NHỮNG NGÀY CUỐI ĐẦY THỊNH NỘ CỦA ÔNG TRUMP
Chương cuối trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có các yếu tố kịch tính giống một tác phẩm nghệ thuật hơn là những gì thường diễn ra ở Nhà Trắng.
12:30 07/12/2020
Trong một tuần qua, Tổng thống Trump đã đăng và đăng lại 145 thông điệp trên Twitter, chỉ trích và hoài nghi kết quả cuộc bầu cử mà ông đã không thắng.
Khi nước Mỹ đang trải qua những ngày đen tối nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện, tổng thống chỉ 4 lần nhắc tới đại dịch trong những thông điệp trên, nhưng là để bào chữa rằng ông đã đúng, còn những chuyên gia thì sai, theo New York Times.
Như vở kịch của Shakespeare
Một số cố vấn cho biết tâm trạng của ông Trump khá tiêu cực, đôi khi giống như là trầm cảm và tổng thống gần như không đến phòng làm việc ở Nhà Trắng. Ông cũng được cho là không mấy quan tâm đến cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe nghiêm trọng mà đất nước đang phải đối mặt.
Tổng thống cũng không góp mặt trong sự kiện nào trước công chúng, nếu như nó không liên quan đến nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của ông.
Ông Trump giờ đây tập trung vào việc trao thưởng cho đồng minh và bạn bè, thanh trừng những người mà ông coi là phản bội, và có một danh sách đen ngày càng tăng - những cá nhân và tổ chức mà ông coi là kẻ thù - bao gồm cả các thống đốc đảng Cộng hòa, Bộ trưởng Tư pháp William Barr và thậm chí là cả Fox News.
Những ngày cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Trump dường như mang những yếu tố của bộ phim truyền hình hoặc tác phẩm văn học, hơn là những gì đáng lẽ nên xảy ra ở Nhà Trắng.
Sự thịnh nộ và xa rời thực tế, không chịu thừa nhận thất bại của ông Trump gợi lên hình ảnh vị lãnh chúa bị bao vây tại vùng đất xa xôi nào đó, cố gắng bám lấy quyền lực thay vì đi lưu vong.
Ông Trump cũng giống như một hoàng đế Anh với tính khí thất thường, muốn áp đặt một phiên bản sự thật của riêng mình lên triều đình.
Mặc dù ông Trump sẽ rời khỏi Nhà Trắng sau 46 ngày tới, nhưng những tuần cuối cùng của ông với tư cách tổng thống có thể dự báo tương lai sau khi ông rời khỏi Washington.
Tỷ phú gốc New York gần như chắc chắn sẽ định hình đảng Cộng hòa từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình ở Florida, cũng như sẽ tiếp tục làm mất uy tín đối thủ Joe Biden bằng cách hoài nghi kết quả cuộc bầu cử.
Nhiều đảng viên Cộng hòa dường như đã chấp nhận kết quả và muốn bỏ lại mọi thứ phía sau, nhưng ông Trump đang thể hiện rõ họ cần phải đứng về phía ông để đổi lại những lợi ích chính trị tiềm tàng sau này, ngay cả khi ông không còn là tổng thống.
Tối 5/12, ông Trump tiếp tục trình diễn phiên bản thực tế của riêng mình khi có mặt tại buổi vận động ở bang Georgia.
Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện ở bang này kể từ ngày bầu cử 3/11, để ủng hộ hai ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ sắp tới. Như thường lệ, tổng thống tiếp tục hoài nghi kết quả bầu cử và cho rằng ông mới là người chiến thắng.
"Các bạn biết là chúng ta đã thắng ở Georgia, nói thế để các bạn hiểu", ông Trump nói với đám đông, tại bang mà ông thua tới 12.000 phiếu.
"Họ đã gian lận và họ làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống, nhưng chúng ta vẫn là người chiến thắng", ông Trump tuyên bố và cũng nói rằng ông đã thắng ở một số bang khác, những nơi mà kết quả cho thấy ông đã thua.
"Chúng ta chỉ cần ai đó đủ dũng cảm làm điều mà họ cần phải làm", ông Trump gây áp lực với các quan chức Cộng hòa của bang Georgia.
Đôi khi, những hành động bộc phát của ông Trump nhằm chống lại số phận, rất giống với những gì diễn ra trong một tác phẩm của William Shakespeare. Một chút bi kịch, một chút khôi hài, nhưng luôn luôn náo động và đầy cảm xúc.
Tổng thống Trump tại cuộc vận động ở bang Georgia hôm 5/12 vừa qua. Ảnh: AP.
Liệu ông Trump có phải là một Julius Caesar thời hiện đại, bị ngay cả các đồng minh thân cận nhất của mình bỏ rơi? Hay ông là Vua Richard III gây chiến với giới quý tộc cho đến khi bị Henry VII lật đổ? Hay liệu ông là Vua Lear, chống lại những người không đánh giá cao ông?
"Đây là một hành động điển hình kiểu Hồi Năm", ông Jeffery R. Wilson, học giả về Shakespeare tại Đại học Harvard, người đã xuất bản cuốn sách "Shakespeare và Trump", nhận định. Mỗi tác phẩm của Shakespeare đều được viết theo kết cầu gồm 5 hồi, với Hồi Năm là phần cuối cùng kết thúc câu chuyện.
"Các lực lượng khác bắt đầu giành quyền kiểm soát và vị vua mắc kẹt trong lâu đài của mình, ngày càng lo lắng và cảm thấy bất an, bắt đầu đổ lỗi cho phe đối lập là phản quốc", ông Wilson so sánh.
Trong khi đó, những người nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ thì lại không thể tìm thấy sự tương đồng nào trong lịch sử. Patricia O'Toole, người viết tiểu sử của Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson và Henry Adams, cho biết bà những gì đang xảy ra làm bà nhớ lại câu nói của ông Adam: "Tôi kỳ vọng điều tồi tệ nhất, nhưng nó còn tệ hơn cả tôi kỳ vọng".
"Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng"
Không giống như bất cứ người tiền nhiệm hiện đại nào, ông Trump không gọi điện chúc mừng đối thủ của mình, ông cũng không mời ông Biden tới Nhà Trắng - một truyền thống diễn ra sau ngày bầu cử.
Tổng thống cũng từng ám chỉ rằng ông sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden. Nếu vậy ông Trump sẽ là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên kể từ năm 1869 từ chối có mặt ở nghi lễ quan trọng nhất của quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Những bài đăng trên Twitter của ông Trump là một chuỗi những tuyên bố không chịu thừa nhận thất bại. "KHÔNG THỂ NÀO CHÚNG TA LẠI THUA CUỘC BẦU CỬ NÀY", tổng thống đã viết trong những ngày gần đây.
"Chúng ta đã thắng ở Michigan rất xa!", ông viết trong một status khác, trong khi kết quả cho thấy ông thua ở đây với cách biệt hơn 154.000 phiếu bầu.
Tổng thống cũng phản đối các đảng viên Cộng hòa, tức giận vì các thống đốc đảng Cộng hòa không chịu làm theo những yêu sách vô lý của ông.
Tổng thống cũng sa thải người phụ trách an ninh mạng của chính quyền, sau khi ông này lên tiếng xác nhận tính an toàn của cuộc bầu cử. Giờ đây khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã nói rằng ông "không thấy bất cứ lý do gì để đảo ngược kết quả bầu cử", có thể ông là người sẽ bị sa thải tiếp theo.
Ngược lại, ông Trump hầu như không nói đến Covid-19, đại dịch đang khiến nước Mỹ trải qua giai đoạn tồi tệ với gần 3.000 người thiệt mạng mỗi ngày. Bốn lần ông nhắc tới đại dịch trên Twitter đều là để bào chữa cho các quyết định của mình, bao gồm tuyên bố "Tổng thống đã ĐÚNG" cách đây vài ngày.
Khi vòng tròn xung quanh ông Trump ngày càng hẹp lại, và ngay cả những đồng minh thân cận như William Barr cũng trở nên xa cách, tổng thống vẫn phản đối bất cứ lời đề nghị nhận thua nào.
"Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng", ông Trump nói với một trợ lý, người đã hối thúc ông làm vậy. Và nếu ông không nghe các cố vấn, nhiều người sẽ không nghe ông nữa. Thống đốc Arizona Doug Ducey đã không trả lời điện thoại của ông Trump, sau khi tổng thống hối thúc bang này kiểm tra kết quả bầu cử.
Nhiều chuyên gia dự đoán Bộ trưởng Tư pháp William Barr sẽ là người tiếp theo bị sa thải. Ảnh: New York Times.
Còn 6 tuần nữa cho đến khi phải rời khỏi nhiệm sở, và ông Trump vẫn rất khó đoán và thất thường như mọi khi.
Có thể tổng thống sẽ sa thải Bộ trưởng Barr hoặc những người khác, ban hành một loạt lệnh ân xá để bảo vệ bản thân và các đồng minh, hoặc có thể sẽ kích động một cuộc xung đột ở nước ngoài.
Giống như Vua Lear, rất có thể ông Trump sẽ có những cơn thịnh nộ nghiêm trọng hơn, và sẽ tìm mục tiêu mới cho những cơn thịnh nộ đó.
"Nếu có những điểm tương đồng giữa văn học cổ điển mà xã hội chúng ta đang chứng kiến, thì chúng ta sẽ có lý do chính đáng để lo ngại vào tháng 12 này. Khi vở kịch sắp kết thúc là lúc tai họa luôn ập đến", ông Wilson, học giả chuyên nghiên cứu về Shakespeare, cho biết.
Kín như bưng, nay MC Lại Văn Sâm công khai xuất hiện bên người vợ ‘quyền lực‘: Nhan sắc gây chú ý
Từng kín như bưng, nay MC Lại Văn Sâm thoải mái xuất hiện bên người vợ "quyền lực" của mình, nhan sắc bà xã nhà báo đình đám gây chú ý.