Những người định đoạt 'số phận' của ông Trump trên Facebook

Ban giám sát gồm 19 luật sư, học giả, nhà báo và nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới sẽ đưa ra quyết định về số phận tài khoản Facebook của ông Trump vào ngày 5/5.

07:00 06/05/2021

Ban giám sát của Facebook, gồm 19 thành viên, bắt đầu xem xét trường hợp tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ hồi tháng 1, sau vụ người biểu tình tấn công Điện Capitol, theo Politico.

Quyết định của ban giám sát có thể sẽ giúp cựu Tổng thống Trump giành lại "chiếc loa phóng thanh" quyền lực, hoặc khiến ông im tiếng mãi mãi trên Facebook. Trước đó, Twitter đã đóng tài khoản cá nhân của ông Trump vĩnh viễn.

Đến nay, các thành viên ban giám sát hầu như im lặng về diễn biến phía sau quá trình ra quyết định với tài khoản của ông Trump.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố đưa ra trước đó, ban giám sát cho biết sự đa dạng về "hoàn cảnh xuất thân, chuyên môn và tính cách" của các thành viên sẽ giúp nhóm này đưa ra một phán quyết công bằng.

facebook cam ong trump anh 2
Số phận tài khoản Facebook của ông trump sẽ được định đoạt vào ngày 5/5. Ảnh: Reuters.

5 thành viên người Mỹ

Trong 19 thành viên ban giám sát của Facebook có 5 người là công dân Mỹ. Tuy nhiên, đến nay chỉ một đại diện tham gia sâu vào quá trình xem xét vụ việc của ông Trump.

Theo quy định của ban giám sát, một tiểu ban gồm 5 thành viên sẽ được lựa chọn để rà soát vụ việc và đưa ra khuyến nghị.

Khuyến nghị này sau đó có thể được chấp nhận, bác bỏ hoặc sửa đổi thông qua bỏ phiếu trước toàn bộ thành viên ban giám sát.

Thông tin về thành viên của tiểu ban không được công bố, nhưng sẽ luôn có ít nhất một người đến từ khu vực địa lý liên quan tới vụ việc được xem xét. Điều này có nghĩa một thành viên ban giám sát là người Mỹ trực tiếp tham gia quá trình xem xét ban đầu vụ việc của ông Trump.

5 thành viên người Mỹ tại ban giám sát bao gồm 2 nhân vật bảo thủ nổi danh là cựu thẩm phán liên bang Michael McConnell và Phó chủ tịch John Samples của tổ chức tư vấn chính sách Cato Institute.

Hai thành viên người Mỹ khác là các luật sư Jamal Greene - giáo sư Đại học luật Columbia, và Evelyn Aswad - giáo sư Đại học luật Oklahoma.

facebook cam ong trump anh 3
Cựu thẩm phán Michael McConnell. Ảnh: Standford University.

Luật sư Greene nổi tiếng là một người chống Trump mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khi nói về vụ việc tài khoản Facebook của ông Trump, giáo sư Đại học Columbia cho biết ủy ban cần xem xét "mọi dữ kiện" và "cân nhắc phù hợp" trước khi đưa ra quyết định.

Các ông McConnell và Samples trong quá khứ từng chống lại việc các thành viên bỏ phiếu quyết định về quyền tự do ngôn luận dựa trên quan điểm chính trị.

"Quan điểm của một người về chính trị không giống với quan điểm của họ về phạm vi và giới hạn quyền tự do ngôn luận. Cam kết về quyền tự do dân sự có thể vượt lên trên quan điểm chính trị", ông McConnell cho biết tại một sự kiện vào tháng 5/2020.

Thành viên người Mỹ thứ năm là Suzanne Nossel, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận PEN America. Tuy nhiên, bởi bà Nossel tham gia ban giám sát sau khi tổ chức này bắt đầu xử lý vụ việc của ông Trump, bà Nossel sẽ chỉ bỏ phiếu mà không tham gia thảo luận.

Luật sư, thẩm phán và chính trị gia

Hơn một nửa số thành viên ban giám sát có kinh nghiệm làm luật sư, thẩm phán, chính trị gia hoặc nghiên cứu về luật. Họ là những người đã có nhiều năm thảo luận về giới hạn quyền tự do biểu đạt tại tòa án hoặc trên các diễn đàn chính trị.

Trong số này có các cựu chính trị gia như bà Helle Thorning-Schmidt, người từng là ngoại trưởng Đan Mạch, hay bà Emi Palmor, cựu lãnh đạo một đơn vị cấp cục tại Bộ Tư pháp Israel.

Lăng kính pháp lý được các chuyên gia sử dụng để diễn giải các tình tiết, qua đó định đoạt cách họ đánh giá vụ việc tài khoản Facebook của ông Trump.

Một số thành viên ban giám sát có chuyên môn về luật nhân quyền - lĩnh vực được cho là có vai trò lớn trong tất cả vụ việc được xem xét - như cựu Phó chủ tịch Tòa án nhân quyền châu Âu Andras Sajo, cựu báo cáo viên đặc việt về quyền tự do ngôn luận của Ủy ban Liên Mỹ về nhân quyền Catalina Botero-Marino, hay cựu Ngoại trưởng Đan mạch Thorning-Schmidt.

facebook cam ong trump anh 4
Cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt là thành viên ban giám sát sẽ xử lý vụ việc của ông trump. Ảnh: Getty.

Các tiêu chuẩn về nhân quyền nhìn chung quy định mọi hạn chế đối với quyền tự do biểu đạt, ví dụ như đình chỉ tài khoản Facebook, phải được đưa ra trên cơ sở lý do rõ ràng và được thực hiện nhất quán.

Điều này có thể mở ra con đường cho ông Trump lấy lại tài khoản.

Tuy nhiên, các thành viên ban giám sát cũng phải cân nhắc tác động của phát ngôn từ phía đối tượng bị xem xét, đánh giá chúng ảnh hưởng thế nào đến những người khác trên nền tảng mạng xã hội.

Nói cách khác, ban giám sát sẽ đánh giá liệu ông Trump có vi phạm quyền của những người sử dụng khác không.

"Chẳng có thứ ngôn luận nào là tự do hoàn toàn không giới hạn, bởi luôn có những quyền con người khác và quyền tự do ngôn luận phải cân bằng với những quyền đó", bà Thorning-Schmidt nói hồi tháng 2.

Các học giả và nhà nghiên cứu

Một số chuyên gia pháp lý của ban giám sát đã tranh luận về phát ngôn của ông Trump trên các tạp chí hay diễn đàn học thuật uy tín.

Họ là Ronaldo Lemos - giáo sư luật của Đại học Rio de Janeiro, Nicolas Suzor - giáo sư tại trường luật Đại học Queensland, Katherine Chen - giáo sư Đại học Chính trị Đài Bắc, hay Sudhir Krishnaswamy - phó chủ tịch Đại học Luật quốc gia Ấn Độ.

Trong khi một số chuyên gia thảo luận trực tiếp về việc các công ty mạng xã hội xử lý trường hợp của ông Trump, những người khác lại đưa ra quan điểm về cách các công ty và chính phủ nên đối phó với nội dung thù ghét hoặc kích động bạo lực.

Năm 2017, ông Suzor từng cảnh báo sẽ có hậu quả lớn nếu Twitter "can thiệp mạnh tay" và loại ông Trump khỏi nền tảng mạng xã hội này.

facebook cam ong trump anh 5
Ban giám sát sẽ xem xét vai trò phát ngôn của ông trump trong vụ tấn công Điệp Capitol. Ảnh: Getty.

Ông Trump gặp bất lợi với các nhà hoạt động và nhà báo

Việc Facebook không có hành động với các bài đăng trên tài khoản của ông Trump từ lâu đã là mục tiêu công kích của các nhà hoạt động nhân quyền.

Đại diện của nhóm này có mặt tại ban giám sát bao gồm Maina Kiai từ tổ chức Human Rights Watch, Nighat Dad từ tổ chức Digital Rights Foundation Pakistan, Julie Owona từ tổ chức Internet Sans Frontieres, và Afia Asantewaa Asare-Kyei từ Sáng kiến Xã hội mở khu vực Tây Phi.

Các nhóm này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ quyền tiếp cận Internet cho đến quyền phụ nữ. Mặc dù vậy, một số thành viên nhóm này bị các chính trị gia đảng Cộng hòa chỉ trích là có thành kiến chống lại cựu Tổng thống Trump.

Năm 2017, ông Dad từng viết trên Twitter rằng "thế giới cần xây một bức tường bao quanh" ông Trump. Trong khi đó, Owono viết trên Twitter chỉ trích cựu tổng thống là "kẻ nói dối, phân biệt chủng tộc và cố chấp".

Năm 2016, phát biểu trên Global Podcast, bà Kiai gọi ông Trump là "viên ngọc quý trên vương miện của phe cực hữu".

Alan Rusbridger - cựu tổng biên tập báo The Guardian, Endy Bayuni - biên tập viên The Jakarta Post, và nhà báo Tawakkol Karman là những đại diện duy nhất của giới truyền thông tại ban giám sát. Đáng chú ý là cả ba người này đều từng có lần chỉ trích ông Trump.

Ngay sau vụ việc ngày 6/1, nhà báo Tawakkol viết trên Twitter rằng "ông Trump không tiếc nỗ lực nhằm lật đổ nền dân chủ Mỹ và đã đi xa tới mức đẩy đất nước vào hỗn loạn".

Trong khi đó, ông Rusbridger cũng chỉ trích vài trò của cựu tổng thống khi kích động bạo lực ở Điện Capitol, cùng các hãng tin giúp ông Trump lan truyền cáo buộc vô căn cứ về bầu cử tổng thống Mỹ.

"Các kênh tin tức đã giúp đỡ ông Trump và lan truyền liên tục đòn công kích của ông ấy vào sự thật nên cảm thấy xấu hổ", ông Rusbridger viết trên Twitter hôm 7/1.

Một tháng sau đó, ông này đăng tải một bài viết cho rằng cựu tổng thống "không thể kích động bạo lực nếu không có sự trợ giúp của Fox News".

Tags:
Ông Biden đảo ngược quyết định về người tị nạn

Ông Biden đảo ngược quyết định về người tị nạn

Nhà Trắng ngày 3/5 đã nâng giới hạn mức tiếp nhận người tị nạn lên 62.500 người sau khi kế hoạch giữ số người tị nạn ở mức thấp nhất trong lịch sử bị chỉ trích vào hồi tháng 4.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất