Những đứa trẻ sống cảnh 'không nhà' ở Mỹ
Hơn 114.000 đứa trẻ ở New York sống vạ vật trong những căn phòng chật chội tạm bợ, trường học là nơi ổn định duy nhất.
00:00 23/05/2021
Darnell, 8 tuổi, đang sống trong một khu nhà tạm dành cho người vô gia cư ở thành phố New York, mỗi ngày đi tàu điện ngầm hơn 24 km để tới trường. Sandivel (thường gọi là Sandy), một đứa trẻ vô gia cư 10 tuổi, đã phải chuyển nhà 7 lần chỉ trong 5 năm và phải san sẻ phòng ngủ chật chội với mẹ và 4 anh em trai.
Số trẻ em trong độ tuổi đến trường ở New York phải sống trong các nhà tạm hoặc nhà trọ đã tăng khoảng 70% trong vòng một thập kỷ. Số học sinh vô gia cư, sống trong các căn phòng tồi tàn, không an toàn trong vài tháng trước khi phải chuyển tới một địa điểm khác ước tính đã lên tới 114.085. Trường học có lẽ là nơi ổn định nhất đối với chúng.
Theo chân Darnell và Sandy từ sáng sớm tới tối mịt, các phóng viên New York Times đã có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống hàng ngày của hai đứa trẻ "không nhà".
Sandy thường thức dậy trước 6 giờ sáng mỗi ngày. Trong căn phòng ngủ chật chội được sơn màu xanh da trời, dán đầy những poster về cựu tổng thống Barack Obama và Đức mẹ Mary, Sandy ngủ chung giường với mẹ, Maria, và em trai út, Jonni. Ba anh em trai còn lại ngủ cùng nhau trên một tấm đệm đặt trên sàn. Các không gian khác như phòng bếp, phòng tắm đều phải chia sẻ với một gia đình 4 người khác sống cùng nhà.
"Có nhiều người cùng sống ở đây, nhưng họ đối xử rất tốt với cháu", Sandy cho biết.
Những nơi Sandy từng sống trước đây không thoải mái như vậy, nơi thì suýt xảy ra giết người, nơi thì bị người ở cùng nhà không cho dùng khu bếp khiến mẹ con Sandy phải ăn trong phòng ngủ.
Bữa trưa của Sandy hôm nay là một túi bánh phô mai, món ăn vặt mà mẹ mới mua rất nhiều ở siêu thị Costco. 5 đứa trẻ cầu nguyện rồi bước ra khỏi nhà, trước mắt chúng là một giờ đồng hồ di chuyển từ Bensonhurst, Brooklyn đến Lower East Side, Manhattan.
Maria đang cố gắng tìm một công việc ổn định khi số tiền tiết kiệm ít ỏi dần cạn kiệt. Cô phải chăm lo cho 5 đứa con và trang trải khoản tiền thuê nhà 700 USD mỗi tháng.
Maria phải đưa các con đi học và đón chúng về mỗi ngày, nên cô cần một công việc ban ngày có thời gian cố định.
Những đứa con của Maria đã vào học trường công số 188 sau khi cô chạy trốn cuộc hôn nhân bạo lực và chuyển tới khu tạm trú dành cho các phụ nữ có hoàn cảnh giống cô ở khu Manhattan. "Mẹ con tôi đã cùng nhau vượt qua, và quên đi tất cả", Maria chia sẻ.
Trong khi đó ở quận Queens phía đông thành phố New York, cậu bé Darnell đã trễ chuyến xe bus tới trường dù chưa tới 6h30. Sherine, mẹ của Darnell, gọi với theo chiếc xe bus nhưng nó không dừng lại.
Tối qua, cả gia đình đã phải ở đồn cảnh sát vì chiếc điện thoại của Sherine bị đánh cắp. Họ trở về nhà đã quá nửa đêm và chỉ vừa chợp mắt được vài tiếng.
Bị trễ chuyến, Darnell phải ngồi 90 phút tàu điện ngầm từ khu nhà tạm ở Jamaica thuộc quận Queens tới trường ở East Harlem ở Manhattan.
Nơi ở của Darnell cách rất xa trường học, nhưng nó an toàn và rộng rãi hơn căn phòng chật chội ở nhà bà ngoại mà cậu bé từng sống cùng mẹ và hai đứa em. Darnell đang học lớp 4 và đã từng chuyển trường 4 lần.
Đã từ rất lâu, Sherine chưa từng có một ngôi nhà của riêng cô. Cô được bà ngoại nuôi đến năm 12 tuổi và phải tự lập sau đó. Năm 18 tuổi, cô chuyển tới sống trong một khu nhà tạm trú, và kể từ đó đến nay, cô liên tục ở các khu tạm trú như vậy.
Sherine, 35 tuổi, có 8 người con, trong đó 5 đứa lớn không còn sống cùng sau khi cô bỏ người chồng bạo lực. Sherine mới đây được nhận làm nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, và hy vọng sẽ sớm có tiền mua một căn nhà riêng.
"Đáng lẽ không đứa trẻ nào phải lớn lên trong khu tạm trú", Sherine cho biết.
Quay trở về với Sandy, lớp học buổi chiều là nơi tuyệt vời nhất với cô bé. Sandy rất yêu quý giáo viên của mình, luôn ghi bài đầy đủ, tỉ mỉ, và ghi lại tất cả cuốn sách đã học qua.
Tuy nhiên, Suany Ramos, hiệu trưởng trường của Sandy, vẫn rất lo lắng cho cô bé. Cô Ramos cảm thấy thất vọng khi ngôi trường này chỉ có một nhân viên xã hội, trong khi có khoảng một nửa là học sinh vô gia cư.
"Không có ai quan tâm Sandy và nói rằng 'Cô bé cần được giúp đỡ'", cô Ramos chia sẻ và lo lắng rằng Sandy sẽ bị tổn thương khi ít được quan tâm.
Trước lời kêu gọi của nhiều nhà hoạt động, Thị trưởng New York Bill de Blasio đã quyết định bổ sung thêm 31 nhân viên xã hội chuyên chăm sóc học sinh vô gia cư trong năm học này, nâng tổng số nhân viên xã hội tại các trường học lên 100 người. Chi phí cho 100 nhân viên này vào khoảng 14 triệu USD một năm, trong khi ngân sách giáo dục hàng năm của New York là 24 triệu USD.
Tuy nhiên, tại trường công số 76, mọi chuyện có vẻ không dễ dàng với Darnell. Cậu bé đã được hiệu trưởng Charles DeBerry gặp nói chuyện riêng sau khi xảy ra xô xát với một nhóm bạn cùng chơi bóng. Thầy DeBerry cho rằng cần có thêm cố vấn tâm lý để giúp khoảng 30% học sinh vô gia cư ở ngôi trường này.
Sau bữa trưa, Darnel bực bội hối thúc một bạn cùng lớp nên bị cậu ta đẩy ngã xuống sàn. Cô giáo của Darnell đã gọi cho cố vấn tâm lý khi thấy cậu bé khóc trong lớp.
"Cháu chưa chạm vào cậu ấy", Darnell cho biết.
Sau đó cả hai cậu bé được yêu cầu xin lỗi nhau. Darnell nói với cố vấn tâm lý rằng cậu cảm thấy chán và không muốn quay trở lại lớp.
Trường học có lẽ không phải một nơi thú vị với một cậu bé lớp 4 như Darnell khi cậu bé gặp khó khăn với việc học, đặc biệt là môn đọc. Một thống kê cho thấy hơn 70% học sinh vô gia cư bị trượt trong kỳ thi tiếng Anh năm ngoái, và chưa tới 60% tốt nghiệp các trường trung học phổ thông trong thành phố.
Darnell chỉ tìm thấy cảm hứng với môn tin học, nơi cậu bé thể hiện được sự nhanh nhạy với các bài tập toán như ghép nối hoặc điền bảng cửu chương. Thời gian còn lại của buổi học chiều, Darnell chỉ ngồi xoay ghế và suýt vướng vào một vụ ẩu đả khác. Sau giờ học trên lớp, Darnell có thêm ba tiếng học thêm, nhưng trong đầu cậu bé chỉ có bóng bầu dục.
Sau ngày học, Jesus, người anh trai 15 tuổi của Sandy, đến nhà giáo dục thể chất của trường công số 188 để đón các em và cho chúng tắm giặt ở đây trước khi về. Đối với những đứa trẻ này, xe buýt giống như thư viện, nơi chúng có thể làm bài tập về nhà.
Mấy đứa trẻ gặp và ôm chầm lấy mẹ ở Quảng trường Union rồi cùng nhau trở về nhà bằng tàu điện ngầm. Maria đưa một thanh Kit-Kat cỡ lớn cùng một chai nước giải khát cho 5 đứa trẻ chia nhau.
Đúng 6 giờ tối, Darnell sẵn sàng cùng em trai, Thomas, chuẩn bị luyện tập bóng bầu dục. Darnell rất nghe lời huấn luyện viên và luôn lắng nghe kỹ từng hướng dẫn trước khi tập.
Sherine luôn đồng hành cùng các con, đón chúng ở trường, chỉnh lại trang phục và đưa chúng đến sân tập cách đó vài dãy nhà. Sau nhiều năm luôn bị bạn bè bắt nạt, Darnell giờ đã có những người bạn đầu tiên nhờ chơi bóng.
"Tôi rất vui khi thằng bé giờ đã an toàn hơn, nhưng tôi mong có nhà riêng để bạn bè của con có thể ghé chơi". Sherine chia sẻ và giọng trở nên nghẹn ngào. "Tôi cảm thấy mình là một người mẹ tồi. Đáng lẽ tôi phải cho chúng được mọi thứ chúng cần". Đây cũng là nỗi lòng của hàng nghìn gia đình vô gia cư ở New York.
Kết thúc buổi tập, anh em Darnell đã thấm mệt và đói. Sherine cùng các con trở về nhà và hy vọng trong số thức ăn còn lại vẫn còn một chút thịt gà cho chúng.
Trong khi đó, Sandy đang ngắm nhìn bầu trời chuyển dần sang tối và hy vọng cả nhà có thể ngồi xem "Cake Boss" hoặc "Tom và Jerry" bằng chiếc tivi nhỏ đặt trên hai chiếc tủ quần áo.
Sau đó, tất cả họ sẽ chìm vào giấc ngủ và thức dậy vào sớm mai để bắt đầu một ngày mới giống như bao ngày khác.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)
Tàu tuần duyên Mỹ loại biên đã sơn quốc kỳ Việt Nam
Hình ảnh do báo Mỹ công bố cho thấy tàu tuần duyên John Midgett đã mang lớp sơn mới, kèm số hiệu 8021 và quốc kỳ Việt Nam.