Những du học sinh hối hận vì đến Mỹ
Hồi tháng 5, Oliver Philcox về nước sau khi Covid-19 khiến toàn bộ trường tại Mỹ phải học trực tuyến, nhưng giờ đây anh không biết quay lại thế nào.
08:00 14/07/2020
Philcox, du học sinh ngành vật lý thiên văn người Anh tại Đại học Princeton, nằm trong số hàng loạt sinh viên quốc tế đang hoang mang về khả năng quay lại Mỹ sau thông báo hôm 6/7 của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Theo thông báo được Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đưa ra, du học sinh tại Mỹ sẽ phải về nước nếu chương trình họ đang theo học chuyển sang dạy trực tuyến 100% vào mùa thu tới. Người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp và có thể bị trục xuất. Thay đổi này áp dụng với những sinh viên quốc tế theo học các chương trình có cấp bằng, chứng chỉ ở Mỹ đang giữ visa F-1 và M-1.
Theo dữ liệu từ báo cáo năm 2019 của tổ chức Trao đổi Giáo dục Quốc tế, kế hoạch của chính phủ Mỹ sẽ ảnh hưởng tới khoảng một triệu du học sinh nước ngoài. Trung Quốc là nước có số du học sinh tại Mỹ nhiều nhất, với khoảng 370.000 sinh viên vào năm 2018-2019. Ấn Độ đứng thứ hai với hơn 200.000 sinh viên.
Nhiều trường đại học coi đây là một động thái chính trị, gây áp lực nhằm buộc họ tái mở cửa thay vì tổ chức tất cả lớp học trên mạng. Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đã kiện chính quyền Trump, trong khi nhiều trường khác cố gắng trấn an sinh viên. Tuy nhiên, nhiều du học sinh vẫn lo lắng, bởi chính sách mới có nguy cơ làm xáo trộn cuộc sống và thay đổi tương lai của họ.
Một số người đang suy nghĩ lại rằng liệu việc họ lựa chọn theo học tại Mỹ, đất nước sở hữu nền giáo dục đầy chuyên môn và uy tín, có đáng hay không. Trong số đó có Macarena Ramos Gonzalez, một người Tây Ban Nha sắp hoàn thành chương trình tiến sĩ về sinh lý học ứng dụng tại Đại học Delaware.
"Theo nhiều cách, chính phủ Mỹ đã tỏ ý rất rõ rằng họ không muốn tôi tới đây. Nếu thực sự là như vậy, có lẽ tôi không nên đến đây ngay từ đầu", Gonzalez cho hay, nói thêm rằng quyết định mới cho thấy sự xa cách giữa tính đa dạng mà hầu hết trường đại học đang theo đuổi và một chính phủ quay lưng với mục tiêu đó.
Đối với một số sinh viên quốc tế, Mỹ là "thiên đường" bảo vệ họ khỏi tình trạng xung đột tại quê hương, hoặc đem đến giải pháp cho những người sống tại nơi cơ sở vật chất không thể hỗ trợ việc học từ xa. Tuy nhiên, cảm giác an toàn đó giờ đây bị đảo lộn.
Ifat Gazia, sinh viên tới từ Kashmir, Ấn Độ, đến Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái, sau khi chính phủ cắt mạng Internet nhằm kiểm soát tình hình căng thẳng tại khu vực tranh chấp với Pakistan. Mặc dù dịch vụ Internet đã được khôi phục hồi tháng 1, chỉ có sóng 2G là khả dụng, khiến ngay cả các cuộc gọi qua Skype cũng gần như bất khả thi, trong khi Gazia cần dùng ứng dụng Zoom nếu muốn tham gia học trực tuyến.
Sau khi tới Mỹ, Gazia thậm chí không thể gọi điện cho gia đình để họ biết rằng cô đã hạ cánh an toàn, bởi chính phủ Ấn Độ chặn cả dịch vụ điện thoại cố định và di động tại Kashmir. "Tôi từng thấy mình may mắn khi tới đây. Nhưng sau thông báo mới của chính phủ, tôi chỉ cảm thấy tuyệt vọng", Gazia nói.
Sinh viên người Ấn Độ chỉ ra rằng giáo dục bậc đại học thường là cách để Mỹ thu hút nguồn lao động chuyên môn cao. "Đó là yếu tố khiến trở nên vĩ đại. Tuy nhiên, rất nhiều người Mỹ nghĩ rằng chúng tôi chỉ đến đây để trục lợi từ đất nước họ. Họ không nhận ra rằng chúng tôi đã đóng góp nhiều như thế nào", cô nêu ý kiến.
Kunal Singh, người đang theo học tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, thậm chí không còn cách nào để trở lại quê hương Ấn Độ, bởi nước này đóng biên giới từ hồi tháng 3 nhằm ngăn nCoV lây lan.
"Nếu tôi biết trước chuyện như thế này sẽ xảy ra khi nộp đơn vào các trường của Mỹ, tôi sẽ từ bỏ quyết định đó. Thay vào đó, tôi sẽ đăng ký theo học tại Australia hoặc Anh", Singh cho hay.
Một số người cho rằng việc chịu đựng áp lực tài chính và nỗi căng thẳng để tiếp tục theo học tại Mỹ là sự đánh đổi không xứng đáng. Andres Jaime, phụ huynh của một nam sinh 19 tuổi tại Đại học Âm nhạc Berklee ở Boston, cho biết họ đã quyết định cho con trai nghỉ học ở Mỹ và trở về Colombia.
Jaime giải thích rằng họ từng đề nghị trường giảm học phí cho học kỳ tới "bởi trải nghiệm học trực tuyến khác với bình thường", nhưng bị từ chối. Kế hoạch của chính quyền Trump càng khiến họ thêm quyết tâm đưa con về nước.
Nhiều sinh viên cũng bắt đầu tính tới những lựa chọn khác, như Andy Mao, sinh viên ngành sinh học tại Đại học New York tới từ Thượng Hải, Trung Quốc. Thông báo được chính phủ Mỹ đưa ra giữa lúc nam sinh 21 tuổi này đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp năm cuối chương trình đại học.
Mao từng dự định học tiếp nhiều năm nữa tại Mỹ, bởi đây là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên, anh giờ đây còn cân nhắc tới các trường ở Canada và Singapore để tiếp tục con đường học vấn. "Tôi vẫn thích đất nước này. Nhưng nếu Trump tái đắc cử, chúng tôi sẽ đối mặt với sự bất định to lớn", Mao giải thích.
Trong một số trường hợp, du học sinh còn có vợ chồng hoặc con cái tại Mỹ, đồng nghĩa với việc cả gia đình phải rời đi theo quy định mới. Nhiều tình huống khó xử xuất hiện, như hoàn cảnh của Naette Lee, người phụ nữ 38 tuổi đang học tiến sĩ truyền thông tại Đại học Maryland.
Lee tới từ Trinidad và Tobago, sống cùng chồng người Bỉ và bé trai sinh ra tại Mỹ, nên mang quốc tịch Mỹ. Họ sẽ không thể tới châu Âu cùng nhau, bởi khu vực này vẫn cấm nhập cảnh đối với hành khách tới từ Mỹ. Nếu Lee chọn cách trở về Trinidad và Tobago, chồng con cô cũng không thể đi theo, do nước này cấm người nước ngoài nhập cảnh để ngăn nCoV.
Nhiều sinh viên thậm chí còn đang chật vật tìm hiểu liệu họ có bị ảnh hưởng bởi chính sách mới hay không, đặc biệt là những người tập trung vào nghiên cứu ở các bậc học cao. Họ thường không có các lớp học trực tiếp, mà thay vào đó là nghiên cứu độc lập.
Hồi tháng ba, Kelsey Bryk, người phụ nữ Canada 29 tuổi, rời Đại học Delaware và lái xe 26 giờ để về quê nhà tại thành phố Winnipeg. Cô dành 4 năm qua để theo đuổi bằng tiến sĩ, nhưng giờ đây có khả năng không thể trở lại Mỹ. "Tôi đã đầu tư rất nhiều tiền và công sức, rồi lại đứng trước nguy cơ đổ bể", Bryk nói.
Đại học Delaware đang cố gắng tìm cách đảm bảo sinh viên quốc tế có thể ở lại, nhưng triển vọng vẫn rất mơ hồ. "Ngay bây giờ, tôi không nghĩ có bất cứ ai trả lời được mọi câu hỏi. Chúng tôi chỉ còn biết chuẩn bị tâm thế cho điều tồi tệ nhất và cố gắng nuôi hy vọng", Bryk cho hay.
Mỹ chìm sâu trong 'hố đen' Covid-19
Mỹ ngày càng lún sâu trong cuộc khủng hoảng Covid-19, khi quốc gia này ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt 60.000.