18 điều đáng quý tôi học được ở New York

Có ai đó đã từng nói rằng trong cuộc đời con người, mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm và mỗi hành trình là một lần gặt hái được những bài học đáng giá. Điều này quả thực không sai! Bài viết này xin được chia sẻ những điều mà một du học sinh đã học được sau gần một năm đến học tập và sinh sống tại thành phố phồn hoa bậc nhất nước Mỹ – New York.

11:30 10/11/2020

Càng đơn giản càng tốt.

Điều này áp dụng cho hầu hết mọi khía cạnh như việc tiếp nhận thông tin, cơ hội, cách thể hiện, tích lũy kinh nghiệm hay quan hệ xã hội… Khi đến nơi đô thị náo nhiệt như New York, sẽ có vô vàn điều mới mẻ để cho bạn khám phá. Nhưng nếu như bị lạc lối trong biển thông tin, mê man mất phương hướng, cảm giác thứ gì cũng muốn; không thể chuyên tâm làm tốt từng việc cụ thể, luôn bận rộn quay cuồng sẽ dẫn đến hiệu quả không cao. Khi não bộ bị kích thích quá mức sẽ làm mất đi khả năng tư duy bình thường, cản trở việc đột phá những công việc mang tính thử thách, khi làm gì cũng trì trệ, kéo dài, đối phó cho xong. Khi xuất hiện những hiện tượng này, bạn cần phải cảnh giác, bởi cuộc sống của bạn đang bị kiểm soát bởi sự quá tải thông tin. Hãy đánh giá sự tương tác và xem điều gì thực sự hữu ích với bản thân. Rõ ràng, cơ hội dù nhiều nhưng không phải đều có giá trị với bạn. Lượng thông tin dù lớn nhưng rất nhiều thứ hoàn toàn không thật sự cần thiết, có nhiều thông tin lại tương đồng nhau và bạn sẽ mất không ít thời gian để tiếp nhận và phân loại. Cuộc sống này cũng vậy, cho dù bạn muốn làm nhiều việc, đi đến nhiều nơi, nhưng một ngày bạn chỉ có 24 giờ đồng hồ, do đó cần phải lựa chọn và tập trung vào đó. Nhất định phải học cách lọc thông tin, đưa ra sự lựa chọn lý trí, làm những việc quan trọng và chỉ làm một việc mỗi lần, về cơ bản thì càng đơn giản càng tốt, lựa chọn ít nhưng bạn sẽ nhận được nhiều hơn.

Người Mỹ nghĩ gì khi người Trung Quốc bỏ 800 đô để mua một bộ quần áo?

Người Mỹ cho rằng gia đình là số một, ngay cả tiền bạc và công việc đều phải nhường chỗ cho gia đình (Ảnh: Pixabay)

Bây giờ hoặc không bao giờ.

Không ít người hiện đại ngày nay bị mắc “căn bệnh trì hoãn”. Đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng tham lam muốn làm nhiều điều mà luôn bị trì trệ và không thể hoàn thành đúng hạn? Trên giá sách có rất nhiều cuốn sách hay đang chờ bạn đọc, trong hộp danh thiếp có hàng tá thông tin liên lạc cần được sắp xếp phân loại, trên danh sách ghi chú có vô số những việc cần làm, những nơi cần đến, những bộ phim nên đi xem… Có những việc nếu không làm ngay thì mãi mãi sẽ không làm. Nếu chờ đến sát thời hạn bạn mới hoàn thành, sẽ dễ dẫn đến việc làm qua loa và không thể tập trung đầy đủ vào đó. Nếu một vài việc trên danh sách cứ bị đùn đẩy trì hoãn do không quá quan trọng, vậy thì hãy xóa chúng khỏi danh sách cho nhẹ bớt, làm những việc quan trọng vào những thời điểm then chốt, đừng để chúng bị chôn vùi quên lãng. Nếu là việc thực sự trọng yếu nhưng có chút phức tạp và khó khăn khiến bạn cứ mãi trì hoãn không muốn bắt đầu, thì hãy chia nhỏ từng việc, đưa ra thời gian phù hợp với tình hình thực tế để tiến hành. Đồng thời, cũng nên thúc ép bản thân chấp hành nghiêm túc. Nếu như hôm nay không bắt tay vào công việc, rất có thể sẽ chẳng bao giờ bạn hoàn thành được.

Đối diện với thực tế.

Ở trường đại học, bạn cũng có thể học được rất nhiều điều “phũ phàng” khi phải đối diện với thực tế. Rất nhiều những điều kiện giả thuyết lung linh đều có thể bị hiện thực bác bỏ một cách vô tình. Chẳng hạn như chương trình giáo dục đồng nhất tưởng chừng như rất ưu việt nhưng sẽ không phù hợp cho mọi đối tượng sinh viên đến từ các khu vực khác nhau. Ngay cả khi bạn tốt nghiệp một trường đại học danh giá, thì không phải cơ hội và công việc hấp dẫn nào cũng sẵn sàng dang tay chào đón bạn. Do đó, cần phải biết nhìn nhận những hạn chế của bản thân, đừng với quá cao, làm những việc trong tầm tay của mình thì cuộc đời mới không phải thất vọng quá nhiều.

Không có gì hoàn hảo.

Chủ nghĩa hoàn hảo có thể khiến bạn mệt mỏi cả về thể xác lẫn tâm hồn. Khi cố gắng nỗ lực để đạt đến sự hoàn hảo mà cuối cùng không làm được, bạn dễ rơi vào trạng thái bi phẫn hay tức giận. Hơn nữa, đôi khi cứ mải đợi chờ và tìm kiếm sự hoàn hảo sẽ làm bạn đánh mất đi những cơ hội tốt khác. Cuộc đời chẳng bao giờ có thể hoàn hảo, cũng không nên hoàn hảo. Hưởng thụ trạng thái không hoàn hảo mới có thể làm mọi việc một cách thoải mái. Không lựa chọn điều kiện hoàn hảo, mà dù có không tốt đẹp thì cũng phải làm tốt nhất. Không hoàn hảo mới là đời thực.

Tránh những điều ba hoa sáo rỗng.

Không ít người do thụ nhận giáo dục suốt từ nhỏ mà đã hình thành thói quen nói lấp liếm cho qua, dùng những ngôn từ mơ hồ để lảng tránh. Thói quen ngôn ngữ này thể hiện thành hành động chính là chỉ nói mà không làm, không bận tâm đến những việc nhỏ nhặt. Có rất nhiều việc trông có vẻ đơn giản, thật ra không hề dễ dàng, thậm chí có nhiều khi chúng ta sẽ bị đánh bại bởi những tiểu tiết ấy. Có rất nhiều việc nếu không làm thì mãi mãi cũng không biết được chúng là gì, sẽ bị kéo dài bao lâu, mãi mãi cũng không thể biết được mình sẽ đối diện với những thử thách gì và nên dùng cách gì để giải quyết. Những người có thể làm được việc lớn chắc hẳn là người làm rất tốt những việc nhỏ nhặt và làm đến nơi đến chốn. Những lời nói xuất phát từ chính trải nghiệm của bản thân sẽ được đánh giá cao hơn những mỹ từ ba hoa xáo rỗng. Do đó, bạn nên tập thói quen nói ít làm nhiều, nói được thì phải làm được, đồng thời cố gắng làm cho thật tốt từ những việc nhỏ nhất.

Luôn học hỏi mọi lúc mọi nơi.

Học tập nếu chỉ bó hẹp trong sách vở, trong lý thuyết mà không chú trọng thực tiễn thì sẽ khiến bạn trở nên lạc lõng với hoàn cảnh xung quanh. Hãy coi thế giới là giảng đường, và mỗi cá nhân đều là một người thầy của bạn. Hãy tập cho mình thói quen học hỏi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, từ bất cứ ai hay chuyện gì: để tâm quan sát cuộc sống, khảo sát thói quen phong tục khi đi du lịch, suy ngẫm “vì sao” và tìm lấy lời giải đáp, hỏi thăm mọi người về công việc của họ. Thế giới chính là một quyển sách mở, việc học cũng không nên chỉ giới hạn trong giảng đường.

thành phố hạnh phúc, New York

Làm việc nghiêm túc, không qua loa đại khái đối phó cho xong.

Khi làm việc hay cộng tác với những người thực sự chuyên nghiệp, bao gồm cả giảng viên hay những nhà quản lý, điều họ muốn bạn thể hiện chính là thành quả đạt được nhờ hiệu suất làm việc cao nhất có thể. Nghiêm túc làm việc hay qua loa cho có, họ chỉ cần nhìn cách bạn thể hiện sẽ thấy được. Nếu như làm việc đối phó cho có, bạn sẽ không nhận được đánh giá cao và khó có thêm cơ hội lần thứ hai. Do đó, hãy cố gắng từ bỏ thói quen làm việc qua loa đại khái, bởi sai lầm này nếu tích tụ thời gian dài, mọi cơ hội chắc chắn đều sẽ tuột khỏi tầm tay bạn.

Mọi thứ đều có giá của nó.

Đây là điều mà người ta hay nói. Dùng thời gian đổi lấy tiền, hy sinh nguyên tắc vì lợi ích, hy sinh sức khỏe để thành đạt, hy sinh gia đình để tập trung cho sự nghiệp… Chỉ là có lúc chúng ta dễ dàng quên mất những cái giá ẩn sau đó, lợi dụng người khác mà còn cảm thấy bản thân được lợi, thật ra hiện nay những gì chúng ta không chịu hy sinh đều sẽ biến thành nợ tình. Nếu bạn không bỏ công sức thì không thu được điều gì cả. Giao dịch công bằng là điều tồn tại lâu bền nhất. Do đó, đừng tìm cơ hội để trục lợi từ người khác mà không chịu tự mình nỗ lực, bạn không biết được cái giá phải trả cho điều đó là như thế nào!

Đừng kết luận quá sớm.

Sống trong xã hội có nhịp sống nhanh, con người ta có xu hướng dùng tư duy giới hạn của bản thân để nhanh chóng đưa ra phán đoán, phê bình một người, một bài học, một ngôi trường hoặc một việc gì đó. Sự phán đoán nhanh này có thể sẽ tiết kiệm thời gian và sức lực, nhưng ban đầu rất dễ võ đoán, có thể gây tổn thương cho người khác. Về việc đối nhân xử thế, trước khi có đủ chứng cứ, đừng dễ dàng định luận, khi nói hãy có chừng mực, trong lòng cần có sự khách quan nhất định, yêu hay hận không phải trong tích tắc, tốt hay xấu cần thời gian để chứng minh.

Tự lực cánh sinh.

Tuy hoàn cảnh gia đình và thiên phú hết sức quan trọng, nhưng tự lực cánh sinh là cách duy nhất để thành công lâu dài. Nếu có thể tự mình tích lũy vốn và thành công, bạn có thể hoàn toàn độc lập không bị bất cứ ai kiểm soát… Nếu có thể kiên cường đến cùng thì khó khăn nào bạn cũng sẽ vượt qua. Hãy nghĩ xem, độc lập về cả tiền bạc, tinh thần và tình cảm thì bạn vẫn có thể sống tốt kể cả khi có tình huống nằm ngoại dự đoán xảy đến.

Tìm kiếm những cách giải quyết khác.

Tuy cuộc đời không hoàn hảo, nhưng bất cứ vấn đề nào cũng đều có cách giải quyết tốt nhất, mọi việc đều có phương thức để hoàn thành. Trước khi bắt đầu giải quyết vấn đề, nhất định phải dành thời gian để làm rõ mấu chốt của vấn đề, tìm ra cách hữu hiệu nhất, phù hợp nhất, trực tiếp nhất để giải quyết vấn đề, tìm đúng người để tìm đáp án. Nếu một con đường đi không được, đừng do dự đổi sang đường khác, đừng vì chìm đắm trong những suy nghĩ ban đầu mà tiếp tục phí công vô ích.

Tôn trọng thời gian của người khác.

Mỗi người đều có cách sắp xếp lịch trình riêng, và đôi khi thay đổi điều đó sẽ làm xáo trộn và gây phiền nhiễu không ít cho cuộc sống của họ. Do đó, những việc bản thân không muốn thì đừng làm với người khác, nhất là thay đổi về thời gian. Hãy học cách hẹn trước, cho người khác thời gian và không gian để phản ứng, vì vậy tin nhắn và thư điện tử là những cách liên lạc khá an toàn, nếu người ta không trả lời điện thoại, chắc hẳn là họ có có lý do chính đáng nào đó. Thế giới này không xoay quanh chúng ta, không có ai có nhiệm vụ cứ gọi là phải hồi đáp lập tức, chúng ta cần phải tôn trọng thời gian và kế hoạch của nhau. Ngay cả ngôn ngữ biểu đạt cần phải đơn giản súc tích, rành mạch rõ ràng, đừng phí lời mà làm lãng phí thời gian của người khác.

Đối xử tốt với bản thân.

Bạn đối xử với bản thân ra sao, người khác cũng sẽ đối xử với bạn như thế ấy. Không cần phủ lên người hàng hiệu, nhưng phải ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, mặc quần áo hợp với mình, tinh thần sảng khoái, tự tin và tự trọng. Nếu không chú trọng việc chăm sóc sức khỏe, ắt sẽ bại trận; tinh thần có sảng khoái thì mới có được cuộc sống vui vẻ lạc quan. Đừng làm cho bản thân trở nên bi thảm, hãy xuất hiện với hình tượng giống như chiếc túi được bơm đầy khí. Không khí như thế nào thì thu hút những người như thế ấy. Tôn trọng bản thân, bạn mới được người khác tôn trọng.

Cố gắng linh động nhất có thể.

Đời người căn bản là không thể lên kế hoạch trước được, có rất nhiều việc chúng ta suy nghĩ trước lại không diễn ra, còn nhiều vấn đề chẳng ngờ đến thì lại đột nhiên xuất hiện trước mắt. Dù thế nào thì khi một sự cố xảy đến, đôi khi bạn không thể quyết định được, nhưng nhất định bạn sẽ có trải nghiệm mới, hay thậm chí còn thay đổi cách nhìn đối với thế giới này. Điều duy nhất mà ta có thể làm được đó là giữ cho mình khả năng co được giãn được, thích ứng để thay đổi, không phụ thuộc vào vui hay buồn, không bị rối loạn vì những việc đột ngột xảy đến.

Đồng cảm.

Đây là một điều không dễ làm nhưng bạn nhất định phải học. Đồng cảm, nói đơn giản thì là thật lòng hiểu được cảm nhận của người khác, xem xét vấn đề trên góc nhìn của họ. Con người ta đều có xu hướng suy bụng ta ra bụng người, trải nghiệm của cá nhân mỗi người đều có hạn, cách nhìn thế giới và thế giới mà ta nhìn thấy cũng hoàn toàn khác nhau. Sự đồng cảm cần một tâm thái cởi mở và khả năng tưởng tượng, đây là một việc có tính thử thách. Nhưng một khi đạt đến được, bạn sẽ có thể hiểu được cách giao tiếp với đối phương cũng như tìm được cách giải quyết xung đột và mâu thuẫn tốt hơn.

Giữ vững giới hạn của bản thân.

Thế giới là một tổ hợp những phức tạp và hỗn độn. Mỗi cuộc gặp gỡ đều là một ván cờ, quá trình chơi cờ là không ngừng dò xét giới hạn của đối phương, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể hoàn toàn nắm bắt được đối thủ một cách toàn diện, vì vậy cũng đừng công khai cho đối thủ biết mọi thứ về mình. Có lẽ việc giữ vững giới hạn hoàn toàn không thể khiến bản thân thấy thoải mái tức thì, nhưng lại có thể khiến chúng ta có được sự tôn trọng, mà tôn trọng mới là niềm vui sau chót.

Tiếp tục chiến đấu, đừng dừng lại.

Mỗi ngày đều tràn đầy những sự thử thách, vì vậy không được dừng chiến đấu. Nghỉ ngơi lâu, những người phía sau sẽ đuổi kịp bạn. Trước khi hoàn thành một việc gì đó, đừng nghĩ đến những bó hoa, tiếng vỗ tay hay những lời tán thưởng. Cần xem nhẹ thành tựu và hào quang, những điều tiếp theo mới là thành quả tốt nhất. Không ngừng suy nghĩ về những điều mà bản thân có thể mang đến cho thế giới này, mục tiêu không được chỉ dừng lại ở “thể hiện tốt”, mà nên là “tôi thật sự được cần đến”.

Đừng lặp lại sai lầm.

Thất bại là mẹ thành công, sai lầm là người thầy tốt nhất, nhưng phạm sai lầm và thất bại đều là có cái giá. Thật ra những sai lầm mà chúng ta được phép phạm là có hạn, đa phần chúng ta chẳng qua là phạm cùng một sai lầm. Đừng nói đến việc bạn làm bao nhiêu việc đúng đắn, để có thể không lặp lại sai lầm đã là rất khó rồi. Vì thế, tổng kết lại mọi việc đã diễn ra rất quan trọng, cho dù chúng ta lãng quên rất nhiều điều mỗi ngày, nhưng không được quên những sai lầm mà mình không được phép tái phạm.

Cuộc đời còn dài và còn rất nhiều hành trình chờ bạn đến để khám phá! Và lời khuyên cuối cùng cho bạn chính là: Hãy trải nghiệm, sẽ hiểu tất cả!

Nguồn: BlogBảo Ngọc biên dịch

Tags:
Quan niệm dạy con của người Đức: Thừa kế bạc tỷ không hẳn là điều tốt

Quan niệm dạy con của người Đức: Thừa kế bạc tỷ không hẳn là điều tốt

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có rất nhiều trẻ em được cha mẹ quá nuông chiều, khiến trẻ thường thiếu khả năng tự chủ và sống độc lập, sau khi lớn lên bước ra ngoài xã hội thì năng lực thích ứng cũng sẽ rất kém.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất