Những món ăn ‘lạ’ người Mỹ gốc Việt đón Tết Tây
Người Mỹ gốc Việt tại khu Little Saigon có những lựa chọn khác nhau cho bữa Giao Thừa Tết Tây. Sự lựa chọn này thể hiện phần nào sự hội nhập của cộng đồng người Việt trên quê hương thứ hai.
05:11 01/01/2018
Trong nỗ lực hội nhập, có người “phối hợp” thực phẩm để có những món mới, có người chọn thức ăn thuần túy Việt Nam, có người chọn thức ăn Mỹ, cũng có người pha trộn với món ăn của người Nam Hàn, hay người gốc Hispanic.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương, cư dân Santa Ana, nói về thông lệ gia đình mình: “Cứ Tết Tây là tôi làm món gà Tây nấu chao, ăn với bún cho cả nhà. Gần 14 năm rồi, năm nào nhà tôi cũng ăn vậy.”
Trước khi qua Mỹ, bà được mẹ làm món vịt nấu chao ăn từ đêm Giáng Sinh đến Giao Thừa Tết Tây.
Bà tiếp: “Sang đây, thấy họ bán gà Tây giá quá rẻ so với vịt nên tôi làm thử. Không ngờ cả nhà cùng thích nên năm nào, tôi cũng nấu món này để ăn Giao Thừa Tết Dương Lịch.”
Gia đình anh Ethan Lưu, cư dân Costa Mesa, cũng có món ăn rất “Việt Mỹ đề huề.” Anh nói: “Cứ Tết Tây là chị tôi đưa chồng con đến nhà ba má tôi và làm món gà rô ti nhồi kiểu gà Tây. Ngon vô cùng.”
Theo anh Ethan, chị anh lấy “stuffing” mà người bản xứ dùng để nhồi gà Tây hôm Lễ Tạ Ơn rồi nhồi vào gà ta tươi trước khi rô ti kiểu Việt Nam.
Anh kể: “Bạn Mỹ của tôi rất thích mà bạn Việt của tôi cũng rất thích. Tôi hãnh diện rằng chị mình ‘sáng tạo’ được một món ‘nửa Mỹ, nửa ta’ mà chưa thấy bán ở tiệm nào cả. Mùi ngũ vị hương quen thuộc, quyện vào mùi gia vị của Mỹ rất lạ mũi, lạ miệng, nhưng rất ngon.”
Ông Nguyễn Khắc Lý, ngụ tại Garden Grove, cười: “Vợ tôi nấu nướng quanh năm, nên Tết Tây tôi tình nguyện làm đầu bếp mấy năm rồi.”
Tình nguyện làm đầu bếp nhưng ông Lý “ăn gian” và ra Costco mua mấy con gà rô ti đem về.
“Tôi mua thêm ‘taco’ của Mễ, cũng ở Costco rồi cầm luôn mấy hộp ‘salsa’ cho tiện. Về nhà, gà thì mình xé ra, gói bằng ‘taco’ rồi tưới ‘salsa’, ăn rất ngon. Tôi cho mấy người bạn Mễ Tây Cơ ăn thử, họ khen quá trời. Dù không nấu, nhưng đây là ‘phát minh’ của tôi,” ông phân trần.
Ngay phía sau một “shop may” vùng Westminster, ông Lê Quốc Tống và ông Nguyễn Văn Hùng chuẩn bị các món ăn “pha trộn” cho cả “shop.”
Ông Hùng nói: “Bữa nay, chúng tôi làm một bữa tiệc có hai mục đích. Vừa ăn Noel trễ và ăn Tết Tây sớm.”
Trên lò nướng, có món sườn bò Đại Hàn, và trên bàn bày sẵn một đĩa hàu tươi. “Người mình bên này, mỗi khi tổ chức nấu nướng thì không thể thiếu món sườn Đại Hàn. Còn hàu sống là tùy lúc thôi. Bữa nay, thấy nó tươi nên coi như mình có số ăn hàu,” ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sang, cư dân Westminster, trả lời dứt khoát: “Gà luộc. Gia đình tôi không đòi hỏi cao xa. Bất cứ lễ lộc gì, nhà tôi chỉ ăn gà luộc. Nhưng phải gà tươi mới được. Gà luộc ăn với lá chanh thái chỉ và hành hương.”
Vợ ông có cách cắt gà bằng kéo rất khéo nên cả gia đình cùng thích. “Ra tiệm, bất kỳ tiệm Việt hay tiệm Tàu, họ đều chặt bằng dao không bén nên xương thường bị dập, ăn mất ngon,” ông giải thích. “Cắt bằng kéo, không đụng tới xương, mình xé thịt ra mà ăn. Xương thì để hầm cháo.”
Còn ông Nguyên Trương, cư dân Anaheim, chọn một món rất “Mỹ,” mặc dù người Mỹ không cho rằng đây là món truyền thống ngày Tết.
Không do dự, ông trả lời: “Steak. New York steak.”
Không biết từ bao giờ, ông chọn cho gia đình mình món này, nhưng ông luôn liên tưởng những miếng mỡ bò béo ngậy và miếng gân giòn xật của món New York Steak với Tết Tây.
Có những người không nấu nướng gì đêm Giao Thừa Dương Lịch.
Ông Vinh Nguyễn, cư dân Fountain Valley, nói: “Năm ngoái tôi đưa vợ con đến Fashion Island ăn ở tiệm Tàu. Ở đó có món vịt Bắc Kinh rất ngon.”
Một trong những cái thú ăn tiệm là được đổi món ăn tùy thích. “Năm nay, tụi tôi sẽ ăn ở tiệm Tràm Chim. Nhà tôi thích món gỏi ốc và lẩu hải sản ở đây,” ông cười.
Ông Nguyễn Văn Tú, ở Westminster, chia sẻ: “Lâu rồi, năm nào vợ chồng tôi cũng lên Las Vegas ăn ‘buffet’ rồi đón Giao Thừa ở đó. Uống ‘champagne’ thả giàn rồi ngủ lại.”
Những món ăn ‘lạ’ người Mỹ gốc Việt đón Tết Tây
Người Mỹ gốc Việt tại khu Little Saigon có những lựa chọn khác nhau cho bữa Giao Thừa Tết Tây. Sự lựa chọn này thể hiện phần nào sự hội nhập của cộng đồng người Việt trên quê hương thứ hai.