Những lầm tưởng của du khách về Trung Quốc
Phải biết tiếng Trung, món ăn nhiều dầu mỡ, ở đâu cũng chen lấn là những lầm tưởng của người nước ngoài về Trung Quốc khiến số đông ngại du lịch tự túc tới đây.
10:46 03/09/2023
Độc giả Trịnh Hằng (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm du lịch Trung Quốc sau hành trình hồi tháng 6.
Trung Quốc là nơi hút khách du lịch hàng đầu châu Á nhờ thắng cảnh phong phú và nền văn hóa đa dạng với lịch sử lâu dài. Tuy vậy, nhiều người sợ không thể tự túc đến nước này vì có quá nhiều rào cản, mà phần lớn chỉ là hiểu lầm.
Phải biết tiếng Trung
"Nghe đồn" người Trung Quốc ít nói tiếng Anh nên đa số du khách ngoại quốc ngại du lịch tự túc vì sợ không thể giao tiếp, mua bán với cư dân bản địa. Trên thực tế, đúng là tiếng Anh không phủ sóng rộng khắp trong giao tiếp hàng ngày của người Trung Quốc, nhưng đó hoàn toàn không phải là rào cản. Đại đa số người dân đều có điện thoại thông minh và sẵn sàng dùng các ứng dụng (app) dịch thuật để trò chuyện với người nước ngoài, với một thái độ rất nhiệt tình và kiên nhẫn.
Bên cạnh đó, hầu hết các biển tên đường phố, bảng chỉ đường, bảng thông tin hướng dẫn ở các sân bay, nhà ga, bến bãi, điểm du lịch, trên tàu xe đều có "phụ đề ", du khách hoàn toàn có thể tìm hiểu dù không hề biết một chữ tiếng Trung nào. Các website du lịch đa số đều có tiếng Anh và có file hướng dẫn, bản đồ để du khách download về điện thoại.
Đồ ăn cay, mặn và nhiều dầu mỡ
Nền ẩm thực Trung Hoa phong phú bậc nhất châu Á. Các món ăn ở đây có thể chiều lòng từ những người thích đồ ngọt, đồ mặn, đồ chua, hoặc chỉ ưa ăn nhạt, chỉ ăn chay, tới những tín đồ của món gỏi, hầm, canh, chiên, nướng, lẩu. Trung Quốc còn nổi tiếng với danh sách dài các món hấp cách thủy thanh đạm không dầu mỡ, được chế biến từ cầu kỳ đến giản đơn, từ đắt đỏ đến bình dân.
Du khách thích ăn mỳ, có đến hàng chục loại mỳ; du khách chỉ ăn cơm, có hàng trăm món để ăn với cơm; nếu không thích mỳ không thích cơm thì có thể thử vô số món hấp dẫn khác được bán trên đường phố. Thậm chí bạn có thể đi liền hai tuần mà không bữa nào trùng với bữa nào. Nếu bạn không thích cay, không thích dầu mỡ thì hoàn toàn có thể gạt bỏ các món đó ra khỏi lựa chọn của mình mà không hề sợ đói. Ngoài ra, có vô số cửa hàng bán đồ Âu, Nhật, Hàn, Thái, Lào... để bạn thưởng thức. Một suất ăn trung bình trên đường phố là 20-40 nhân dân tệ (65.000 đồng đến 132.000 đồng).
Môi trường ô nhiễm
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc có nhiều biện pháp cải thiện môi trường. Trên đường phố hầu như không thấy rác, nước thải hoặc đường dây diện chằng chịt. Các thành phố lớn gần như cấm hoàn toàn xe máy chạy xăng, chỉ có xe đạp, xe máy điện, ngoài ra một tỷ lệ lớn cư dân di chuyển bằng tàu điện ngầm, xe buýt (cũng là xe điện), ôtô cá nhân chạy điện, và không mấy ai bấm còi, nên môi trường tương đối dễ chịu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đa số các đô thị đầu tư trồng cây xanh và quản lý cảnh quan chặt chẽ. Không thấy một băng rôn, khẩu hiệu, biển quảng cáo, mái tôn, mái nhựa, bảng inox, bàn ghế nào được bày ra bên ngoài hoặc treo mắc trên cây, trên cột điện hoặc dải phân cách, do đó du khách cảm thấy thoải mái khi dạo chơi trên đường. Đặc biệt ở các phố đi bộ, dịch vụ được tổ chức rất chuyên nghiệp, vỉa hè và lòng đường đều sạch sẽ thoáng đãng, là nơi thu hút đông khách du lịch.
Đông đúc chen lấn
Những tấm ảnh biển người chen chúc tại nhà ga, bến tàu và các khu du lịch, hoặc hàng xe nối đuôi nhau nhiều km mỗi kỳ "xuân vận" (nghỉ Tết Nguyên đán) khiến du khách nước ngoài ám ảnh về mức độ đông đúc ở đất nước tỷ dân. Sự thật là có những điểm du lịch rất đông, nhưng không có tình trạng chen lấn xô bồ, mất trật tự hoặc mất an toàn. Đa số người Trung Quốc đều có ý thức xếp hàng một cách bình tĩnh, dù chỉ là để mua vài cái bánh. Camera giám sát được gắn khắp nơi nên du khách không cần lo về chuyện mình sẽ bị móc túi, giật điện thoại hay bị lạm dụng.
Mặt khác, cũng có những nơi nổi tiếng mà vẫn thoáng đãng vắng vẻ, một phần vì ở xa trung tâm đô thị, phần khác có thể do không nằm trong chương trình của các công ty tour. Ví dụ ở Bắc Kinh có thể kể đến những công trình nổi tiếng và rất đẹp mà không đông như Minh Thập Tam Lăng (khu lăng mộ nhà Minh - di sản UNESCO), Thiên Đàn (di sản UNESCO), Di Hòa Viên (di sản UNESCO), Sân vận động Quốc gia (Sân vận động Tổ chim), Nhà hát lớn Quốc gia.
Hàng hóa giá rẻ
"Trông như đồ Tàu" là cách mà một số người thường hay đùa để nói về một món đồ giá rẻ chất lượng kém. Thực tế đúng là rất nhiều hàng hóa ở Trung Quốc có giá rẻ so với thế giới vì chi phí sản xuất rất thấp, nhưng không đồng nghĩa với việc chất lượng cũng thấp. Ngược lại nhiều món đồ chất lượng rất cao và giá không hề rẻ. Du khách yêu thời trang hoàn toàn có thể tham khảo các nhãn hàng nội địa Trung Quốc. Du khách thích đồ điện, điện tử công nghệ cao cũng có vô số lựa chọn từ các thương hiệu lớn. Đồ gia dụng còn phong phú hơn, nhiều món "hai mươi năm vẫn dùng tốt".
Đặc biệt nếu du khách thích đồ lưu niệm thì tại bất kỳ điểm tham quan nào cũng có thể mua đồ tốt, đồ đẹp về làm quà. Giá không rẻ hơn châu Âu hay Nhật Bản, khoảng 60.000 đồng đến 80.000 đồng một miếng dán tủ lạnh, móc chìa khóa hay bộ bưu thiếp, nhưng chất lượng và đa dạng. Các sản phẩm truyền thống Trung Hoa như đồ gốm sứ, tơ lụa, trà, điêu khắc gỗ càng không rẻ và cũng có rất nhiều chủng loại cho du khách lựa chọn.
Chuyện Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam: 25 tuổi bị mang tiếng vì mối tình tội lỗi, quyết định táo bạo và làm lại cuộc đời bên trời Tây
Chuyện về Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam luôn khiến nhiều người tò mò, tìm hiểu. Người xưa thường hay nói “hồng nhan bạc phận” quả thật không sai.