Những người giữ an ninh trong 'khu tự trị' ở Mỹ

Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả việc Trump ký luật trừng phạt quan chức Bắc Kinh vì người Duy Ngô Nhĩ và yêu cầu Washington ngừng can thiệp.

22:30 18/06/2020

3h sáng thứ 7 tuần trước, Ochoa được huy động để giải quyết vụ gây rối trên khu phố trung tâm ở Seattle, bang Washington, Mỹ. Một người đàn ông da màu giận dữ la hét và trút giận bằng cách đạp đổ một thùng rác. 

Ochoa, cư dân da trắng của "Khu Tự trị Capitol Hill", không lập tức tiếp cận người này, thay vào đó, anh nhặt rác vương vãi xung quanh và cho anh ta thêm không gian. Người đàn ông da màu nhanh chóng tỏ ra hối lỗi về hành động của mình và đề nghị giúp Ochoa dọn dẹp khu vực này.

Đây chỉ là một trong nhiều tình huống mà Ochoa, 28 tuổi, phải xử lý trong những ngày qua. Anh là một trong số tình nguyện viên bảo vệ an toàn cho "khu tự trị", với mỗi ca làm việc kéo dài 4 tiếng. 

"Khu Tự trị Capitol Hill" được thành lập tuần trước giữa lúc làn sóng biểu tình Mạng người da màu cũng quan trọng sục sôi ở Mỹ. Trước đó, xung đột giữa những người biểu tình vì cái chết của George Floyd và cảnh sát tại thành phố Seattle rơi vào bế tắc suốt một tuần. Cuối cùng, phản ứng ngày càng dữ dội của đám đông buộc Sở Cảnh sát Seattle hôm 8/6 phải nhượng bộ, bằng cách rút hết sĩ quan khỏi đồn tại khu dân cư Capitol Hill và để người biểu tình tự do làm điều họ muốn.

Người biểu tình dựng rào chắn cho khu tự trị ở Capitol Hill, thành phố Seattle tuần trước. Ảnh: Reuters.
Người biểu tình dựng rào chắn cho khu tự trị ở Capitol Hill, thành phố Seattle tuần trước. Ảnh: Reuters.

Mục tiêu cốt lõi của khu vực này là xây dựng cộng đồng tự quản không cảnh sát. Thay vào đó, các tình nguyện viên, trong đó có nhiều người mong muốn xóa bỏ lực lượng cảnh sát, đã bắt đầu tổ chức lực lượng an ninh riêng.

Đội an ninh tình nguyện từng xử lý nhiều sự cố như lao xe vào đám đông hay các vụ gây rối trên phố. Họ cũng phải can thiệp khi những vị khách có vũ trang tìm đến khu tự trị. Họ xoa dịu các xung đột, ngăn tình trạng cướp phá cửa hàng và xử lý các sự cố liên quan tới sức khỏe tâm thần.

Các tình nguyện viên cho biết công việc của họ cho thấy mô hình về thành phố không có cảnh sát sẽ như thế nào. "Chúng tôi có cơ hội để tạo ra một điều gì đó ở đây. Do đó, bảo vệ khu phố cũng chính là bảo vệ lợi ích của tôi", Ochoa, người sống trong khu phố Capitol Hill, cho hay. "Tôi sống ở Hill và việc cảnh sát hiện diện ở đây luôn làm dấy lên căng thẳng".

Cuối tuần qua, khoảng hơn 20 người đã tập hợp thành lực lượng an ninh, thay phiên bảo vệ khu tự trị suốt ngày đêm. Trung tâm chỉ huy của họ rất đơn giản, gồm một chiếc lều tạm, bàn gấp, bảng trắng và sổ ghi chú. Nhiều người, trong đó có phụ nữ da màu, đã hỏi cách đăng ký tham gia lực lượng này. 

Người điều phối công việc chia các tình nguyện viên thành từng cặp làm việc cùng nhau, phát bộ đàm để liên lạc, đồng thời thêm số điện thoại của họ vào một nhóm trò chuyện sử dụng tin nhắn mã hóa Signal. Họ cũng hướng dẫn tình nguyện viên các kỹ năng cơ bản để giảm leo thang căng thẳng: nói bằng âm lượng nhỏ, thiết lập đối thoại, sử dụng cử chỉ tay để ra hiệu tình hình ổn định hoặc cảnh báo tội phạm rằng họ đang bị theo dõi. 

Ochoa và đồng nghiệp đã dùng cách tiếp cận này để đối phó với một người đàn ông liên tục ném táo vào người qua đường. Họ cẩn thận theo dõi động thái của người này và đảm bảo sự can thiệp của họ không khiến anh ta bị thương. Người đàn ông thậm chí còn đấm một đồng nghiệp của Ochoa, nhưng không bị đánh trả. Cuối cùng, họ cũng khiến anh ta bình tĩnh hơn và rời đi.

"Không cần ghì ai đó xuống đất và lập tức còng tay họ, các giải pháp thay thế của chúng tôi hiệu quả và giúp tạo ra cộng đồng an toàn hơn", Ochoa nói.

Lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu của những người có trạng thái tinh thần bất ổn, như say rượu hoặc mắc bệnh tâm thần, là hai chiến thuật rất quan trọng trong cách tiếp cận này. Nhân viên tình nguyện Mark Markinson chia sẻ đã "xoa dịu" được một người đàn ông dọa đấm anh, bằng cách cho anh ta một miếng pizza. Markinson sau đó hiểu rằng vì quá đói nên người đàn ông này mới có thái độ hung hăng như vậy. 

"Bạn chỉ cần lắng nghe những người đang tranh luận, rồi tìm cách giảm căng thẳng và hòa giải họ, hoặc cũng có thể tách họ ra xa nhau", Markinson nói. 

Anh thêm rằng không nên có định kiến cá nhân khi tiếp cận và giải quyết các tình huống phát sinh, giống như cách một số cảnh sát hay làm. Markinson, cư dân da trắng ở Capitol Hill, chia sẻ anh đã từng phải đấu tranh để xóa bỏ các định kiến về người da màu. 

"Tôi đã mất rất nhiều thời gian để đấu tranh với nó. Việc bạn chấp nhận sự tồn tại của người khác và hiểu về họ là rất quan trọng", anh nói. 

Dòng chữ Capital Hill tự do trên lối vào khu tự trị ở Seattle, hôm 15/6. Ảnh:AP.
Dòng chữ "Capitol Hill tự do" trên lối vào khu tự trị ở Seattle, hôm 15/6. Ảnh: AP.

Markinson cho biết nhiều nơi trên thế giới có các khu phố giống họ đang xây dựng, như Exarcheia ở Athens, Hy Lạp, hay Free Christiana ở Copenhagen, Đan Mạch. Trong khi đó, Ochoa cho rằng mục tiêu của họ cũng giống như nhiều khu phố nhỏ ở Mỹ muốn loại bỏ sở cảnh sát.

Tuy nhiên, mô hình "tự trị" này cũng đối mặt với nhiều thách thức. Xung đột có thể xảy ra bất kỳ lúc nào giữa những người ủng hộ khu phố tự trị và người phản đối. Việc nhiều người trong khu tự trị sở hữu súng hợp pháp cũng được cho là một vấn đề lớn.

"Nếu bạn được tự do mang súng, việc giảm căng thẳng sẽ càng trở nên thách thức hơn, bởi lúc nào đó chính bạn có thể trở thành mối đe dọa cho người khác", Markinson nhận định.

Điều này cũng có thể khiến các tình nguyện viên an ninh dễ bị tổn thương. Nhiều tình nguyện viên cho hay họ đặc biệt lo ngại về các nhóm cánh hữu, như Three Percenters and the Proud Boys, bởi họ từng nổi tiếng với các cuộc đụng độ bạo lực ở Portland, Oregon và New York. Hôm 14/6 vừa qua, hình ảnh nhân viên an ninh tình nguyện James Madison mang khẩu súng AR-15 đứng gác ở phía nam khu tự trị cũng làm dấy lên nhiều lo ngại. 

"Trong một thế giới không cảnh sát, chúng ta đừng bao giờ trở thành cảnh sát của chính mình", tấm biển trên rào chắn của khu tự trị viết. 

Link nguồn: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-giu-an-ninh-trong-khu-tu-tri-o-my-4116778.html

Tags:
Chuyên gia Nga: Sau tái cử Trump sẽ coi Trung Quốc là đối thủ số một

Chuyên gia Nga: Sau tái cử Trump sẽ coi Trung Quốc là đối thủ số một

Các cuộc biểu tình ở Mỹ không làm giảm khả năng tái cử của Trump. Washington sẽ coi Bắc Kinh là đối thủ số một.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất