Những người Mỹ thà rời New York còn hơn phải tiêm vaccine
Đối với một số cư dân quận Bronx, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 tại TP New York, sự thiếu tin tưởng về vaccine thậm chí lớn hơn nỗi sợ thất nghiệp, mất nhà ở.
09:00 16/10/2021
Gia đình Deysia Padilla (25 tuổi) nghĩ cô đang đi làm. Thay vào đó, cô dành cả buổi chiều để dỡ từng chiếc vớ trẻ em trong tiệm giặt là ở quận Bronx. Cô có 48 giờ để cân nhắc giữa 2 lựa chọn: tiêm vaccine hoặc mất việc.
Padilla là một trong số hàng nghìn người New York chưa tiêm phòng, bị ảnh hưởng bởi tối hậu thư của Thị trưởng Bill de Blasio vào tuần trước.
Nếu không tiêm vaccine, người lao động trong thành phố không chỉ đối mặt với nguy cơ mất việc, mà thậm chí phải từ bỏ các khoản hỗ trợ thất nghiệp, theo The Guardian.
Chính quyền New York ngày càng mạnh tay với cư dân không tiêm vaccine. Người lao động có thể đối diện nguy cơ thất nghiệp nếu không chủng ngừa. Ảnh: AP.
Một số cư dân quận Bronx chưa được tiêm phòng thà dọn ra sống bên ngoài Big Apple (biệt danh của TP New York) còn hơn chủng ngừa.
Padilla dự định trở thành giáo viên mỹ thuật. Giờ đây, cô cân nhắc chuyển đến bang Florida cùng chồng và đứa con 3 tháng tuổi.
Rời bỏ New York
Một cuộc di dân đến Florida do dịch bệnh đang diễn ra. Tính đến tháng 3, hơn 33.500 người New York đã chuyển hẳn đến Florida, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định mọi người đổ xô về phía nam vì các hạn chế Covid-19 được nới lỏng hơn, nhà ở giá cả phải chăng và khả năng tiếp cận các trường học trực tiếp.
Theo Andrew Rasmussen, phó giáo sư tâm lý học tại ĐH Fordham, hầu hết cư dân quận Bronx chưa được tiêm chủng không hẳn tham gia làn sóng chống khẩu trang và vaccine lan rộng trên toàn quốc.
Bronx vẫn đang cố gắng hồi phục sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 với tỷ lệ nhập viện, tử vong và thất nghiệp cao nhất ở TP New York.
Tại Bronx, nơi thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 21.778 USD (thấp hơn 3,5 lần so với ở quận Manhattan), 70% dân số làm việc trực tiếp hoặc các công việc thiết yếu.
Hiện tại, mọi người đeo khẩu trang, đôi khi là 2 chiếc, khi đi bộ ngoài trời. Nhiều cá nhân vẫn còn lo lắng khi bắt tay người lạ. Bảo vệ các tòa nhà siêng đi lại tuần tra trên vỉa hè, xịt thuốc sát khuẩn.
“Mọi người đang đeo khẩu trang nhiều lớp và cẩn trọng, nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực lân cận vẫn rất thấp. Điều đó cho thấy có điều gì đó khác đang diễn ra”, Rasmussen cho biết.
Nhiều người New York chọn rời bỏ thành phố để tránh tiêm vaccine. Ảnh: Helayne Seidman/NY Post.
Tuy nhiên, không có gì lạ khi người dân Bronx bày tỏ quan ngại về vaccine hơn là loại virus chết người.
“Tôi sợ virus, nhưng còn lo lắng hơn về vaccine”, Kelven Esbenel (24 tuổi) nói.
Sáu tuần trước, anh làm việc tại kho hàng Amazon ở quận Staten Island và được thông báo công ty có thể bắt đầu yêu cầu nhân viên tiêm chủng dưới lệnh mới của Tổng thống Biden.
Esbenel đang cân nhắc về cuộc sống ở bang Connecticut, bỏ mặc các thành viên trong gia đình anh đã tiêm phòng.
“Chúng ta không thể mong đợi các hệ thống y tế, vốn không nhận được sự tin tưởng của nhiều nhóm yếu thế, giờ đây được tin cậy vì Covid-19”, Tiffany Green, nhà khoa học kinh tế và sức khỏe dân số tại ĐH Wisconsin-Madison, cho biết.
Sự ngờ vực này khiến cha dượng của Emely Berrera (23 tuổi), nhân viên thu ngân ở West Bronx, suýt phải trả giá bằng mạng sống. Cô kể cha dượng gần như tắt thở vào tháng 3 năm ngoái.
Khi gia đình gọi taxi để đưa ông đến bệnh viện, tài xế cảnh báo: “Đừng đi vì họ sẽ giết bạn trong đó”.
Cha dượng của Berrera cuối cùng được điều trị ở nhà và may mắn bình phục. Tuy nhiên, đó là trải nghiệm đáng sợ đối với cả gia đình.
Thiếu tin tưởng
Theo nhiều chuyên gia, sự thiếu tin tưởng vào các tổ chức công ở Bronx có thể được giải thích một phần bởi rào cản lớn đối với chăm sóc y tế và lịch sử cạn kiệt tài nguyên sau khi dân số da trắng của quận giảm 50% vào những năm 1970.
“Có nhiều quy định về chính sách mà mọi người muốn tham gia, nhưng đã có sự chuyển dịch về nguồn lực khỏi nhóm bị thiệt thòi và da màu. Họ cố gắng tuân thủ nhưng không có các nguồn lực kèm theo để hỗ trợ”, Lessie Branch, giám đốc trung tâm nghiên cứu Think Tank thuộc tổ chức Thinkubator có trụ sở tại Bronx, cho biết.
Nghiên cứu cho thấy việc có nhà cung cấp dịch vụ y tế đáng tin cậy là yếu tố dự báo quan trọng về khả năng được chủng ngừa. Trong khi đó, Bronx có số bác sĩ đa khoa thấp nhất trên 100.000 dân của bất kỳ quận nào trong Big Apple, thấp hơn 5 lần so với Manhattan.
Một bức tranh tường tôn vinh các nhân viên y tế tại trung tâm y tế Montefiore ở Bronx. Ảnh: Timothy A Clary/AFP.
“Tại địa phương này, người dân gặp dược sĩ nhiều hơn là bác sĩ”, Priyank Patel, dược sĩ giám sát ở khu Crotona, nói.
Patel cho biết ông đang nỗ lực bù đắp bất bình đẳng về y tế bằng cách dập tắt những thông tin sai lệch.
Khi vaccine được giới thiệu vào tháng 1, lịch tiêm online ở hiệu thuốc được lấp đầy trong vòng 30 phút, nhưng không phải tất cả đều là dân địa phương.
Hầu hết cư dân Bronx không thể làm việc ở nhà. Bên cạnh đó, một số người Manhattan đổ xô đến Bronx vào đầu năm nay để đặt lịch hẹn tiêm chủng.
Khi một số người dân Bronx cân nhắc rời khỏi New York để tránh tiêm vaccine, các nhà lãnh đạo đặt câu hỏi về tác động lâu dài của nhiệm vụ tiêm chủng đối với lòng tin từ cộng đồng.
“Áp dụng biện pháp nặng tay mà đe dọa sinh kế của người dân được coi là độc ác. Chính quyền có thể có ý tốt, nhưng làm theo cách này khiến lòng tin bị xói mòn thay vì xây dựng nó”, Tom Sheppard, phục vụ tại Hội đồng Giáo dục Cộng đồng của thành phố, nhận định.
Tang lễ Phi Nhung tại Mỹ: Con gái thất thần bên bàn thờ, Mạnh Quỳnh tự nhận là người vô dụng
Rất nhiều khán giả, đồng nghiệp tại Mỹ đã đến viếng Phi Nhung, ai nấy đều không kìm được nước mắt.