Những người trẻ mang nỗi buồn Covid-19

Những ngày giãn cách, Trần Thu Hồng cảm thấy mất khả năng kiểm soát cuộc đời, mọi thứ đột ngột đứng yên một chỗ, hoặc nếu có, chuyển động cũng rất chậm.

20:00 17/09/2021

2021 đáng lẽ là một năm đầy triển vọng với Hồng nhưng Covid-19 đã khiến mọi thứ lỡ dở. Hai chuyến du lịch bị hủy, thẻ bơi bỏ xó, việc học thạc sĩ cũng lùi vô hạn vì cô cho rằng học online không hiệu quả. Trong căn nhà nhỏ ở Cầu Giấy, Hà Nội, cô gái 25 tuổi không thể đưa ra bất cứ dự tính nào, dù trước đây tự nhận mình là người sống có kế hoạch.

Cả ngày quẩn quanh, những suy nghĩ tiêu cực tìm đến, kích động nỗi lo âu mà Hồng từng mất hơn một năm điều trị. Cô lo không bắt kịp bạn bè đồng lứa vì đã ra trường muộn mà hiện không thể tăng tốc. Cô lo không thể đạt được những thành tựu nên có ở tuổi 25, ví dụ độc lập tài chính và ra ở riêng. Nỗi lo lớn đến mức chỉ cần thấy con dao hay cái cốc là Hồng tưởng tượng ra cảnh con dao, cái cốc ấy rơi xuống, đâm vào chân mình.

"Mình sợ lại tái phát bệnh rối loạn lo âu. Nỗi sợ ấy khiến sự lo lắng thêm trầm trọng, tạo thành một vòng luẩn quẩn mà không biết giải quyết thế nào", cô gái chia sẻ. Để trấn an bản thân, Hồng tự nhủ mình đã thoát khỏi một lần, lần này sẽ thoát ra tiếp và lao vào công việc, có khi tới 14 giờ mỗi ngày.

Đại dịch khiến số người gặp vấn đề tăng lên, phần lớn ở độ tuổi dưới 30. Ảnh: straitstimes.
Đại dịch khiến số người gặp vấn đề về tâm lý tăng lên, phần lớn ở độ tuổi dưới 30. Ảnh: Straitstimes

Hồng không phải trường hợp duy nhất gặp vấn đề tâm lý mùa dịch. Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, giảng viên ĐH Thái Nguyên, Covid-19 được coi như một cơn sang chấn tập thể, nghĩa là ai cũng có thể bị ảnh hưởng về mặt tinh thần.

Trạng thái hoang mang vô định, không biết ngày nào thoát ra được hay mọi thứ đột ngột bị dở dang như Trần Thu Hồng là phổ biến nhất, bà Nhung cho biết.

Tham gia Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ tâm lý cho người dân và tiếp nhận trung bình 15-30 ca mỗi ngày, bà Nhung nhận thấy mỗi độ tuổi lại gặp phải những khó khăn khác nhau. Ví dụ, học sinh, sinh viên lo việc học online, không biết bao giờ được quay trở lại trường và gặp bạn bè. Người già lo về các vấn đề bệnh nền có sẵn và dễ nhiễm virus. Lao động tự do đối mặt với nỗi lo mất việc, gánh nặng chi phí nếu phải cách ly hoặc băn khoăn về thời điểm, điều kiện đi làm lại.

Các nghiên cứu khắp thế giới chỉ ra, giãn cách xã hội do Covid-19 tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần của con người. Ở Hàn Quốc thậm chí còn phát sinh thuật ngữ "nỗi buồn Corona" để chỉ tình trạng trầm uất do Covid-19.

"Nó khiến cả những người khỏe mạnh cũng mệt mỏi", tiến sĩ triết học người Đức gốc Hàn Byung-Chul Han của Đại học Nghệ thuật Berlin nhận định. Trong bài báo "Virus của sự mệt mỏi" trên trang The Nation hồi tháng 4,ông cho rằng virus khắc sâu những khủng hoảng sẵn có, đẩy chúng ta xa khỏi nhau và khiến con người càng cô độc trong thời đại mà mạng xã hội vốn đã làm mất đi kết nối.

Khủng hoảng vì cô độc và mất kết nối, như Byung-Chul Han miêu tả, là thứ Vũ Thu Giang nữ nhân viên văn phòng sống tại quận Tây Hồ gặp phải. "Hóa ra, được ngồi cạnh đồng nghiệp cũng đủ đem tới niềm vui", cô gái 26 tuổi rút ra kết luận sau vài đợt giãn cách xã hội.

Hướng nội, ít nói và thích một mình, nên Giang chưa từng nghĩ có ngày mình thấy trống trải đến thế. Nhằm xua đi nỗi cô đơn, Giang gọi điện cho bạn bè từ đông sang tây. Ban ngày, cô gọi điện cho các bạn ở . Đến đêm, tới lượt các bạn bên Mỹ. Giang muốn "cứ lúc nào thức là có bạn bên cạnh".

Cơn thèm giao tiếp khiến lịch sinh hoạt của Giang bị đảo lộn. Thay vì ngủ lúc 22h như trước, cô thức đến 2 - 3h sáng để được trò chuyện. Sáng hôm sau, Giang không thể bắt đầu công việc lúc 8h như quy định mà chỉ tỉnh táo từ chiều trở đi. Cô đôi khi ngủ gật, thậm chí không biết mình đang làm gì và quên mất nhiệm vụ được giao.

Chưa kể, Giang thấy áp lực khi ở nhà 24/7 với bố mẹ. Bố Giang thường mở cửa phòng con bất thình lình. Thấy con gái 9h mới dậy, ông kết luận cô lười biếng. Thấy con vừa làm vừa nói chuyện với bạn, ông mắng cô ham chơi. Giải thích không được, Giang tránh mặt gia đình bằng cách trốn trong phòng và hạn chế ăn cơm cùng. Nhưng càng thế, cô càng thấy đơn độc.

Giới trẻ được cho là có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt lại trở thành nhóm đối tượng chịu tác động tâm lý nặng nề nhất do Covid-19.

Báo cáo tháng 6/2020 của CDC Mỹ cho thấy đại dịch làm tăng tình trạng lo âu, trầm cảm và tăng lạm dụng chất hướng thần, nghiêm trọng nhất là độ tuổi 18 - 24. Ở Pháp, khảo sát trên 30.000 người vào năm ngoái cho thấy giới trẻ xếp hạng thấp nhất về sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu khác do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện năm 2020 tại 112 quốc gia, cảnh báo hai phần ba thanh niên từ 18 đến 29 tuổi có nguy cơ bị lo âu và trầm cảm.

Tiến sĩ Nhung cũng ghi nhận điều tương tự. Trong số những ca được bà hỗ trợ tâm lý mùa dịch, 60% là người từ 18 đến 30 tuổi. "Hầu hết chia sẻ đến từ các bạn trẻ cảm thấy mất phương hướng, mất mát tình cảm, không cảm nhận mình đang sống hay cảm giác tù túng do phải tuân thủ các quy định giãn cách", chuyên gia cho biết.

Theo bà Nhung, có ba lý do khiến giới trẻ dễ bị tác động bởi dịch bệnh. Đầu tiên, dịch bệnh kéo đến đột ngột nên họ chưa kịp thích ứng. Thứ hai, giới trẻ là nhóm đối tượng nhiều năng lượng, thích "bay nhảy" và đang có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội trong thời điểm quan trọng để hình thành bản sắc. Thứ ba, thế hệ Y và thế hệ Z đều là thế hệ đang đi làm hoặc đi học nên dễ nảy sinh mâu thuẫn nếu phải ở nhà quá lâu hay phải chịu sự kiểm soát hàng ngày của bố mẹ, người thân.

"Hãy ngủ đủ giấc, ăn uống đúng bữa và đủ chất, thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bạn hãy chấp nhận các suy nghĩ, cảm xúc của bản thân và tập trung vào những thứ làm được ở thời điểm hiện tại để kiểm soát những lo lắng về tương lai", tiến sĩ Nhung khuyên và khuyến cáo thêm, khi thấy các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, mọi người đừng ngần ngại tìm sự trợ giúp từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.

Chiều 14/8, Phạm Nguyên Quân ra hành lang đi dạo cho khuây khỏa. Dù vẫn buồn vì mất hai người bạn thân trong tháng 8 vì Covid-19 nhưng anh tự nhủ mình cần mạnh mẽ để hỗ trợ con nhỏ mà hai bạn để lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chiều 14/8, Phạm Nguyên Quân ra hành lang đi dạo cho khuây khỏa. Dù vẫn buồn vì mất hai người bạn thân trong tháng 8 vì Covid-19 nhưng anh tự nhủ mình cần mạnh mẽ để hỗ trợ con nhỏ mà hai bạn để lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với Phạm Nguyên Quân, 28 tuổi, ở TP HCM, giải pháp chính là cố gắng rút ra bài học từ nỗi buồn. Chỉ trong tháng 8, chàng trai làm nghề thiết kế ở quận 12 mất hai người bạn do dịch bệnh. "Họ đều chưa tới 30 tuổi, từng đầy sức sống nhưng đã bị dịch quật ngã", Quân nói.

Việc không thể nhìn mặt bạn lần cuối cùng khiến Quân day dứt. "Covid-19 có thể đi qua, nhưng hệ quả do nó để lại còn mãi", anh giãi bày. Một tuần trở lại đây, anh tự nhủ mình phải mạnh mẽ không chỉ cần tiếp tục cuộc đời của mình, Quân còn muốn hỗ trợ gia đình hai người bạn kia bởi họ đều để lại con nhỏ.

Quân cũng nhận ra Covid-19 đưa con người trở về những giá trị căn bản. Thay vì mải chạy đua cơm áo gạo tiền, anh dặn bản thân phải biết quan tâm gia đình, bạn bè hơn để "nhỡ có chuyện gì thì không phải hối tiếc như bây giờ".

"Chúng ta đâu cần xe sang hay đồ đẹp, chỉ cần một cuộc sống tử tế", Quân nói.

*Tên một số nhân vật đã được thay đổi.

Tags:
Chính quyền Biden và CDC Mỹ bất hòa vì việc tiêm mũi 3

Chính quyền Biden và CDC Mỹ bất hòa vì việc tiêm mũi 3

Đang có nhiều tranh cãi giữa chính quyền của Tổng thống Biden và giới chức CDC trong bối cảnh chính phủ Mỹ thúc đẩy việc tiêm chủng mũi vaccine thứ 3 cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất