Những phút cuối của cô gái gốc Việt trong vụ xả súng Las Vegas
Năm nay là lần đầu tiên Michelle Vo đến lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest. Một chàng trai đã lấy thêm bia cho cô, họ nói chuyện về golf, cho đến khi những loạt đạn xả xuống.
23:23 05/10/2017
Rất nhiều bi kịch cá nhân đã xảy đến trong đêm 1/10 ở Las Vegas, giữa tiếng nhạc đồng quê vừa ngưng bặt và bên những ly bia chưa kịp uống hết. Đó có thể là câu chuyện của vợ chồng, cha con trong gia đình, cũng có thể là những bi kịch của những người chỉ vừa gặp gỡ nhau lần đầu nhưng lại chia sẻ với nhau khoảnh khắc của cái chết. Wesley Lowery, một nam phóng viên chuyên mảng luật và tư pháp tại Washington Post, đã kể một trong những câu chuyện gây xúc động nhất từ vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ.
Đó là một ngày gặp gỡ của cô gái gốc Việt Michelle và Kody Robertson ở lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest. Trong nửa đầu câu chuyện, họ cùng uống bia và nói chuyện về golf. Trong nửa còn lại, anh đi tìm cô ở các bệnh viện.
Golf, bia và nhạc đồng quê
Trong góc một quầy bar tại lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest, khi ngôi sao mới nổi Luke Combs bắt đầu màn trình diễn cũng là lúc Kody và Michelle nhìn thấy nhau lần đầu tiên. Kody là nhân viên bán phụ tùng xe hơi ở Columbus, bang Ohio, còn Michelle là nhân viên bảo hiểm đến từ Los Angeles, bang California.
Hai con người 32 tuổi tìm thấy mối liên hệ ngay lập tức. Họ nói chuyện về golf, sở thích chung của 2 người. Kody gọi thêm bia cho người phụ nữ gốc Việt. Michelle thì khoe với anh hình xăm hoa lớn hầu như che kín phần lưng của cô. Rồi cả 2 nhận ra họ đều lưu lại khách sạn Luxor, Las Vegas.
Kody kể cho Michelle rằng anh từng đến Vegas cùng bạn để thưởng thức lễ hội Route 91 Harvest năm ngoái. Michelle chia sẻ cô mới thích thể loại này gần đây và đây là lễ hội đầu tiên của cô. Michelle tới Vegas một mình.
Vào đêm cuối của lễ hội, hai người bạn mới gặp cùng thưởng thức âm nhạc ở vị trí cách sân khấu chính khoảng 18 m, xung quanh họ là các cặp vợ chồng và một nhóm thanh niên huyên náo trong bữa tiệc độc thân.
Loạt đạn đầu tiên vang lên.
Lời hứa
Lúc đó là 22h08. Kody và Michelle ngước lên trời vì tưởng âm thanh họ nghe thấy là tiếng pháo hoa. Rồi loạt đạn thứ hai trút xuống. Mưa đạn bắn ra xối xả từ một cửa sổ ở tầng 32 của khu nghỉ dưỡng Mandalay Bay.
Tiếng la hét xen lẫn tiếng súng nổ ngắt quãng. Jason Aldean, ca sĩ đang trình diễn bỗng vội vã rời sân khấu. Đúng lúc ấy, một viên đạn xuyên qua ngực trái Michelle.
“Cô ấy trúng đạn. Tôi quay sang và thấy cô ấy ngã gục xuống đất”, Kody nhớ lại. “Cô ấy đứng ngay bên tôi lúc ấy, có chăng chỉ cách 60 phân”.
Phản ứng đầu tiên của Kody là ngay lập tức nhoài người ra, dùng thân thể che chắn cho Michelle khỏi làn đạn. Và khi loạt súng có vẻ như tạm ngừng, anh cùng với một người đàn ông khác đưa Michelle ra khỏi khu vực. Chốc chốc họ lại phải dừng lại khi kẻ sát nhân tiếp tục nã súng.
Cuộc tàn sát đêm 1/10 ở Las Vegas, vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại, đã cướp đi ít nhất 59 sinh mạng và làm bị thương 527 người. Những dòng trạng thái hoảng loạn, những video rúng động quay từ hiện trường tái hiện lại bối cảnh địa ngục chết chóc tại đêm nhạc Las Vegas, nơi hàng nghìn người hoảng loạn tìm chỗ ẩn nấp và tháo chạy thoát thân.
“Michelle, Michelle!”, Kody gào lên khi anh và người đàn ông còn lại thay nhau hô hấp nhân tạo cho cô. Người phụ nữ nằm đấy bất động, không một tín hiệu hồi đáp. “Tỉnh lại đi mà!”, anh gào thét trong tuyệt vọng.
Cuối cùng, Kody gặp được một chiếc xe tải trắng đang trên đường tới bệnh viện. Anh đặt Michelle lên lên xe, rồi quay trở lại khu vực sân khấu.
Khi Kody trở vào trong, giữa những xác người và gần nơi họ vừa đứng nhảy cùng nhau, anh tìm thấy ví của Michelle nhưng điện thoại của cô lại không ở đó. Chàng trai điên cuồng gọi đến số mà cô gái đã đưa cho đến khi có người bắt máy. Một nhóm người đi nghe nhạc đã nhặt được chiếc điện thoại khi họ chạy ra khỏi cổng và trao lại cho Kody sau đó.
Kody không thể mở khóa điện thoại của Michelle để trả lời hàng loạt tin nhắn vừa được gửi đến máy cô. Anh đi bộ đến bệnh viện gần nhất là Desert Springs, vừa đi vừa nhắn tin báo an toàn cho gia đình và bạn bè mình.
Lúc đó là 3h sáng 2/10. Vết máu trên quần jean và tay của Kody đã khô đi. Anh đang đứng đợi trước bệnh viện cũng bị đóng kín thì điện thoại của Michelle đổ chuông.
“Nói với tôi là cô ấy an toàn”, Jeremiah Hawkins, 37 tuổi và là anh rể Michelle, nói ở bên kia đầu dây.
Kody đáp lại bằng những gì anh biết. Rằng Michelle bị bắn trúng ngực và đã được đưa đến bệnh viện. Rằng Kody sẽ tìm bằng được cô. Anh hứa.
‘1m6. Gốc Á. Có hình xăm bông hoa’
Lúc gần sáng, việc phong tỏa kết thúc và mọi người được đi vào bệnh viện. Anh chạy đến một viên cảnh sát đứng ở cửa, tay vẫn cầm chiếc ví của Michelle.
“Ở đây các anh có người phụ nữ nào tên Michelle không? Hơn 1m6. Người gốc Á. Có hình xăm bông hoa lớn trên lưng. Cô ấy không có giấy tờ tùy thân đâu. Tôi đang cầm ví của cô ấy”.
Cô không có ở đó. Kody gọi đến tất cả những bệnh viện anh có thể tìm ra và vẫn không thấy cô đâu. Anh gọi đến đường dây nóng cảnh sát thiết lập. 60 lần, anh nghĩ thế. Kody không có được thông tin nào cả.
Kody gọi cho anh rể của Michelle để báo rằng anh không tìm thấy gì. Trên đường trở về khách sạn sau khi bị nhân viên bệnh viện yêu cầu rời đi, Kody vừa bước đi vừa tự nói với chính mình.
“Ai lại bắn vào một buổi diễn âm nhạc? Cô ấy chỉ cách mình nửa mét. Mình đã may mắn làm sao. Đó đã có thể là mình. Đã có thể là mình”.
Cách đó hàng nghìn dặm về phía bắc, Hawkins giữ chặt chiếc điện thoại. Anh gọi đến 2 trung tâm chăm sóc người bị sang chấn sau thảm họa ở Las Vegas. Một nơi nói rằng họ đã kiểm tra tất cả các bệnh nhân nữ và không tìm thấy Michelle. Cô hẳn phải ở trung tâm còn lại.
“Tôi lo rằng Kody sẽ không bắt máy, hoặc anh ta sẽ bỏ đi, để lại chúng tôi giữa đường”, Hawkins nhớ lại.
“Tôi gọi cho mọi bệnh viện, mỗi lần tôi gọi đến Kody, anh ta đều trả lời. Mỗi lần tôi nhắn tin, anh ta đều nhắn lại. Mỗi lần tôi cần anh ta làm gì, anh ta đều làm”.
Đến 5h sáng, Hawkins gọi lại cho Kody, người đang ở Luxor và mặc nguyên bộ quần áo dính máu của đêm trước. “Anh đã thử bệnh viện Sunrise chưa?”.
Kody đến đó. “Hơn 1m6. Gốc Á. Tóc sẫm. Có hình xăm bông hoa lớn trên lưng”.
Nhân viên tại bệnh viện nói rằng Michelle có thể đang ở đây. Họ chỉ anh vào căn phòng với đầy thân nhân những người chưa được tìm thấy. Trong căn phòng với bánh donut, đồ ăn nóng và cả một con chó để ôm được chuẩn bị cho mọi người, cảnh sát và bác sĩ tất tả ra vào liên tục. Cứ mỗi 20 phút lại có một gia đình nhận được tin về người thân của họ, và tin xấu thì thường nhiều hơn.
Đó là 11h trưa. Kody ăn một chiếc bánh donut còn cà phê thì đã nguội ngắt. Hai bác sĩ và 1 tư vấn viên đưa Kody đến một văn phòng nhỏ phía sau.
“Michelle không qua khỏi. Vết thương quá nặng. Cô ấy không qua khỏi”, một bác sĩ nói.
Kody gọi cho Hawkins.
Khi anh bước ra khỏi căn phòng đó, một nhóm người bao gồm cả thân nhân các nạn nhân và cư dân địa phương đã bước đến để ôm anh. Trong phút chốc Kody thấy khá hơn. Dù vậy, niềm an ủi không kéo dài.
Kody đi bộ về lại khách sạn, vẫn với chiếc quần jean đầy máu. Anh không muốn nói chuyện với ai.
Trả phòng khách sạn
Đến chiều 2/10, gia đình Michelle đã đến Texas. Khách sạn Luxor đã gia hạn cho căn phòng của Michelle để gia đình có thời gian thu nhặt đồ đạc của cô và gặp Kody, người cũng đã đổi vé máy bay.
“Kody là thiên thần hộ mệnh của chúng tôi”, Washington Post dẫn lời Diane Hawkins, 40 tuổi, chị gái của Michelle. “Anh ta không chịu để cô ấy một mình”.
Gia đình, bạn bè Michelle đã kể cho Kody về năng lượng của cô, niềm vui cô mang đến. Kody kể về một ngày anh ở cạnh Michelle, về chuyện cô đã khoe anh bức ảnh của 2 chị gái cô như thế nào, họ đã đẹp ra sao khi mặc váy cưới. Mọi người nói cười với nhau, như thể Michelle vẫn ở đây.
Rồi họ đi trả phòng khách sạn.
Giả thiết động cơ vụ xả súng kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ
Nghiện cờ bạc, mắc bệnh tâm thần hay là một phần tử thuộc IS là các giả thiết về động cơ của Stephen Paddock khi thực hiện vụ xả súng “đẫm máu, khủng khiếp” nhất trong lịch sử nước Mỹ hôm 2/10.