Những người Việt ở Mỹ 'thủ thế' trước Covidi-19

Cách đây gần hai tháng, Nguyễn Trung ở New York, đã lường trước được tình huống thành phố anh sống trở thành tâm dịch Covid-19 của Mỹ.

13:00 29/03/2020

Khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và lan ra các nước giữa tháng hai năm nay, Trung, chủ một nhà hàng chuyên phở Việt, nhận thấy đây là loại bệnh rất dễ lây nhiễm. Tại New York, Trung cho rằng người dân tỏ ra không quan tâm đến dịch, giữ thói quen giải trí ngoài phố, chính quyền phản ứng chậm chạp. Trong khi đó, New York là thành phố đông dân, với dân số khoảng 10 triệu người, nhà chung cư chiếm đa số, phương tiện công cộng cũng phổ biến. Vì thế New York trở thành tâm dịch là điều dễ hiểu.

Ngày 26/3, Mỹ ghi nhận hơn 83.000 ca nhiễm nCoV, vượt qua Trung Quốc và Italy, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. New York là tâm dịch của cả nước với số ca nhiễm vượt 37.000 và gần 400 ca tử vong.

Trước diễn biến này, Trung cho biết cả nhà chức trách và người dân New York đã nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, thực hiện một loạt biện pháp chặn dịch. Thống đốc bang Andrew Cuomo yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu đóng cửa, toàn bộ nhân viên làm việc ở nhà. Mọi sự kiện đông người trên toàn bang đều bị huỷ. Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 28/3 cảnh báo bất kỳ ai vi phạm nguyên tắc "cách biệt cộng đồng" để ngăn Covid-19 sẽ đối mặt án phạt 500 USD.

"Tình hình được cải thiện, nhưng tôi nghĩ đã quá muộn", Trung nói.

Ngày 28/3, New York đã ghi nhận hơn 53.000 người nhiễm nCoVvà hơn 780 ca tử vong. Toàn nước Mỹ ghi nhận hơn 120.000 ca nhiễm và hơn2.100 người chết vì Covid-19.

Với tâm lý "thủ thế", Trung không cảm thấy lo lắng về dịch bệnh, tin rằng biện pháp "ở yên trong nhà" sẽ có hiệu quả, giúp anh và gia đình an toàn. Từ giữa tháng ba, Trung đóng cửa nhà hàng để tránh dịch. Hàng dự trữ của nhà hàng giúp anh không phải đi siêu thị hàng ngày, có thể tiêu dùng đủ trong 5 tháng tới. 

Người dân New York đi dạo ngày 27/3. Ảnh: AFP.
Người dân New York đi dạo ngày 27/3. Ảnh: AFP.

Cũng dự đoán trước diễn biến Covid-19 ở New York, Bùi Anh Thơ, đang điều hành từ xa một công ty du lịch nhỏ tại Việt Nam, cho biết một trong các nguyên nhân khiến ca nhiễm tăng nhanh là người dân chủ yếu đi lại bằng tàu điện ngầm. Để tránh dịch, Thơ và chồng, là nhân viên IT, quyết định hạn chế ra ngoài và làm việc ở nhà từ đầu tháng ba, trước khi chính quyền New York có lệnh cấm. Cô chọn các siêu thị ở xa trung tâm, ít người để mua sắm, thường xuyên mang găng tay. Vợ chồng Thơ không có kế hoạch sơ tán vì vẫn phải tập trung làm việc và lo nguy cơ lây bệnh ở sân bay hoặc trên máy bay. Thơ có lịch khám chụp X quang với bác sĩ nhưng cô vẫn chưa được sắp xếp, do các bệnh viện ở New York ưu tiên các bệnh nhân Covid-19.

Cô thường xuyên theo dõi thông tin, trong đó có ước tính một nửa dân số Mỹ có thể bị nhiễm nCoV. Thơ thừa nhận "không nói trước được gì" về nguy cơ với mình. 

"Tôi và chồng hạn chế tiếp xúc với người ngoài, bồi bổ sức khoẻ, chăm tập thể dục và cố gắng suy nghĩ tích cực trong thời gian này", Thơ nói.

Lê Tuấn Anh, một người làm du lịch, cho rằng nguy cơ lây nhiễm cao vì thành phố này là trung tâm kinh tế, văn hoá của Mỹ, hầu hết khách quốc tế đều đi qua đây. Anh ước tính số người nhiễm nCoV có thể cao hơn nhiều so với công bố chính thức, vì Mỹ không xét nghiệm người bị nhẹ, do thiếu thiết bị y tế. Tuy nhiên, Tuấn Anh không cho rằng chính quyền "phản ứng chậm", vì họ khó đưa ra lệnh hạn chế đi lại khi dịch chưa lan rộng. Khi diễn biến xấu đi, chính quyền bang và liên bang đã có các biện pháp khắc phục như lập các bệnh viện dã chiến, huy động nhân viên y tế đã nghỉ hưu và tăng cường nguồn thiết bị y tế. Người dân New York chuẩn bị tinh thần đỉnh dịch sẽ đến vào cuối tháng 4, khoảng 60% dân số bị nhiễm bệnh. 

Nguyễn Yến, làm tư vấn tự do, cho rằng quan chức New York ban đầu chậm trễ nhưng sau đó đã chủ động đưa ra nhiều quyết định giúp ngăn dịch lan rộng. Tuy nhiên, hiệu quả thì "hiện còn quá sớm để đánh giá". Cô cũng chuẩn bị sẵn tinh thần mình có thể bị nhiễm nCoV vì có thể tiếp xúc với người nhiễm mà chưa được xét nghiệm. Chính quyền quy định người nào có triệu chứng và không khỏi sau 3-4 ngày mới được đến bệnh viện.

Tại California, một trong các bang có số ca nhiễm nCoV cao nhất Mỹ, Maria Tú, làm trong lĩnh vực công nghệ điện tử, cho rằng nguyên nhân là chính quyền bang không kiểm soát chặt người đi từ nước ngoài về từ đầu năm nay. Bên cạnh số lượng lớn người từ Trung Quốc trở lại, Mỹ cũng không có biện pháp phòng dịch từ những người trở về từ du thuyền MS Westerdam, nơi từng phát hiện ca nhiễm nCoV và sau đó cập cảng Campuchia.

Tú cho biết người dân ở California vẫn xem thường mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch, thanh niên tập trung đông ở bãi biển, công viên. Nhiều người tin rằng số người chết vì Covid-19 sẽ thấp hơn Italy nhiều lần. 

Là người thường xuyên đi leo núi vào cuối tuần, Tú cũng cảm thấy "hơi khó chịu" với lệnh hạn chế đi lại nhưng cô vẫn thực hiện nghiêm túc. Cô tin rằng mọi người cần ở trong nhà ít nhất một tháng để giúp ngăn dịch lây lan.

Với tình trạng nhiều người đi siêu thị mua đồ hiện nay, William Lê, một nhà kinh doanh nội thất ở Sacramento, California, cho rằng đó là một nơi có nguy cơ cao lây nhiễm nCoV. Anh mong muốn các siêu thị chuyển sang bán hàng online để giảm rủi ro. 

Nhà hàng phở Việt của Nguyễn Trung vắng khách vào giữa tháng 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhà hàng phở Việt của Nguyễn Trung vắng khách vào giữa tháng 3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Trump ký thông qua gói cứu trợ kinh tế 2.200 tỷ USD, trong đó trả tiền mặt trực tiếp cho người dân Mỹ. Mỗi cá nhân có thu nhập dưới 75.000 USD một năm sẽ được nhận 1.200 USD.

Theo Tú, với những người bị mất việc làm do tác động của Covid-19 thì khoản 1.200 USD đủ cho họ cầm cự, không giúp họ bớt lo lắng về cuộc sống. Vấn đề cơ bản của Mỹ là cần tăng tốc sản xuất thiết bị y tế, đáp ứng được 50% nhu cầu trong nước; dự trữ đủ các mặt hàng thiết yếu và siết chặt quy định cách biệt cộng đồng, nếu dịch kéo dài. 

Mới đến Mỹ sống một năm, Thơ không thuộc diện được nhận hỗ trợ của chính phủ. Cô phải dừng hết công việc vì các tour chính là đến châu Âu và chỉ biết "chờ dịch chấm dứt". Tuấn Anh cho rằng cần ít nhất hai tháng nữa người dân mới nhận được, sau khi hoàn tất các thủ tục.

Miêu tả tình trạng "khó khăn chưa từng có trong hơn 40 năm ở Mỹ" do phải ngừng kinh doanh, ông Lê hy vọng sẽ được vay vốn với lãi suất thấp. Ông cho rằng khoản tiền 1.200 USD chỉ mang tính "xoa dịu" người dân, vì chính phủ đã không chặn dịch sớm.

Dù ngừng kinh doanh nhà hàng, Trung vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng lên đến 12.000 USD mỗi tháng. Anh trông chờ được vay lãi suất thấp hoặc không lãi trong gói cứu trợ của chính phủ, để bớt "mất ăn mất ngủ".

Trung đang dành phần lớn thời gian ở nhà, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh. Thỉnh thoảng, anh đến cửa hàng kiểm tra xem có bị đập phá rồi lại đi về.

Link nguồn: https://vnexpress.net/nhung-nguoi-viet-o-my-thu-the-truoc-covidi-19-4076073.html

Tags:
Nhà hàng Trung Quốc gây phẫn nộ vì 'ăn mừng' dịch bùng phát ở Mỹ, Nhật

Nhà hàng Trung Quốc gây phẫn nộ vì 'ăn mừng' dịch bùng phát ở Mỹ, Nhật

Tấm biển "chúc mừng" đại dịch hoành hành ở Mỹ và Nhật Bản của một nhà hàng Trung Quốc khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất