Những kịch bản chưa biết về cơn ác mộng COVID-19 dưới thời Trump
Nhật báo The Washington Post hôm Thứ Hai, 21 Tháng Sáu, cho biết họ nhận được bản thảo của cuốn sách “Nightmare Scenario: Inside the Trump Administration’s Response to the Pandemic That Changed History” (tạm dịch là “Cốt lõi của kịch bản về cơn ác mộng đại dịch thời Trump làm thay đổi lịch sử”) trước ngày phát hành chính thức, 29 Tháng Sáu.
12:00 23/06/2021
Cuốn sách hứa hẹn một loạt những điều chưa biết bên trong cuộc chiến chống COVID-19 của Tòa Bạch Ốc trong suốt năm 2020.
“Các cuộc xét nghiệm (COVID-19) đang giết chết tôi. Tôi sẽ thua trong cuộc bầu cử vì các cuộc xét nghiệm. Tay ngu xuẩn nào yêu cầu viên chức chính phủ liên bang phải đi xét nghiệm vậy?” cựu Tổng Thống Trump không ngừng gào lên trong điện thoại với ông Alex Azar, lúc đó là bộ trưởng Bộ Y Tế, vào ngày 18 Tháng Ba, 2020.
Từ đầu dây bên kia, ông Trump la lớn đến mức các cộng sự của ông Azar nghe rõ từng từ một, và tất cả được hai ký giả của The Washington Post ghi lại.
Sự thật về năng lực quản lý yếu kém của chính quyền Trump, những nhận định phản khoa học, hỗn loạn, kèm theo sự điên cuồng chính trị hóa COVID-19 và kết quả là hơn 400,000 người Mỹ thiệt mạng, tính đến ngày vị tổng thống thứ 45 rời Tòa Bạch Ốc, được hai ký giả của The Washington Post là Yasmeen Abutaleb và Damian Paletta tổng hợp và ghi nhận.
Cuốn sách được viết dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 180 người, bao gồm cả nhân viên cao cấp của Tòa Bạch Ốc và giới chức y tế hàng đầu của quốc gia. Theo tờ báo, những cuộc phỏng vấn “lật tẩy” một thời kỳ mà vai trò của người lãnh đạo bao phủ và cản trở hợp tác từ các nhà khoa học, sự bất lực của nhiều tiếng nói cố gắng ngăn chặn ông Trump hành xử theo bản năng tồi tệ nhất của ông để đạt mục tiêu quan trọng là tái tranh cử.
Ông Trump cho rằng chính phủ Mỹ không bao giờ nên tham dự vào các cuộc xét nghiệm, và tranh cãi với ông Azar rằng vì sao Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) lại cứ muốn truy tìm dấu vết các ca lây nhiễm.
Tháng Hai, 2020, trước khi virus bùng nổ thành đại dịch ở Mỹ, trong một phiên họp tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump tỏ ý đưa những người Mỹ bị nhiễm COVID-19 ở ngoại quốc đến một hòn đảo thuộc quyền sở hữu của Hoa Kỳ.
“Chẳng phải chúng ta sở hữu một hòn đảo hay sao? Vì sao không sử dụng đảo Guantanamo? Chúng ta nhập cảng hàng hóa chứ không nhập virus?,” ông Trump được trích lời nói.
Sau khi nghe, các phụ tá ở Tòa Bạch Ốc “sững sờ,” theo tiết lộ của hai tác giả cuốn sách. Cho đến khi ông Trump lặp lại ý kiến trên lần thứ hai, họ phải nhanh chóng “suy nghĩ về ý tưởng” đó, và đương nhiên, họ phải lo lắng về phản ứng của người dân nếu cách ly người Mỹ trên lãnh thổ của vùng biển Caribbean, nơi Hoa Kỳ giam giữ các nghi can khủng bố.
Vẫn theo The Post, cuốn sách mới tiết lộ những ngày tháng ông Trump luôn tìm cách “đảo ngược tình thế” khi tiếp nhận tin tức liên quan đến COVID-19. Chưa hết, trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng” đó, nhà lãnh đạo Mỹ còn phải vật lộn với chính mình khi ông bị nhiễm COVID-19. Sự thật về sức khỏe của ông Trump trong thời gian nhiễm COVID-19 cũng sẽ được phơi bày trong cuốn sách sắp phát hành.
Hai nhà báo nhận ra được cơn thịnh nộ của ông Trump làm các giới chức cao cấp chính phủ và những người có trách nhiệm chuyên môn bối rối, mất tập trung trong việc đối phó đại dịch. Cuối cùng, cuộc chiến chống COVID-19 của nước Mỹ bị chậm lại đáng kể. Đó là những lúc, bằng linh cảm chứ không phải từ cố vấn chuyên môn, ông Trump đưa ra những quyết định nhất thời, không theo hướng dẫn từ các khoa học, không giúp ngăn cản sự bùng phát dịch bệnh trong nước.
Ông Robert Kadlec, phụ tá bộ trưởng Bộ Y Tế, là người ký vào lệnh đưa 14 công dân Mỹ trên du thuyền Diamond Princess về Mỹ và cũng là người chịu trách nhiệm mua 600 triệu khẩu trang vào cuối Tháng Ba, 2020, bị ông Jared Kushner, con rể và là cố vấn cao cấp của ông Trump, mắng vào mặt bằng lời lẽ rất nặng nề: “Ông là thằng khốn đê tiện!” (“You f—ing moron!”).
Sở dĩ ông Kushner phản ứng như vậy vì ông Kadlec cho biết số khẩu trang này đến Tháng Sáu mới có.
Cuốn sách kể ra rõ từng hành động cử chỉ hung hãn của ông Kushner lúc đó, ví dụ như ông ném cây viết vào tường và hét lên: “Tất cả chúng ta sẽ chết trước Tháng Sáu.”
“Phụ họa” cho cơn giận của ông Kushner là ông ông Mark Meadows, người do ông Trump chọn làm chánh văn phòng một cách “tùy hứng,” không báo trước, thay thế ông Mick Mulvaney, ngày 6 Tháng Ba. Ông Meadows cũng liên tục hét lớn với ông Kadlec: “Tôi sẽ đuổi cổ ông nếu ông không giải quyết tốt đẹp chuyện này!” Lúc đó, chính phủ liên bang đang gặp trở ngại trong việc điều phối thuốc remdesivir mà FDA đã chuẩn thuận cho điều trị COVID-19.
Trong cuốn sách, người đọc sẽ tìm thấy cả những tình huống rất nhỏ, nhưng lột tả được rõ nét tính chất trọng tâm trong phản ứng của chính quyền Trump – những điều (đã) dẫn đến những sự việc diễn ra không theo bất kỳ quy chế hành chính nào.
Một ví dụ về trường hợp thông báo của Tòa Bạch Ốc vào Tháng Hai, 2020, rằng bà Debbi Brix (có thể) sẽ giữ vai trò điều phối viên Tòa Bạch Ốc ứng phó với COVID-19. Nhưng bà Brix, vốn là một chuyên gia lâu năm về bệnh truyền nhiễm, một cựu sĩ quan quân đội, lại là người “không bao giờ tìm cách sửa chữa sai lầm, ngay cả khi sai lầm đó bị lặp lại,” theo hai ký giả.
Một hình ảnh khó quên của bà Brix là trong cuộc họp báo hàng ngày ở Tòa Bạch Ốc nói về COVID-19, bà ngồi im lặng, “thẫn thờ,” ánh mắt xa xăm khi nghe ông Trump chỉ ra cách tiêm thuốc tẩy vào cơ thể để chống lại virus.
Khi sự tín nhiệm dành cho Bác Sĩ Anthony Fauci tăng lên và lòng tin của công chúng đối với các bác sĩ, chuyên gia khác giảm mạnh, các đồng minh của bà Brix và ông Robert Redfield, giám đốc CDC, cho rằng ông Fauci không bị công chúng trừng phạt vì sai lầm của chính ông, trong đó có cả việc khuyên người dân không cần mang khẩu trang, dù ông đã thay đổi ý kiến chuyên môn vài tuần sau đó.
“Những phản ứng đó là biến (Tòa Bạch Ốc) thành một môi trường độc hại, một nơi mà khi quý vị quay đầu bất kỳ chỗ nào, cũng có ai đó sẵn sàng kéo đầu quý vị lại hoặc đe dọa sa thải quý vị,” hai ký giả của The Post viết trong cuốn sách.
“Nightmare Scenario” còn ghi lại những kịch bản bi hài khác như cựu Phó Tổng Thống Mike Pence – một người hoàn toàn không có chuyên môn về y tế, dịch tễ, lại trở thành “tham mưu trưởng” lực lượng tác chiến chống COVID-19 của Tòa Bạch Ốc vào cuối Tháng Hai, 2020, thay thế ông Azar.
Trong những ngày kế tiếp đó, ông Pence và ông Marc Short, chánh văn phòng của ông, tập trung vào tác động của kinh tế, chính trị từ cách đối phó dịch bệnh của chính phủ. Tuy nhiên, theo cuốn sách, ông Short từng nhiều lần phàn nàn cựu Tổng Thống Trump không thể kềm chế phản ứng bốc đồng của ông khi lắng nghe ý kiến các chuyên gia y tế cộng đồng, đặc biệt là sự kiện ông Trump mở cửa kinh tế vào dịp lễ Phục Sinh 2020 khi đại dịch chưa được khống chế.
Trong những ngày nước Mỹ ngụp lặn trong cuộc chiến chống COIVD-19, ông Short cũng là người phản đối nỗ lực của Bộ Y Tế tặng khẩu trang miễn phí cho mọi gia đình Mỹ. Một số giới chức cao cấp còn so sánh việc mang khẩu trang chẳng khác nào “quấn đồ lót lên mặt” và “trông chẳng khác gì cái nịt ngực.”
Truyền thông Mỹ gần như bị sốc với hình ảnh ông Trump vội vã tháo khẩu trang khỏi mặt khi ông vừa từ quân y viện Walter Reed về đến Tòa Bạch Ốc sau hai ngày điều trị COVID-19.
“Một trong những sai lầm lớn nhất trong phản ứng của chính quyền Trump là không một ai đứng ra chịu trách nhiệm,” theo hai tác giả của cuốn sách. Hai ký giả đặt câu hỏi đó có phải là bà Brix không? Hay đó là ông Pence? Hay đó là ông Trump – vị thủ lĩnh? Hay đó là ông Kushner, người đứng phía sau “lực lượng tác chiến” cho đến ngày nhóm này bị tan rã? Hay đó là ông Marc Short, ông Mark Meadows, những người luôn tạo mâu thuẫn và không bao giờ hợp tác với nhau?
“Cuối cùng, không có ai chịu trách nhiệm và những phản ứng đó là vô phương hướng,” hai tác giả kết luận.
Cuối cùng, thảm kịch và dư chấn tàn khốc của một đại dịch (có lẽ sẽ còn kéo dài) không có người chịu trách nhiệm, cho đến khi có người đứng ra ngăn chặn tiến trình lây lan (dù khá muộn).
Cuối cùng, “Nightmare Scenario” đúng là đã thay đổi lịch sử của một giai đoạn của nước Mỹ, và thay đổi cả tham vọng “Make America Great Again.” [đ.d.]
Tỷ giá ngoại tệ ngày 21/6: USD tăng giá
USD tiếp tục tăng giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phát tín hiệu cho thấy họ không còn đảm bảo cho chính sách ôn hòa sẽ tiếp tục tồn tại tới hết năm 2023.