Những người bị lãng quên giữa thảm họa ở Texas

Gloria Vera-Bedolla, một người gốc Latinh, cảm thấy khu dân cư vốn thiếu thốn của bà vẫn không được đoái hoài giữa thảm họa giá rét ở Texas.

08:30 23/02/2021

"Chúng tôi tiếp tục trở thành nạn nhân của bất công xã hội, bất bình đẳng về lương thực và phân biệt chủng tộc có hệ thống. Rất nhiều người không lên tiếng bởi họ chưa quen với việc được lắng nghe", Vera-Bedolla, nhà tổ chức cộng đồng tại khu Forest Bluff gần thành phố Austin, bang Texas, Mỹ, cho biết.

Khu dân cư mà Vera-Bedolla sinh sống, nằm ở phía đông đại lộ liên bang I-35, là nơi cư trú của phần lớn người da màu và gốc Latinh tại thành phố. Gia đình bà chuyển tới đây hồi năm 2017. Thuế bất động sản tăng cao buộc họ phải rời khỏi trung tâm Austin để đến nơi giá đất rẻ hơn và diện tích rộng hơn.

Tuy nhiên, cửa hàng tạp hóa lớn gần nhất cách Forest Bluff tới hơn 16 km, trong khi không có phương tiện giao thông công cộng, khiến nơi đây rơi vào cảnh thiếu thốn nguồn thực phẩm. Ngay cả trong hoàn cảnh bình thường, nước máy của các hộ gia đình đôi khi có màu nâu. Nhiều hàng xóm của Vera-Bedolla là người nhập cư không có giấy tờ, tài chính eo hẹp và không đủ tiêu chuẩn để nhận các phúc lợi cộng đồng.

Khi cơn bão tuyết kỷ lục quét qua Texas tối 14/2, để lại lớp tuyết dày gần 20 cm tại một số khu vực của địa phương, loạt thách thức mà cộng đồng của Vera-Bedolla vốn đang đối mặt trở nên trầm trọng thêm.

Gloria Vera-Bedolla (phải) và chồng Roberto Bedolla chuyển những hộp cứu trợ thiên tai cho hàng xóm tại khu dân cư Forest Bluff, , tuần trước. Ảnh: Vox.
Gloria Vera-Bedolla (phải) và chồng Roberto Bedolla chuyển những hộp cứu trợ thiên tai cho hàng xóm tại khu dân cư Forest Bluff, , tuần trước. Ảnh: Vox.

Khác với một số hộ cùng khu, gia đình của Vera-Bedolla chưa từng bị mất điện, nhưng lại bị cắt nước và lò sưởi không hoạt động được vì thiếu khí propane. Lửa trên bếp ga cũng quá yếu, đến mức khó có thể nấu ăn, buộc họ phải sử dụng bếp điện do cha mẹ của Vera-Bedolla mang tới.

Vera-Bedolla cho rằng bản thân vẫn may mắn hơn so với hàng xóm, khi nhiều người trong số họ không có xe để tiếp cận nguồn thực phẩm hoặc những nhu yếu phẩm khác, nhà cách nhiệt kém, có người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ. Một người hàng xóm không có bảo hiểm thuê nhà phải tự bỏ tiền sửa những đường ống bị đóng băng và hư hỏng.

Mọi sự hỗ trợ mà Forest Bluff nhận được đều do Vera-Bedolla chủ động yêu cầu, với tư cách người liên lạc giữa cộng đồng với chính quyền thành phố và các tổ chức phi chính phủ. Ngoài công việc hàng ngày là tuyển người cho Viện Y tế Liên minh miền Trung Texas, bà còn làm việc với một tổ chức phi lợi nhuận hướng đến giải quyết cac vấn đề bình đẳng chủng tộc ở Austin.

Vera-Bedolla đã xoay xở để lấy về 30 hộp thực phẩm khẩn cấp từ nhóm từ thiện Ngân hàng Thực phẩm Trung tâm Texas, đồng thời thúc giục chính quyền Austin điều xe bồn chở nước đến khu dân cư. Trong khi đó, Roberto Bedolla, chồng bà, đã tham gia phá băng trên đường phố để xe cộ lưu thông an toàn, bởi chính quyền chưa cử bất cứ ai đến khu dân cư làm nhiệm vụ này.

"Thật tồi tệ. Đây là tội ác. Tôi cảm tưởng như chúng tôi bị trở thành mục tiêu và triệt đường sống. Họ cắt nước, cắt nguồn nhiên liệu. Một số người bị cắt điện, trong khi họ chỉ có thiết bị điện. Thật đáng sợ", Vera-Bedolla nói.

Đầu tuần trước, nhiệt độ xuống thấp đến mức nguy hiểm và sự sụp đổ mạng lưới điện Texas đã khiến hàng triệu người tại bang này không thể sưởi ấm nhà. Băng bắt đầu tan hôm 19/2, khi nhiệt độ tại Austin tăng lên hơn 40 độ, giúp giảm áp lực lên lưới điện. Tuy nhiên, Texas giờ đây lại đối mặt với khủng hoảng về nguồn nước và thực phẩm.

Nhiều cửa hàng tạp hóa đã đóng cửa vài ngày, trong khi những nơi mở cửa thường thiếu nguồn cung bởi xe tải chở hàng chưa kịp đến nơi. Tại Forest Bluff, những người không có ô tô buộc phải đi bộ đến các cửa hàng tiện lợi gần đó, nơi bán nhiều thực phẩm hết hạn với giá cắt cổ. Vera-Bedolla cho biết tuần trước bà nhìn thấy hơn 150 người xếp hàng bên ngoài những cửa hàng vốn đã trống trơn.

Tình cảnh này khiến Vera-Bedolla cảm thấy như bị chính quyền bỏ rơi, và đây không phải lần đầu tiên bà có cảm giác này. "Chúng tôi đang chiến đấu với những hệ thống được thiết lập không phải vì sự thành công của người da màu", người mẹ có ba đứa con nêu ý kiến.

Nỗi thất vọng của Vera-Bedolla tương tự những người đang tìm kiếm công lý và sự đối xử công bằng hơn đối với những người da màu ở Austin, một trong những thành phố có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất tại Mỹ. Đây còn là thành phố phát triển tốc độ cao duy nhất có tỷ lệ dân số người da màu giảm dần.

Quincy Dunlap, chủ tịch kiêm CEO của Liên đoàn Khu vực Đô thị Austin, cho rằng giới chức thành phố đã cố gắng hết sức để ứng phó thảm họa thời tiết, nhưng rõ ràng nguồn viện trợ đã không được phân phối công bằng.

Đại lộ liên bang I-35 được ví như ranh giới hữu hình phân chia nền kinh tế và chủng tộc tại Austin. Dunlap cho biết ở phía tây giàu có, những văn phòng trống vắng nằm giữa trung tâm thành phố vẫn sáng đèn và dường như chưa bao giờ mất điện trong suốt cuộc khủng hoảng. Trái lại, hầu hết khu vực phía đông chìm trong bóng tối.

"Điều này chẳng có gì mới hay bất ngờ. Nó là hệ quả của sự phân biệt có hệ thống", Chas Moore, giám đốc điều hành Liên minh Công lý Austin, nêu quan điểm.

Ánh Ngọc (Theo Vox)

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất