Những món nên ăn và cần tránh để may mắn ngày đầu năm
Những ngày đầu năm mới, người Việt rất chú trọng đến các món ăn mang lại may mắn suốt cả năm và đặc biệt kiêng kị những món ăn được coi là “xui” theo quan niệm truyền thống.
08:00 06/02/2019
Món ăn may mắn
Xôi gấc
Trong các món ăn may mắn ngày Tết, có lẽ xôi gấc là món ai cũng nghĩ tới đầu tiên. Người Việt ta vẫn quan niệm rằng màu đỏ là màu của hạnh phúc, màu thắm của sắc xuân, là biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành. Hơn nữa, màu đỏ của gấc là màu tự nhiên của đất nên sẽ tạo ra sự dung hòa, thuận lợi cho năm mới.
Vào bữa cơm tất niên hay trên mâm cỗ cúng gia tiên ngày đầu năm mới, người Việt thường chuẩn bị thêm một đĩa xôi gấc như niềm tin sẽ được nhiều lộc, nhiều may mắn trong cả năm.
Bánh chưng, bánh tét
Đã thành truyền thống, ngày Tết của mỗi gia đình Việt Nam không thể thiếu bánh chưng , bánh tét. Bánh chưng đối với người miền Bắc và bánh tét đối với người miền Nam, một loại bánh hình vuông, một loại bánh hình tròn nhưng đều tượng trưng cho sự cân xứng và được tin rằng sẽ mang lại sự may mắn cho mỗi người trong ngày đầu năm.
Dưa hấu
Cùng với sắc đỏ, những "hạt cát" trong quả dưa hấu đồng âm vời từ “cát” trong tiếng Hán cũng biểu trưng cho sự cát tường dịp đầu năm. Chính vì thế nên người Việt ta luôn tin rằng một quả dưa hấu tròn trịa viên mãn với sắc đỏ tài lộc, nhiều cát sẽ đem lại nhiều may mắn cho gia đình.
Đặc biệt đối với người miền Nam, ngày Tết không thể thiếu dưa hấu, vừa để cúng gia tiên vừa để mời khách lấy may.
Gà luộc
Món gà luộc là món ăn không thể thiếu trong bất cứ mâm cỗ cúng Tết nào. Không biết tự bao giờ mà gà luộc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp trọng đại. Có lẽ vì người ta tin rằng món gà luộc vàng mềm óng ả sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy.
Canh khổ qua
Canh khổ qua là món ăn đặc biệt đối với người miền Nam. Trong cách chơi chữ của người Việt, khổ qua có nghĩa là mọi nỗi khổ sẽ qua đi để đón một năm mới hạnh phúc an lành. Người miền Nam ăn canh khổ qua dịp đầu năm cũng là vì lẽ đó.
“ Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cùng với những món ăn may mắn, người Việt cũng để tâm “kiêng kị” một số món ăn dịp đầu năm:
Mực
Theo quan niệm “đen như mực” rất phổ thông hiện nay thì mực là món ăn đầu tiên được nhiều người liệt vào “danh sách đen” những món ăn không nên ăn ngày Tết để tránh cả năm sẽ đen đủi, không may mắn.
Thịt vịt
Đối với người miền Bắc hay miền Trung, thịt vịt là món ăn phải kiêng kị dịp đầu tháng và đầu năm bởi nhiều người cho rằng, nếu ăn thịt vịt sẽ đen đủi, “tan đàn, xẻ nghé”.
Tôm
Người miền Bắc không kiêng kị tôm vào ngày Tết nhưng người miền Nam thì lại đặc biệt “tránh” tôm vào dịp này. Người miền Nam cho rằng tôm đầu to và đi giật lùi, nếu ăn tôm vào đầu năm sẽ khó “đầu xuôi, đuôi lọt”. Do đó mọi việc trong năm mới sẽ không thể thuận buồm xuôi gió, không thăng tiến và phát tài phát lộc được.
Cá mè
Đối với người miền Bắc và người miền Trung, cá mè thường có nghĩa là “mè nheo”. Loại cá này còn khá tanh và nhiều xương nên người ta cho rằng ăn cá mè đầu năm thì cả năm sẽ bị “hãm tài”, đen đủi.
Trứng vịt lộn
Món trứng vịt lộn ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, quan niệm của người miền Trung và miền Bắc rất kiêng ăn trứng vịt lộn đầu tháng, đầu năm. Họ quan niệm rằng, nếu ăn trứng vịt lộn vào đầu tháng, đầu năm thì cả tháng, cả năm sẽ không được may mắn. Mọi thứ đều xảy ra trái với ý mình.
Chuối
Tuy chuối là thức quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả của người miền Bắc nhưng với người miền Nam, người ta kiêng không ăn chuối dịp đầu năm. Chữ “chuối” nói lái đi sẽ thành “chúi” theo giọng miền Nam nghĩa là không thể ngẩng lên được nên ăn chuối ngày Tết sẽ ảnh hưởng tới sự thăng tiến trong công việc.
Cam, lê
Cùng với chuối, cam và lê là món ăn kiêng kị đối với người miền Nam vào dịp Tết. “ Quýt làm, cam chịu” hay “lê lết” là những quan niệm dân gian mang ý nghĩa xui rủi nên người Nam thường không bày biện các loại quả này trên mâm ngũ quả.
Bùng phát dịch sởi, Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang miền Tây Washington
Ngày 25/1, Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang miền Tây Washington sau khi một đợt bùng phát dịch sởi ở đây làm hơn 20 người nhiễm bệnh, trong đó phần lớn là trẻ em.