Những người quyết không tin Trump thất cử

Dù đại cử tri đoàn đã bỏ phiếu bầu tổng thống, nhiều người ủng hộ Trump vẫn tin ông mới là người chiến thắng hợp pháp, chứ không phải Biden.

00:30 16/12/2020

Richard Everit lòng nặng trĩu rời khách sạn để tham gia cuộc biểu tình mà những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tổ chức gần sáng 12/12. Tòa án Tối cao đã từ chối đơn kiện của Texas tối hôm trước, dập tắt chút hy vọng ít ỏi còn lại cho cơ hội tái đắc cử của Trump, người đã truyền cảm hứng cho Everit tham gia cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong đời.

"Tôi gần như không ra ngoài sau thông báo đêm qua", Everit, 55 tuổi, sống ở phía tây Pennsylvania, nói.

Người ủng hộ Trump biểu tình ở Washington hồi tháng 11. Ảnh: NYTimes.
Người ủng hộ Trump biểu tình ở Washington hồi tháng 11. Ảnh: NYTimes.

Everit cho biết ông thích cách mà Trump "chĩa mũi dùi" vào giới tinh hoa hai đảng, trong đó nhiều người từng nắm quyền lực trong nhiều năm và dường như giàu lên nhờ nó. Nhưng giờ đây, ông phải chấp nhận việc Trump không còn là tổng thống. "Đến lúc này, mọi thứ đã kết thúc, dù bạn ghét phải nói ra điều đó", ông nói.

Hồi tháng 11, những người ủng hộ Trump cũng tổ chức một sự kiện tương tự ngay sau cuộc bầu cử. Nhưng lần này, đám đông tập trung ở Freedom Plaza có quy mô nhỏ hơn rất nhiều và cũng ít kỳ vọng hơn sau một tháng liên tiếp thất vọng. Tổng thống Trump đã thua hàng chục vụ kiện. Tòa án Tối cao đã từ chối đơn kiện của Trump và đồng minh tới hai lần. Ngày 14/12, đại cử tri đoàn cũng đã bỏ phiếu xác nhận thất bại của Trump.

Tuy nhiên, có một điều không thay đổi là đối với những người ủng hộ trung thành nhất của Trump, ông luôn là người chiến thắng hợp pháp của cuộc bầu cử năm nay.

Khảo sát của Fox News công bố hôm 11/12 chỉ ra 77% người bỏ phiếu cho Trump tin rằng cuộc bầu cử đã bị "đánh cắp". Chỉ 10% cử tri thuộc đảng Dân chủ đồng tình với điều đó. Cuộc khảo sát khác do Bright Line Watch thực hiện hồi cuối tháng 11 cho thấy trong số những người ủng hộ Trump, khoảng một nửa tin rằng Trump sẽ nhậm chức vào 20/1 tới, chứ không phải Joe Biden.

Nhưng các cuộc phỏng vấn với hàng chục người bầu cho Trump cũng tiết lộ một bức tranh nhiều mảnh ghép hơn. Một số là những cử tri ủng hộ hết mình, mòn mỏi chờ đợi bất kỳ thông tin nào ủng hộ cho tuyên bố của Trump rằng ông thắng cử. Với các cử tri này, không dữ liệu nào có thể thuyết phục họ thay đổi suy nghĩ.

Một số khác không có lập trường kiên định như vậy. Gần như tất cả người tham gia phỏng vấn tin rằng ít nhất có một số gian lận đã xảy ra trong cuộc bầu cử này, nhưng họ không biết liệu điều đó có đủ khiến Trump là người chiến thắng thực sự hay không.

"Tôi có tin Trump và Giuliani, cùng cuộc chiến pháp lý của họ đúng 100% không ư?", Richard Houskamp, chủ sở hữu công ty công nghệ ở Grand Rapids, bang Michigan, đề cập tới nỗ lực chứng minh bầu cử bị đánh cắp của Trump và luật sư riêng Rudolph Giuliani. "Tôi không tin điều đó".

Tuy nhiên, Houskamp cũng thêm rằng ông cũng không tin các quan chức bang Michigan khi họ nói rằng không có bằng chứng gian lận bầu cử.

Houskamp cho biết ông không nghĩ Trump sẽ giành chiến thắng trên toàn quốc, ngay cả khi các cáo buộc gian lận bầu cử là có cơ sở. Nhưng ông cho rằng tất cả người Mỹ nên cởi mở lắng nghe các khiếu nại về gian lận và ông thực sự thất vọng khi nửa dân Mỹ không làm như vậy.

Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử 2020 là một câu hỏi quan trọng đối với nền dân chủ Mỹ. "Nếu có nhiều người tin rằng chính phủ không được bầu một cách hợp pháp, đó sẽ là vấn đề lớn đối với nền dân chủ", Keith A. Darden, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học American ở Washington, nhận định.

Ngoài việc hoài nghi về ai sẽ là người tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1 tới, các cử tri tham gia phỏng vấn còn cho cho thấy họ mất niềm tin vào hệ thống bầu cử Mỹ.

"Niềm tin của tôi đối với các cuộc bầu cử hiện ở mức rất thấp", John Kenny, 55 tuổi, người từng bỏ phiếu cho Trump, nói. "Tôi đã nghĩ rằng đó là một hệ thống khá tốt. Và giờ tôi không biết ai đã bỏ phiếu, hay họ đã bỏ phiếu thế nào và mọi thứ. Tôi không còn tin tưởng nó".

Everit, người tham gia cuộc biểu tình hôm 12/12, không đi bỏ phiếu năm 2016. Nhưng ông cho biết lần này đi bầu vì lo sợ Trump không thể thắng cử và bởi ông không thích các lãnh đạo lâu đời của cả hai đảng.

Everit không tin Biden thắng cuộc bầu cử này, nhưng chấp nhận thực tế Biden sẽ nhậm chức vào tháng tới. Ông đã chụp một bức ảnh trước chiếc xe buýt màu đỏ với dòng chữ "Diễu hành ủng hộ Trump" và sau đó lái xe trở về nhà ở Pennsylvania.

"Tôi có thể sẽ không bao giờ bỏ phiếu nữa", ông nói. "Đảng Dân chủ chắc thích điều đó".

Không riêng Everit, nhiều cử tri ở các khu vực mà Trump thắng áp đảo đều không tin Biden đã chiến thắng.

"Xung quanh đây, mọi người đều nghĩ cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi Trump", Evelyn Adkins, 56 tuổi, nhân viên làm bánh ở hạt Letcher, bang Kentucky, nơi Trump giành được 79% phiếu bầu, nói. "Họ sẽ luôn nói rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp khỏi ông ấy. Họ sẽ không bày tỏ phẫn nộ và đốt phá các tòa nhà, nhưng suy nghĩ đó sẽ kéo dài mãi và không bao giờ biến mất".

"Có một điều chắc chắn trong tâm trí tôi là đã có gian lận ngay từ đầu", Theda Kasner, nhân viên y tế về hưu ở Wisconsin, nói.

Bà cho biết đã bị sốc khi biết Biden giành được nhiều phiếu bầu đến vậy, khi nói rằng gần như không thấy ai trong hạt của bà bỏ phiếu cho Biden. Kết quả Biden thắng ở bang Arizona, bang mà bà đã sống trong 20 năm, cũng khiến Kasner thấy hoài nghi.

"Tin tôi đi, Arizona là bang của người Cộng hòa", Kasner nói. "Khi có kết quả tôi đã với với John (chồng bà) rằng 'có điều gì đó không ổn ở đây'".

Thậm chí đến lúc này vẫn còn rất nhiều người ủng hộ tin vào cơ hội Trump lật ngược thế cờ, trong đó có Julia Calveria, 63 tuổi, bác sĩ nhãn khoa về hưu, người đã đi hơn 9 tiếng từ phía tây Bắc Carolina tới tham dự cuộc biểu tình ở gần Nhà Trắng hôm 12/12.

"Trump có thể đang ém một quân bài bất ngờ nào đó", bà nói. "Bạn không bao giờ biết được. Tôi sẽ kiên trì cho tới ngày 20/1".

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

Tags:
40 tuổi, tôi nhận ra những điều quan trọng nhất: Đọc sách rất cần thiết, một mình là thường thái, sống cần lý trí hơn trong tình cảm...

40 tuổi, tôi nhận ra những điều quan trọng nhất: Đọc sách rất cần thiết, một mình là thường thái, sống cần lý trí hơn trong tình cảm...

Thực ra, cô đơn, là một trạng thái rất bình thường của cuộc sống, và trên hết, nó là một kiểu trí tuệ của cuộc đời, bởi lẽ khi ở một mình, chúng ta mới biết cách làm sao để chăm sóc cho nhu cầu bên trong của mình. Sẽ có một ngày bạn hiểu được ra rằng, bất kể bạn có nỗ lực tới đâu, thực ra, cũng sẽ không có quá nhiều người quan tâm tới bạn. Phần lớn mọi người đều chỉ nhìn vào kết quả, quá trình bạn có vất vả, có khó khăn tới đâu cũng chẳng phải việc của họ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất