Những nước bình thản với virus corona
Tại Myanmar, loa phóng thanh phát lời khuyên của nhà sư: đặt 7 hột hạt tiêu trên lưỡi sẽ tránh được virus corona đang lan rộng khắp thế giới.
11:00 12/02/2020
Myanmar là một trong những quốc gia Đông Nam Á chưa ra quyết định hạn chế đi lại với Trung Quốc trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) đang hoành hành.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto khuyên người dân không nên căng thẳng và tránh làm việc ngoài giờ để phòng dịch viêm phổi, vốn đã khiến 427 người thiệt mạng và hơn 20.000 người lây nhiễm trên khắp toàn cầu.
"Phòng dịch này rất dễ, miễn là khả năng miễn dịch của bạn tốt", Terawan nói thêm.
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen nói trong một cuộc họp báo giữa tuần trước rằng ông sẽ đuổi bất cứ phóng viên nào đeo khẩu trang, vì điều đó tạo ra bầu không khí sợ hãi không đáng có. "Thủ tướng còn không đeo khẩu trang thì sao các bạn phải làm vậy?", ông nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi dịch viêm phổi do nCoV khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Nhưng động thái này dường như chưa làm rung lên hồi chuông cảnh báo ở một số quốc gia Đông Nam Á, nơi thu hút nhiều du khách và lao động Trung Quốc.
Theo phóng viên Hannah Beech của NYTimes, một số nước Đông Nam Á đã giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hoặc ngại có biện pháp mạnh tay vì lo làm mất lòng Trung Quốc, nước có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của họ. Đến nay, đã có ít nhất 57 người ở các nước Đông Nam Á nhiễm nCoV.
Các chuyên gia y tế lo lắng rằng phản ứng chậm trễ có thể đẩy nhanh sự lây lan của bệnh. "Mối lo ngại lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ virus lây lan sang các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn", Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nói.
Ngày 1/1, một cư dân Vũ Hán 44 tuổi qua đời tại Philippines, là ca nhiễm nCoV đầu tiên tử vong ngoài Trung Quốc. Virus đã lan đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Vài giờ trước khi thông tin nạn nhân tử vong được công bố, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cấm nhập cảnh với hầu hết du khách đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau gần đây. Đầu tuần trước, Duterte, người chủ trương đưa Philippines xích lại gần Trung Quốc và rời xa đồng minh truyền thống Mỹ, từng nói rằng không có lý do gì để cấm du khách đến từ Trung Quốc đại lục. Nhiều chuyên gia y tế Philippines đã lên tiếng chỉ trích phát biểu này của Duterte.
Nhà hoạt động Anthony Leachon thúc giục chính quyền Philippines ra lệnh cấm người Trung Quốc nhập cảnh, mặc dù động thái này có nguy cơ làm Bắc Kinh phật ý. "Các quốc gia nên phá vỡ nghi thức để cứu người dân", Leachon nói.
Với 19 trường hợp nhiễm được xác nhận, Thái Lan là nước có nhiều ca nhiễm nCoV nhất Đông Nam Á, tiếp theo là Singapore với 18 ca.
Thái Lan cuối tuần trước thông báo một tài xế taxi dương tính với nCoV, rất có thể sau khi tiếp xúc với một du khách Trung Quốc. Một ca nhiễm khác ở Thái Lan là người đàn ông Trung Quốc đến Chiang Mai. Ông này ban đầu được chẩn đoán âm tính với nCoV và được chuyển ra khỏi khu cách ly để vào một phòng bệnh chung, trước khi được phát hiện dương tính với virus.
"Nguy cơ ông ấy lây bệnh cho người khác rất thấp", Rungrueng Kitphati, phát ngôn viên của Bộ Y tế Thái Lan, nói, cho biết khoảng cách giữa các giường bệnh là hơn một mét. "Nhân viên y tế luôn rửa tay khi ra vào phòng. Virus sẽ không lây sang người khác".
Nhưng ở Vũ Hán, các nhân viên y tế đã bị lây nCoV, bao gồm một bác sĩ từng cảnh báo về loại virus bí ẩn này từ tháng 12/2019, người sau đó bị cảnh sát thành phố cảnh cáo về hành vi lan truyên tin đồn "bất hợp pháp".
Khi virus lan rộng khắp khu vực, một số nước vẫn chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của nó. Tại một bệnh viện ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, một bài thuyết trình về ngăn chặn dịch nCoV có dòng chữ: "Đừng sợ nCoV. Nó không 'bền' được lâu đâu vì nó 'được sản xuất' tại Trung Quốc".
"Sức khỏe không phải trò đùa, virus cũng vậy", Aung Aung, bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện đa khoa Mandalay, nói. "Tôi không nghĩ rằng Myanmar có kỹ thuật hiện đại để xác định có virus ở đây hay không".
Ngày 31/1, Myanmar công bố trường hợp nghi nhiễm nCoV đầu tiên là một người đàn ông Trung Quốc từ Quảng Châu. Myanmar không có khả năng kiểm tra xem người này có nhiễm nCoV hay không, mà phải gửi mẫu cho Thái Lan hoặc Hong Kong (Trung Quốc) và có thể cần đợi một tuần mới có kết quả.
Ngay cả các quan chức cấp cao nước này cũng tin vào những tin đồn về các phương thuốc dân gian chữa nCoV. Sau khi một người dùng Facebook ở Myanmar viết rằng hành có thể giúp ngăn lây truyền virus, nhiều người đã chia sẻ bài viết, trong đó có U Myint Mg, lãnh đạo vùng Tanintharyi. "Chính phủ Trung Quốc thông báo rằng mọi người nên dùng và mang theo càng nhiều hành càng tốt", người này viết mà không có bằng chứng thực tế.
Campuchia có một ca nhiễm bệnh là công dân Trung Quốc ở Sihanoukville, nơi hàng chục nghìn lao động Trung Quốc làm việc. Khoảng 3.000 du khách từ Vũ Hán bay đến Campuchia kể từ khi dịch được công bố vào tháng trước, theo giới chức hàng không dân dụng Campuchia.
Một số người Campuchia lo ngại tác động tiềm tàng của virus không được thông báo đầy đủ vì lý do chính trị. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế của nước này cho rằng khí hậu nóng ẩm của Campuchia có thể giúp họ tránh được nCoV.
Trung Quốc được cho là đã gây áp lực để khiến các quốc gia không cấm công dân nước này nhập cảnh vì virus corona. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ là "không phù hợp" và "không thiện chí".
Tại Thái Lan, các sân bay vốn luôn nhộn nhịp giờ vắng khách du lịch. Các quan chức du lịch nói rằng lượng khách từ Trung Quốc có thể giảm 80% trong 4 tháng đầu năm. Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul khuyến nghị dừng chương trình cấp thị thực nhập cảnh tại sân bay với người từ Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, hơn 180.000 du khách Trung Quốc đã vào Thái Lan trong hai tháng qua vẫn ở nước này. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha yêu cầu Anutin kiểm tra với các quan chức ngành du lịch trước khi đệ trình đề xuất chính thức tới nội các và quá trình này có thể mất nhiều ngày.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói ông sẽ không cấm các chuyến bay từ Trung Quốc. Ông cũng sẽ không sơ tán người Campuchia khỏi Vũ Hán như các quốc gia khác, vì họ "phải tiếp tục ở lại đó và chung sức với Trung Quốc chống lại căn bệnh".
"Có bất kỳ người Campuchia hay người nước ngoài nào ở Campuchia chết vì bệnh này không? Hiện tại, căn bệnh thực sự diễn ra ở Campuchia là bệnh sợ hãi, chứ không phải nCoV ở thành phố Vũ Hán", Hun Sen nói.
Indonesia, nơi có đường bay thẳng với Vũ Hán để đưa du khách đến đảo nghỉ mát Bali, không xác nhận bất kỳ ca nhiễm nCoV nào, gây lo ngại rằng họ đã theo dõi lỏng lẻo khách đến. Các ca nhiễm được phát hiện ở Malaysia, Singapore và Australia, ba quốc gia xung quanh ít dân hơn Indonesia.
Lào cũng chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nào, mặc dù có lượng lớn du khách và lao động Trung Quốc ở nước này.
Ngày 1/2, hàng trăm cư dân quần đảo Natuna của Indonesia biểu tình phản đối việc chính phủ đưa khoảng 240 người đã đến Vũ Hán đến cách ly tại đây.
"Người dân đang bực bội", Andes Putra, người đứng đầu nghị viện Natuna, nói, cho biết các quan chức địa phương được cung cấp rất ít thông tin về virus corona.
Giống như các quốc gia khác ở Đông Nam Á, Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào du khách Trung Quốc. Chỉ riêng ngày 30/1, 10.000 du khách Trung Quốc đã hủy kế hoạch đến Bali. Nhưng vào ngày 2/2, Indonesia ra lệnh cấm du khách từng đến Trung Quốc đại lục trong vòng 14 ngày.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan nói rằng nCoV sẽ không ảnh hưởng đến những người tập thể dục đúng cách và ngủ đủ giấc. "Đừng lo lắng", ông nói. "Hãy cứ ăn no ngủ kỹ".
Link nguồn: https://vnexpress.net/the-gioi/nhung-nuoc-binh-than-voi-virus-corona-4049371.html
“Át chủ bài” của Tổng thống Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng là gì?
Sau khi được miễn tội, Tổng thống Trump ngày 7/2 đã có thể tự tin bắt đầu chiến dịch tranh cử với át chủ bài là “sức mạnh của nền kinh tế Mỹ”.