Những nông dân đội ơn Trump vì đánh thuế Trung Quốc
Nông dân trồng tỏi ở Mỹ mừng rỡ khi cuối cùng họ cũng dần chạm tới chiến thắng sau 25 năm cạnh tranh với hàng Trung Quốc, nhờ có Trump.
21:30 23/11/2019
"Thật sai lầm khi nói không có ai chiến thắng trong chiến tranh thương mại", Ken Christopher, phó chủ tịch công ty sản xuất tỏi Christopher Ranch ở thành phố Gilroy, bang , Mỹ, cho biết. "Chỉ tới khi các mức thuế với tỏi Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực, mặt hàng này mới thực sự trở nên cạnh tranh tại California".
Từ đầu những năm 1990, nông dân trồng tỏi ở Mỹ đã bắt đầu phàn nàn rằng tỏi Trung Quốc đang tràn lan trên thị trường nước này với mức giá thấp hơn cả chi phí sản xuất, được cho là hành vi "bán phá giá". Chính quyền sau đó tiến hành điều tra và kết luận hồi năm 1994 rằng một số công ty Trung Quốc thực sự đang bán tỏi "thấp hơn mức giá hợp lý" tại Mỹ.
Kết quả là bất cứ công ty Trung Quốc nào vi phạm đều bị đánh thuế tới 277%. Tuy nhiên, họ sớm tìm ra nhiều biện pháp "lách luật" theo từng trường hợp cụ thể, đơn giản như cách thành lập các doanh nghiệp bình phong mới.
Christopher ví tình trạng này như "trò chơi đập chuột", có nghĩa là luôn xuất hiện những "ngách" mới để né trừng phạt và không thể giải quyết triệt để vấn đề. Vì vậy, tỏi Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Mỹ. Trong số 12 trang trại trồng tỏi thương mại của Mỹ hoạt động trong những năm 1990, chỉ ba nhà sản xuất lớn nhất còn tồn tại.
Tuy nhiên, những nông dân vẫn bám trụ cho biết các mức thuế của Trump đối với tỏi Trung Quốc hiện nay đang phát huy hiệu quả, bởi nó được áp dụng toàn diện và ngay lập tức. Các công ty nhập khẩu không còn biện pháp nào để tránh né chúng. Mỹ ban đầu áp mức thuế 10% với tỏi Trung Quốc vào tháng 9/2018, sau đó tăng lên 25% hồi tháng 5.
Christopher Ranch là một trong ba công ty sản xuất tỏi Mỹ chèo chống được qua giai đoạn khó khăn vào thập niên 90. Giờ đây, sản lượng của họ đạt 45 triệu kg mỗi năm, cung cấp gần 1/3 số tỏi tươi được tiêu thụ tại Mỹ. Christopher cho biết doanh số của công ty gia đình này tăng vọt ngay từ khi vòng thuế đầu tiên với tỏi Trung Quốc nhập khẩu có hiệu lực.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi tháng 8/2018, một thùng tỏi trắng Trung Quốc 13,6 kg có giá 25-30 USD tại thành phố Boston, trong khi khối lượng tỏi California tương đương có giá 68 USD. Sau khi các mức thuế được áp dụng, giá thùng tỏi Trung Quốc tăng lên mức 52-55 USD và tỏi California là 70-74 USD. Dù tỏi Trung Quốc vẫn rẻ hơn, khoảng cách về giá cả đã thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, Jack Vessey, nông dân thế hệ thứ tư, không kịp hưởng thành quả từ "làn gió xoay chiều" này. Công ty Vessey & Company của gia đình ông ngừng trồng tỏi vài năm trước do không thể kiếm được lợi nhuận trước sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc nhập khẩu.
"Bỏ kinh doanh tỏi là quyết định vô cùng khó khăn với tôi. Ba thế hệ đi trước đã dành phần lớn cuộc đời để trồng loại thực phẩm này. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có cơ hội tồn tại đến thế hệ thứ năm, chúng tôi buộc phải thoái vốn đầu tư vào tỏi", Vessey cho biết.
Gia đình ông đã trồng tỏi cùng một số loại rau như bắp cải và súp lơ trong gần 100 năm. "Tỏi chiếm hơn 50% doanh thu của chúng tôi suốt nhiều năm, nhưng sau khi Trung Quốc bắt đầu bán phá giá sản phẩm tại thị trường Mỹ, chúng tôi phải cắt giảm diện tích trồng và chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác", Vessey nói.
Frank Lavin, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã quá nhanh chân ứng phó với biện pháp đánh thuế của Washington hồi năm 1994. "Để tránh bị phát hiện và nhận án phạt, họ chỉ cần thành lập một thực thể giả mạo khác. Thực tế là họ đã nhanh chân hơn hải quan Mỹ", ông nhận định.
Christopher ca ngợi các đòn thuế của Trump không như vậy. "Chúng rất dễ thực thi, bởi tỏi thậm chí không thể xâm nhập vào Mỹ khi chưa bị đánh thuế. Điều này đã thay đổi cuộc chơi về mặt chiến thuật", anh cho hay, nói thêm rằng truyền thông Mỹ đã phạm sai lầm khi công kích chính sách thuế quan của Tổng thống.
"Báo chí không ngừng đưa tin phiến diện rằng các mức thuế đang làm tổn hại nông dân Mỹ, trong khi nó thực sự mang lại lợi ích cho ngành kinh doanh tỏi trong nước", người đàn ông 33 tuổi nói.
Ánh Ngọc (Theo BBC)
Những bức ảnh Sài Gòn năm 1971 qua ống kính người Mỹ
Những thiếu nữ áo dài trên phố, đường Đồng Khánh nhìn từ trên cao, pa-nô quảng cáo trên nóc thương xá TAX… là loạt ảnh vô cùng sinh động về Sài Gòn năm 1971 do phó nháy người Mỹ Vincent Yip thực hiện.