tận dụng cơ hội này để công kích Tổng thống Biden.

"Chúng ta lại vừa ném bom khắp Trung Đông, nơi tôi đã đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng", viết. " giờ đây tham gia vào các cuộc chiến ở Ukraine, Israel và Yemen, nhưng chẳng có 'cuộc chiến' nào ở biên giới phía nam". Ông cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Biden là "tổng thống tệ nhất trong lịch sử Mỹ".

Giới chuyên gia nhận định việc ra lệnh tập kích Houthi ngay trong năm bầu cử là quyết định "cực chẳng đã" của Tổng thống Biden, trong bối cảnh tàu hàng đi qua Biển Đỏ, tuyến hàng hải chiến lược toàn cầu nằm giữa kênh đào Suez và Ấn Độ Dương, liên tục bị lực lượng Houthi tập kích và quấy rối từ cuối năm 2023, với danh nghĩa trả đũa Israel tấn công Dải Gaza.

Mỹ đã nhiều lần phát tín hiệu răn đe, nhưng Houthi phớt lờ và tiếp tục các cuộc tấn công, buộc ông Biden phải hành động cứng rắn hơn để bảo vệ uy thế của nước Mỹ trên trường quốc tế.

"Nếu ông Biden không ra lệnh tấn công, uy tín và lợi ích của Mỹ trong khu vực sẽ chịu thách thức", Garret Martin, giám đốc Trung tâm Chính sách Xuyên Đại Tây Dương tại Washington, nhận định.

Sức ép bên trong nước Mỹ với ông Biden cũng rất lớn, khi hai ứng viên đảng Cộng hòa là cựu đại sứ Mỹ Nikki Haley cùng Thống đốc Florida Ron DeSantis cùng công kích chính sách đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng.

Haley chỉ trích ông Biden "lẩn tránh" và "chậm chạp" trước hành động khiêu khích liên tục từ Iran cùng lực lượng Houthi được họ hậu thuẫn, trong khi DeSantis cáo buộc Washington "ngáng chân" đồng minh Israel trong cuộc chiến với Hamas.

Quyết định ra lệnh tập kích là cách Tổng thống Biden phản ứng mạnh mẽ với những hoài nghi từ phe Cộng hòa. Nhưng đây cũng là một canh bạc chính trị tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với ông Biden, bởi nếu Houthi có những động thái đáp trả quyết liệt, Mỹ có nguy cơ tiếp tục bị kéo vào vũng lầy xung đột ở Trung Đông, theo Martin.

Khi đó, ông có nguy cơ đánh mất lòng tin từ cử tri Mỹ, vốn đã mệt mỏi với những cuộc chiến nối tiếp nhau. Nhiều người Mỹ hiện nay tin rằng thời kỳ Trump nắm quyền giúp tình hình ổn định hơn, khi đất nước không tham gia cuộc chiến quy mô lớn nào.

Pháo phản lực HIMARS của Mỹ được Ukraine triển khai chiến đấu hồi đầu tháng 7/2023. Ảnh: Reuters

Pháo phản lực HIMARS của Mỹ được Ukraine triển khai chiến đấu hồi đầu tháng 7/2023. Ảnh: Reuters

Mike Johnson, nghị sĩ Cộng hòa đang giữ chức Chủ tịch Hạ viện, ủng hộ Mỹ phản ứng quyết liệt với lực lượng Houthi, nhưng vẫn cho rằng chính quyền Biden hành động "quá chậm trễ" và không chứng tỏ được "sức mạnh của trong thời khắc nguy cấp".

Tổng thống Biden còn vấp phải chỉ trích từ chính các nghị sĩ đảng Dân chủ khi vượt quyền quốc hội, cơ quan có thẩm quyền tuyên bố chiến tranh, để ra lệnh không kích vào Houthi.

Pramila Jayapal, nghị sĩ đảng Dân chủ, chỉ trích Nhà Trắng đã phớt lờ quốc hội, dù có thời gian tham vấn Đồi Capitol về quyết định tấn công Houthi.

"Nhân dân Mỹ đã quá mệt mỏi với tình trạng chiến tranh không hồi kết", Rashida Tlaib, hạ nghị sĩ gốc Palestine thuộc đảng Dân chủ, nói, cáo buộc ông Biden vi phạm Điều 1 Hiến pháp Mỹ khi tự ý đẩy đất nước vào cuộc chiến với lực lượng Houthi.

Trong khi đó, Nhà Trắng lập luận rằng lực lượng Houthi đã tấn công tàu Mỹ và đe dọa lợi ích quốc gia, nên Tổng thống Biden có thể ra lệnh tập kích trước và báo cáo quốc hội sau. Hiến pháp Mỹ cho phép Tổng thống dùng sức mạnh quân sự để phòng vệ mà không cần tham vấn trước với quốc hội.

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa trong chiến dịch tập kích Houthi ở Yemen ngày 12/1. Ảnh: USCENTCOM

Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa trong chiến dịch tập kích Houthi ở Yemen ngày 12/1. Ảnh: USCENTCOM

Nhưng Gerald Feierstein, cựu đại sứ Mỹ tại Yemen, bày tỏ lo ngại Mỹ đã "mắc bẫy" của lực lượng Houthi khi sử dụng biện pháp quân sự. "Houthi tự tin đủ sức chống chọi những phương án tấn công mà Mỹ có thể chấp nhận vào lúc này. Họ tin rằng đông đảo dư luận đang đứng về phía mình", ông phân tích.

Quân đội Mỹ khó leo thang tập kích quyết liệt giữa mùa bầu cử tổng thống và càng không thể đưa bộ binh vào Yemen để "xóa sổ" Houthi. Nhóm này cho hay năng lực tấn công của họ vẫn được bảo toàn đáng kể, bất chấp hai đợt tập kích tên lửa từ Mỹ cùng đồng minh. Đại diện Houthi còn đe dọa sẽ đặt tàu chiến và căn cứ Mỹ tại Trung Đông vào tầm ngắm.

Sau gần 4 năm lãnh đạo đất nước, ông Biden dường như đang quay lại vạch xuất phát trong lời hứa đưa nước Mỹ rút khỏi những cuộc chiến vô tận ở Trung Đông.

"Ông Biden cuối cùng vẫn trở thành tổng thống Mỹ thứ tư liên tiếp ra lệnh tập kích Yemen, viết tiếp hai thập kỷ sai lầm của phương Tây chỉ biết oanh tạc đất nước nghèo nhất Trung Đông", Mohamad Bazzi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cận Đông thuộc Đại học New York, bình luận.

Tags:
Quang Lê lại mua nhà mới cả nghìn m2 tại Mỹ, sửa mất hơn 100 nghìn đô, rủ Mai Thiên Vân về ở chung

Quang Lê lại mua nhà mới cả nghìn m2 tại Mỹ, sửa mất hơn 100 nghìn đô, rủ Mai Thiên Vân về ở chung

Quang Lê chỉ từng phòng cho Thúy Nga và Mai Thiên Vân ở sau này, mỗi người một phòng, rộng rãi, đầy đủ nội thất.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất