Những lần Trump trụ vững trước bão táp
Trump hứng nhiều rắc rối từ khi tham gia chính trị, như cáo buộc khinh miệt phụ nữ hay bị xem xét bãi nhiệm, nhưng đều vượt qua.
12:00 07/02/2020
Ngày 7/10/2016, một tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tờ Washington Post tung ra video quay hồi tháng 9/2005, khi Donald Trump, khi đó là một doanh nhân, chuẩn bị ghi hình chương trình Access Hollywood.
Trong video gây chấn động này, Trump dùng những từ ngữ tục tĩu, khoe khoang rằng mình có thể sờ soạng phụ nữ mà không gặp rắc rối và từng tìm cách quan hệ tình dục với một phụ nữ đã có gia đình. Trump khi đó là người chủ trì chương trình truyền hình thực tế "Người tập sự" đình đám.
"Khi anh là một ngôi sao, họ cho phép anh làm điều đó", ông nói. "Anh có thể làm bất cứ điều gì".
Tổng thống Mỹ Trump tại Phoenix tháng 8/2018. Ảnh: AFP.
Nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa lập tức lên án Trump, ứng viên tổng thống của đảng này lúc đó. Giới chuyên gia cho rằng bê bối sẽ nhấn chìm cơ hội vào Nhà Trắng của Trump, vì nó sẽ khiến ông mất phiếu bầu từ cử tri nữ.
Nhưng những dự đoán của họ cuối cùng đều sai. Dù hứng chịu "đòn giáng" đầu tiên từ khi bước chân vào chính trị, Trump vẫn đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016, thu được 52% ủng hộ trong cộng đồng nữ cử tri da trắng.
Ngày 12/8/2017, các nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, tân phát xít và bài Do Thái, vốn phát triển mạnh nhờ thông điệp chống nhập cư trong chiến dịch tranh cử của Trump, tập trung biểu tình tại Charlottesville, Virginia.
Những người phản đối quan điểm của họ cũng đổ về thành phố và đụng độ nổ ra giữa hai bên. Một người theo chủ nghĩa tân phát xít cố tình lao xe vào đám đông, khiến một phụ nữ 32 tuổi thiệt mạng. Phản ứng trước bi kịch này, Trump, người nhậm chức được gần một năm, nói rằng "có những người rất tốt" ở cả hai phe và hai bên đều có lỗi.
Phát ngôn của Trump khiến đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hoà chỉ trích mạnh mẽ vì không lên án tư tưởng phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng, vốn được coi là nguyên nhân chính khiến căng thẳng gia tăng. Tuy nhiên, sự phẫn nộ sớm phai nhạt và vụ này chìm vào quên lãng.
Sau một năm cầm quyền, Trump lại vướng vào rắc rối mới với phụ nữ. Sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, tháng 1/2018 nói rằng từng có quan hệ tình ái với Trump năm 2006, khi ông đã kết hôn với bà Melania. Daniles nói Trump đã trả tiền để cô giữ kín về mối quan hệ.
Luật sư lâu năm của Trump Michael Cohen sau đó thừa nhận đã trả cho Clifford 130.000 USD vài tuần trước cuộc bầu cử năm 2016. Tuy nhiên, trong khi Cohen phải ngồi tù vì vi phạm luật tài chính về chiến dịch tranh cử, Trump gần như không hề hấn, bê bối cũng không có tác động lớn đến người ủng hộ ông, ngay cả với những người bảo thủ sùng đạo.
Tháng 5/2017, cựu giám đốc FBI Robert Mueller được chỉ định làm công tố viên đặc biệt điều tra nghi vấn chiến dịch tranh cử của Trump thông đồng với Nga và Tổng thống cản trở công lý. Cuộc điều tra phơi bày một loạt sai phạm khiến nhiều cựu cộng sự của Trump, bao gồm Cohen, cựu quản lý chiến dịch Paul Manafort, cựu cố vấn hàng đầu Michael Flynn vướng vòng lao lý.
Trump liên tục công kích cuộc điều tra là "săn phù thủy" và nó đã phủ bóng lên Nhà Trắng trong suốt nửa đầu nhiệm kỳ.
Sau 18 tháng điều tra, Mueller tháng 3/2019 bác bỏ cáo buộc chiến dịch của Trump thông đồng với Nga. Công tố viên đặc biệt cũng không có đủ bằng chứng để kết luận Trump đã cản trở pháp lý. Kết cục này làm phe Dân chủ chưng hửng vì nhiều nghị sĩ đã kỳ vọng rằng báo cáo của Mueller sẽ là đòn bẩy để họ kêu gọi xem xét bãi nhiệm Trump.
Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ thời Richard Nixon không công khai hồ sơ thuế, lấy lý do chúng được Sở Thuế vụ kiểm toán.
Tháng 10/2016, New York Times tiết lộ Trump đã báo cáo lỗ hơn một tỷ USD năm 1995, có thể nhằm tránh trả thuế thu nhập trong hai thập kỷ.
Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đã đưa việc này ra tòa án để yêu cầu Trump công khai hồ sơ thuế và các tài liệu khác nhưng vấn đề này chưa ngã ngũ. Tổng thống từ chối đáp ứng yêu cầu của họ.
Rắc rối lại ập đến với Trump khi nội dung cuộc điện đàm ngày 25/7/2019 giữa ông và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bị tiết lộ. Ông bị phe Dân chủ cáo buộc thúc ép Ukraine điều tra cha con cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2020, đe dọa hiến pháp Mỹ, an ninh quốc gia và tính công bằng của bầu cử.
Trump sau đó trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị xem xét bãi nhiệm. Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ dẫn đầu hồi tháng một chuyển hai điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump lên Thượng viện.
Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát ngày 5/2 tha bổng Trump trong cả hai cáo buộc lạm quyền và cản trở quốc hội. Thực tế, nỗ lực xem xét bãi nhiệm của phe Dân chủ ngay từ đầu đã bị coi là "cố đấm ăn xôi" vì Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông - điều khó khả thi khi 53 trong số 100 thượng nghị sĩ là đảng viên Cộng hòa.
Trung tá về hưu Oliver North, một nhà bình luận chính trị kiêm sử gia quân sự Mỹ, cho rằng động thái của phe Dân chủ có thể phản tác dụng vì khiến người dân chán ngán với sự chia rẽ do phe Dân chủ gây ra và bỏ phiếu cho Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.
Các nghị sĩ Cộng hòa cũng đang thúc đẩy quan điểm này, mô tả phe Dân chủ đang "chơi xấu" để chặn bước Trump trong mùa bầu cử và khẳng định cử tri mới là người quyết định số phận của ông. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell tin rằng cuối cùng việc này sẽ có lợi cho đảng Cộng hòa.
"Phe Dân chủ nghĩ đây là một ý tưởng tuyệt vời. Ít nhất là trong thời gian ngắn thôi, đó thực tế là một sai lầm chính trị khổng lồ", ông nói.
Toàn văn Thông điệp Liên bang của Trump
Trump liệt kê thành tựu trong nhiệm kỳ Tổng thống và cam kết tiếp tục "khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại" khi đọc Thông điệp Liên bang 2020.