Những mối tình Việt - Nhật - Kỳ 2: 'Tôi phải về vì một tương lai Việt - Nhật'
“Tôi phải về Nhật vì một tương lai Việt Nam - Nhật Bản đoàn kết, Lộc cứ yên tâm ở lại”, đó là những lời cuối cùng ông Takazawa Tamiya, tên Việt Nam là Cao Thành Phương nói cùng vợ, cô gái Hà Nội tên Lương Thị Nhàn, thường gọi là Lộc.
07:00 07/06/2017
Bà Lộc năm nay 93 tuổi, hiện đang sinh sống tại khu tập thể Bộ Tài chính, phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội. Những cơn tai biến đã làm bà yếu đi rất nhiều, đi lại không còn vững nhưng trong tâm khảm, những năm tháng được đoàn tụ cùng người chồng Nhật Bản và các con ở Thái Nguyên, Bắc Kạn vẫn còn nguyên vẹn.
Bà Lộc hiện đã 93 tuổi
'Lộc cứ yên tâm ở lại'
Ông Cao Khánh Tường, 68 tuổi, con trai thứ 2 của bà Lộc kể lại: “Ba tôi sinh năm 1912, mẹ tôi kém ba một giáp (12 năm). Sau Cách mạng tháng 8, ba tôi gia nhập Việt Minh, hỗ trợ bộ đội ngay tại Hà Nội. Năm 1945, ba cưới mẹ tôi, khi đó là con của một gia đình khá giả, chuyên buôn bán gạo. Năm 1946, chị cả tôi ra đời, ba mẹ tôi bế chị lên chiến khu Việt Bắc. Ba tôi từng làm ngành y bên Nhật nên được phân về công tác ở Bệnh viện Thái Nguyên. Năm 1949, tôi cũng được sinh ra ở bệnh viện này”.
Ông Cao Thành Phương có thời gian làm quản lý xưởng dược liệu trong chiến khu Việt Bắc. Không chỉ là một thầy thuốc giỏi, chữa khỏi bệnh cho nhiều bộ đội Việt Nam, có thời gian ông Cao Thành Phương còn làm bên xưởng quân giới chuyên quản lý vũ khí, sau này, ông về làm việc tại xưởng ấn loát in tiền ở chiến khu Việt Bắc. Tùy công việc được cách mạng giao phó, gia đình ông di chuyển từ Thái Nguyên, sang Tuyên Quang sau cùng về Bắc Kạn. Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thành công, cũng là lúc gia đình ông chia ly đôi ngã.
Dù còn nhỏ, nhưng những ký ức về người cha vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người con Cao Khánh Tường: “Ba tôi cao lớn, ông nói và viết tiếng Việt rất thạo, chữ ông đẹp lắm. Ba vui vẻ, nhà tôi lúc nào cũng đông bạn bè của ba tới chơi, các chú bộ đội Việt Nam và người Nhật. Những khi rảnh, ba tôi thường mở những tập tranh ảnh ông mang theo bên người và nói với tôi: Đất nước của ba có nhiều trận động đất”.
Ông Takazawa đang trong xưởng chế tạo vũ khí
Ông Tường cũng nhớ mãi một kỷ niệm năm 1954, khi kháng chiến chống Pháp thành công, gia đình sống trong một căn nhà gạch 4 gian ở Bắc Kạn, phía sau còn có một hầm trú ẩn. Một hôm, có một người lính da đen (thuộc quân Pháp, đã đầu hàng Việt Minh, chờ ngày về nước) quý Tường, tặng Tường một chiếc ba lô đựng sách. Thấy vậy, bà Lộc ra quát lớn, bắt Tường trả lại. Người lính da đen ôm mặt khóc nức nở. Ông Cao Thành Phương sau đó từ tốn bảo với người vợ của mình: “Thôi em ạ. Họ cũng là con người, họ đã thua trận, cần được bao dung…”.
Tường lên 5 tuổi đã chứng kiến cuộc chia ly đầy nước mắt của ba và mẹ. “Trước ngày bố tôi đi Nhật, ông buồn lắm. Ông hay gọi mẹ tôi bằng tên và nhắc đi nhắc lại với mẹ: “Tôi phải về Nhật vì một tương lai Việt Nam - Nhật Bản đoàn kết, Lộc cứ yên tâm ở lại”. Hôm ấy là tờ mờ sáng mùa hè năm 1954, bố tôi đi trước, mẹ tôi bế Lệ, em út tôi theo sau, vừa đi vừa khóc như mưa, bố tôi bước xuống tàu, mẹ tôi trên bờ như ngã qụy”.
Ông Takazawa Tamiya năm 1956
Ông Cao Khánh Tường, con trai ông bà Phương
Chờ chồng
Năm 1954, chồng về Nhật, bà Lộc cũng bồng bế 4 người con từ Bắc Kạn về Hà Nội và mưu sinh bằng đủ thứ nghề, từ may vá tới nấu ăn cho cán bộ nhân viên Bộ Tài chính. Dần dần, bà Lộc tự học đánh máy và được làm việc trong phòng hành chính.
Nhớ thương chồng quay quắt, nhưng mãi đến năm 1956, bà Lộc mới nhận được lá thư đầu tiên của chồng gửi về từ nước Nhật xa xôi, thư viết: “Nhớ Lộc lắm! Thương Lộc lắm!”.
Một số lần ông Cao Thành Phương có gửi quần áo, bánh kẹo về cho các con ở Việt Nam, tuy nhiên liên lạc lơi dần, càng ngày những tin tức về cha của 4 người con càng mờ nhạt. Bà Lộc tỏ ra mạnh mẽ, không bao giờ khóc trước mặt các con, nhưng theo lời kể của người con trai tên Tường, bà Lộc nhiều đêm khóc thầm. Nhiều người đến hỏi làm vợ, bà Lộc chối từ tất cả.
Ông Takazawa cùng đội ở nơi bào chế thuốc
Nhiều chục năm đi qua, nhờ những người phụ nữ cùng có chồng là người Nhật về nước, bà Lộc nối lại được liên lạc với chồng mình, khi đó, ông Cao Thành Phương đã lấy vợ người Nhật được nhiều năm và có những người con riêng. Năm 1992, ông Phương nói trong thư muốn trở về Việt Nam định cư. Niềm vui được nhen nhóm trong lòng những người ở Việt Nam chưa được bao lâu, ngày 28.9.1993, ông Phương qua đời vì bạo bệnh.
Năm 1995, Mika, con riêng của ông Phương tới Hà Nội tìm gặp bà Lộc và nhắn gửi những lời trăn trối của cha mình. “Ba đến lúc chết vẫn thương nhớ mẹ Lộc. Trong bệnh viện ở ngoại ô Tokyo nơi ông làm việc treo đầy những tấm ảnh chụp mẹ Lộc và các con ở Việt Nam. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ba úp tấm ảnh mẹ Lộc lên ngực và nhắm mắt”, bà Lộc thuật lại lời của Mika.
Thúy Hằng
Những đạo luật 'buồn cười' nhất nước Mỹ nhưng vẫn tồn tại
Ngay cả ở Mỹ, một cường quốc hùng mạnh và luôn thuộc top đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực vẫn còn có những điều cực kỳ "điên rồ" và thậm chí có thể nói là .... lạc hậu bởi những điều luật kỳ quặc dưới đây.