Những nẻo đường nước Mỹ
Có nhiều cách để biết nước Mỹ rộng lớn thế nào, nhưng có một cách vô cùng thú vị là đi road trip mùa hè. Bởi road trip là chuyến đi bất tận không có điểm kết thúc vì bạn có thể đi ngược lên, xuôi xuống, đi xuyên qua, lái vòng quanh hay thẳng đến từng tiểu bang một trên bản đồ nước Mỹ (à quên, ngoại trừ Hawaii).
23:00 05/08/2017
Cho đến khi những con đường trải nhựa của nước Mỹ khét lẹt nắng và khói xe là lúc người người, nhà nhà kéo nhau đi road trip bằng đủ thứ phương tiện, phổ biến nhất là những chiếc xe hơi, sang hơn thì đi xe RV , hoặc muốn phong trần thì phóng xe môtô phân khối lớn. Trong những ngày rong ruổi từ tiểu bang này sang tiểu bang nọ, người ta chất đủ mọi thứ trên xe từ lều trại, thức ăn, thuyền…
Bình minh đến mái vòm Mesa Arch ở công viên Canyonlands.
Mái vòm “North window” tại công viên Arches
Đến Mỹ mà chưa một lần đi road trip, ngắm nhìn những hẻm núi kỳ vĩ ở tiểu bang Utah, những thác nước hùng vĩ đổ xuống ầm ào từ độ cao trăm mét ở California, hay đi bộ đường rừng men theo những con đường mòn giữa một vùng thiên nhiên quạnh quẽ, thì quả là điều đáng tiếc. Vì kho báu của đất nước này nằm chính ở nơi đây: những dải đồng xanh bất tận, những mặt hồ trong veo và những rặng núi đá cả triệu năm tuổi, chứ không phải trong những ánh đèn rực rỡ vẫn thắp sáng các đô thị hoa lệ.
Bryce Canyon và đại vực ngồn ngộn những rặng núi đá
Grand Teton với những đỉnh núi phủ tuyết giữa mùa hè, Yellowstone với những hồ nước nóng đỏ vàng rực rỡ, Bryce Canyon là đại vực với lớp lớp những rặng núi đá biến đổi màu theo ánh mặt trời… Trên những chuyến road trip đường dài vắt vẻo từ đỉnh núi này sang thung lũng kia, người ta không ngại thức giấc lúc bốn giờ sáng chỉ để ngồi bên mái vòm Mesa Arch trong công viên Canyonlands chờ tia nắng đầu tiên của ngày chạm đến mái vòm, để thấy khung cảnh trong màn sương phía bên kia vòm đá thoắt biến thành thế giới diệu kỳ đầy ma mị. Một đêm thức trắng để chiêm ngưỡng những dải sao trời dệt nên bức tranh vũ trụ đầy mê hoặc phía trên những cây cầu đá ở khu tưởng niệm Natural Bridges cũng sẽ là kỷ niệm khó quên. Người đam mê cây cỏ sẽ thích hít thở không khí trong lành ở công viên Yosemite khi nắng mới chớm đến mặt hồ trong veo còn la đà hơi sương, in bóng những rặng thông xanh ngắt.
Những cung đường bất tận cho road tripCó đi mãi trên những con đường chẳng biết đâu là đoạn cuối, bên kia cửa kính xe là dải trời mênh mông cao vợi, bên cạnh là những cánh đồng bát ngát kéo dài mãi đến tận chân trời, người ta mới thấy ngay cả tiếng gió lùa qua cánh cửa cũng “tự do” như chính những kẻ đang rong ruổi trên những con đường. Khi đó bạn sẽ tự hỏi chính mình “Mọi người đi đâu cả rồi? Thế giới đi đâu cả rồi?” Có những cung đường vắng lặng, những thị trấn bị bỏ hoang, trơ lại vài nóc nhà thủng lỗ chỗ và cánh cửa chính đã bật đi đâu mất. Thỉnh thoảng ánh nhìn của một vài người Mỹ ngồi u buồn bên hiên nhà gỗ nhỏ, biết rằng có những nơi mà nước Mỹ trở nên nhỏ bé, buồn tẻ và u uất quá đỗi.
Thung lũng Thiên Nga (tiểu bang Idaho) rập rờn sóng lúa mạch
Nhưng cũng có những khi, bên kia cửa kính chiếc xe là hồ Tahoe (tiểu bang California và Nevada) xanh biêng biếc màu nước lẫn với màu trời, là thung lũng Thiên Nga (Swan Valley, tiểu bang Idaho) rập rờn sóng lúa mạch, là thung lũng của Các vị thần (tiểu bang Utah) loang lổ những vệt màu đất cùng đá đỏ, cam, vàng. Thiên nhiên nước Mỹ đủ sức đánh bật tất cả những nỗi sầu muộn không cơn cớ, và nhúng người ta xuống lòng hồ của sự háo hức, tò mò và an nhiên khi ở giữa cỏ cây, núi rừng.
Những đỉnh núi phủ tuyết mùa hè soi bóng xuống mặt hồ ở công viên Grand Teton
Giáo dục khiến người Mỹ không tin biến đổi khí hậu là do con người
Giáo viên Mỹ nhìn chung đã khiến học sinh nước này cho rằng biến đổi khí hậu toàn cầu không phải do con người gây ra, theo một nghiên cứu mới đây.