Những người Trung Quốc bế tắc ở Mỹ

Sau khi bị sa thải hồi tháng trước, Tang Chen không thể ngủ ngon, trong đầu luôn lửng lơ câu hỏi: Liệu mình có thể ở lại Mỹ?

02:30 10/04/2020

Tang đến từ tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, nhưng đã tới Mỹ làm việc từ năm 2014. Visa lao động H1-B của cô sẽ hết hạn vào cuối năm nay, vì thế, công ty của Tang ở Fort Washington, Pennsylvania, nơi cô làm việc với vai trò nhà phát triển phần mềm, đã bắt đầu xin thẻ xanh cho cô để Tang được sống và làm việc tại Mỹ lâu dài.

Hành khách xếp hàng lên một chuyến bay của hãng hàng không Air China khởi hành từ New York ngày 13/3. Ảnh: Reuters.
Hành khách xếp hàng lên một chuyến bay của hãng hàng không Air China khởi hành từ New York ngày 13/3. Ảnh: Reuters.

Người phụ nữ 33 tuổi rất tự tin vào cuộc sống tương lai trên đất Mỹ. Cô thậm chí đã mua một căn hộ. Nhưng Tang bất ngờ bị sa thải vào ngày 13/3, khi Covid-19 càn quét nước Mỹ và khiến nền kinh tế nước này rơi vào đình trệ.

Cô không chỉ mất đi nguồn thu nhập và còn mất luôn cả cơ hội lấy thẻ xanh. Công ty cũ quyết định rút lại đơn xin thẻ xanh cho cô. Con đường trở thành thường trú nhân Mỹ của Tang bỗng chốc lâm vào ngõ cụt.

Khi những người có visa H1-B như Tang mất việc, họ có 60 ngày để đăng ký thay đổi trạng thái, chẳng hạn trở thành khách du lịch hoặc sinh viên, hay tìm một nhà tuyển dụng mới sẵn sàng tài trợ visa làm việc của họ.

Nếu không thể tìm một công việc mới hay thay đổi trạng thái visa, họ sẽ phải rời Mỹ hoặc ở lại trái phép. Nếu rời Mỹ sau khi đã ở quá hạn hơn 180 ngày, họ có thể bị cấm đặt chân trở lại Mỹ trong tương lai.

Tìm kiếm một công việc trong bối cảnh hiện tại, giữa đại dịch Covid-19 với nguy cơ suy thoái kinh tế, là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Việc tìm một chủ lao động mới sẵn lòng gánh vác thêm chi phí và giấy tờ liên quan đến việc xin visa cũng gian nan không kém. Kể từ khi mất việc, Tang không gặp may khi đi phỏng vấn và cô không mấy lạc quan về cơ hội được tuyển mộ của mình.

Cô đã đăng ký quay về Trung Quốc, nhưng cuối cùng nhận ra mình không thể. Không còn vé cho bất kỳ chuyến bay thẳng nào từ Mỹ về Trung Quốc trong tháng 4. Tang sợ một chuyến bay quá cảnh sẽ khiến cô có nguy cơ nhiễm nCoV cao hơn.

"Ngay cả nếu tôi muốn về bây giờ, tôi cũng không mua nổi vé máy bay", Tang nói. Thay vào đó, cô đang tuyệt vọng nộp đơn vào trường đại học để có visa sinh viên, giúp cô ở lại Mỹ một cách hợp pháp.

Trong bối cảnh Covid-19 đang có dấu hiệu được kiểm soát ở Trung Quốc đại lục, nhà chức trách hiện nay tập trung mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng lây lan mới bắt nguồn từ nước ngoài.

Từ cuối tháng ba, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc đã cắt giảm số lượng chuyến bay quốc tế tới nước này xuống còn 134 chuyến mỗi tuần, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số chuyến bay trước đại dịch. Số lượng chuyến bay giảm đẩy giá vé tăng vọt. Lượng người đến Trung Quốc mỗi ngày bằng đường hàng không được giới hạn ở 4.000.

Không có thống kê chính thức về số công dân Trung Quốc bị mất việc ở Mỹ vì Covid-19, nhưng trong hai nhóm thảo luận trên WeChat, hàng trăm người nói họ đang lâm vào cảnh khó khăn vì không còn việc làm và chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Mỗi ngày, hai nhóm trên đều tràn ngập những thông điệp lo âu về tình trạng việc làm và triển vọng visa. Những người lao động mới bị sa thải và những người sắp hết hạn visa cùng bàn luận về những giải pháp tiềm năng và cho nhau lời khuyên vượt qua khó khăn.

"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người bị mất việc đến thế", Ying Cao, luật sư di trú tại New York có khách hàng chủ yếu là người Trung Quốc, nói. "Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn năm 2008", cô cho biết thêm, đề cập tới cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế cách đây hơn 10 năm, làm mất đi 2,6 triệu việc làm.

Tháng trước, Cao nhận được gấp đôi số câu hỏi so với những tháng bình thường khác. Cô khuyên hầu hết các khách hàng của mình rằng họ nên nộp đơn xin thay đổi trạng thái nếu visa sắp hết hạn nhằm "mua" thêm thời gian.

Tsui Yee, luật sư di trú khác ở New York, cho hay nhiều khách hàng của cô cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Vài tuần gần đây, cô liên tục nhận được các cuộc gọi hoảng loạn từ những khách hàng Trung Quốc.

"Môi trường nhập cư vốn đã tồi tệ nhưng đại dịch này còn đẩy nó đến chỗ còn thảm khốc hơn", Yee nói. "Nhiều khách hàng của tôi, những người ở Mỹ với visa làm việc, đang cực kỳ hoang mang".

Đến nay, giới chức Mỹ chưa có động thái thiết thực nào để giúp đỡ những người lâm vào hoàn cảnh như Tang. H1-B là loại visa lao động phổ biến nhất ở Mỹ. 5 năm qua, 900.000 visa H1-B đã được cấp. Nó được gắn với một chủ lao động cụ thể và có giá trị trong ba năm và có thể gia hạn thêm ba năm nữa.

Năm 2019, công dân Trung Quốc chiếm khoảng 15% số visa H1-B được cấp, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Cơ quan Di trú và Nhập cư Mỹ (USCIS) chưa có động thái tăng thời gian ân hạn cho những người sở hữu visa lao động hết hạn giữa đại dịch.

Số liệu thống kê chính thức cho thấy hơn 10 triệu người lao động Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng ba qua. Nhưng Yee và Cao, hai luật sư di trú, cho hay con số trên không bao gồm những người sở hữu visa lao động, bởi rất nhiều người còn đang lưỡng lự khi nộp đơn xin trợ cấp, bởi họ sợ rằng nếu làm vậy, cơ hội xin visa trong tương lai của họ sẽ tan biến.

Theo Cao, một vấn đề khác là dù người sở hữu visa lao động đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp theo luật di trú liên bang, họ có thể không đáp ứng điều kiện của một số bang nhất định, yêu cầu người nhận trợ cấp phải sẵn sàng làm việc. Dù người nắm giữ visa H-1B muốn bắt đầu ngay lập tức, họ vẫn cần được chuyển visa sang công ty mới trước khi đi làm trở lại. Quá trình này có thể mất nhiều tháng.

Với Walton Wang, người vừa mất cơ hội thực tập tại một công ty mỹ phẩm ở New York, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Wang đến Mỹ học đại học từ năm 2015. Là thành viên cộng đồng LGBT, anh luôn muốn ở lại Mỹ, một môi trường cởi mở hơn đối với những nhóm thiểu số về xu hướng tình dục so với Trung Quốc. Nhưng Wang đã thay đổi suy nghĩ sau khi chứng kiến cách chính phủ Mỹ đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như tình trạng gia tăng thái độ thù địch và bạo lực nhằm vào người châu Á tại Mỹ.

"Tôi không biết liệu mình có trở thành nạn nhân tiếp theo hay không", Wang nói. "Gần đây, tôi đang suy nghĩ về việc nhận dạng nào quan trọng hơn đối với mình: Người đồng tính hay người châu Á".

Wang cuối cùng đi đến kết luận: "Tôi nghiêng về phía bản sắc Trung Quốc của mình bởi tôi sẽ không bị đánh vì là người đồng tính ở Trung Quốc. Tôi thấy như mình không còn lựa chọn nào khác, một thực tế thật sự khắc nghiệt".

Tuy nhiên, giống như Tang, quyết định trở về quê hương không đồng nghĩa với việc Wang có thể trở về.

Wang đang trong thời gian ân hạn hậu tốt nghiệp, cho phép anh ở lại Mỹ mà không cần visa lao động trong một năm. Nhưng theo luật, anh phải xin được việc làm trong hơn 90 ngày và nếu dịch bệnh tiếp diễn, Wang tin chắc mình sẽ thất nghiệp trong ba tháng nữa.

Anh bắt đầu tìm chuyến bay về nước từ giữa tháng ba nhưng chưa thành công. "Tôi không có đường về Trung Quốc và không thể ở lại đây quá lâu. Tôi không còn nơi nào để đi", Wang nói.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Tranh cãi về quyền ưu tiên dùng máy thở ở Mỹ

Tranh cãi về quyền ưu tiên dùng máy thở ở Mỹ

Nhân viên y tế đang là những người được yêu quý nhất nước Mỹ. Dân chúng hát ca ngợi họ, nhớ tới họ như người hùng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất