Những thông tin nên lưu trong điện thoại khi đi du lịch

Bản đồ, sách hướng dẫn du lịch, vé tàu xe và giấy tờ cá nhân và nhiều thông tin khác thường được những du khách có kinh nghiệm lưu giữ.

14:29 30/05/2023

Thay vì phải xách cả một xấp tài liệu như trước đây, ngày nay du khách chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh (smart phone) là có thể mang theo hầu hết giấy tờ, thông tin cần thiết cho hành trình khám phá thế giới. Nếu biết cách chọn lọc và tổ chức dữ liệu của chuyến đi, du khách có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí và công sức bằng việc tận dụng smart phone.

Độc giả Trịnh Hằng (ngoài 40 tuổi, Hà Nội), một người thường xuyên đi du lịch trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm.

Bản đồ, sách hướng dẫn du lịch

Khác với những du khách "tay mơ", người có kinh nghiệm sẽ không hoàn toàn phụ thuộc vào các app (ứng dụng trên điện thoại thông minh) chỉ đường mà luôn dự trữ sẵn các file bản đồ trong điện thoại. App chỉ đường sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp bạn cần đi từ điểm A đến điểm B, nhưng không cung cấp được cái nhìn tổng thể về lịch trình trong cả một ngày hoặc nhiều ngày, chưa kể nhiều app còn hướng dẫn sai, khiến du khách nhầm đường. Ngược lại, bản đồ rất hữu ích khi bạn muốn khoanh vùng một số khu du lịch hoặc lựa chọn tuyến đường có nhiều điểm đến phù hợp.

Hầu hết các thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới đều thiết kế đa dạng các loại bản đồ phục vụ du khách: bản đồ di sản, bản đồ khám phá thiên nhiên, bản đồ các công trình kiến trúc, công trình nghệ thuật nổi tiếng, bản đồ tàu điện, xe buýt, du lịch đường thủy... Nhìn vào những tài liệu này, du khách có thể dễ dàng tìm ra gợi ý về các điểm tham quan theo sở thích của bản thân.

Tương tự, sách hướng dẫn du lịch là cẩm nang để du khách lựa chọn những trải nghiệm thú vị, nắm được địa chỉ, giá vé, giờ mở cửa và các thông tin cơ bản nơi mình muốn đến. Tài liệu này cũng thường đưa ra những gợi ý cho nhu cầu từng nhóm du khách, như du lịch tâm linh, mua sắm, mạo hiểm, sinh thái. Thay vì phải "bơi" giữa biển thông tin mù mờ trên internet, du khách có thể tải sách hướng dẫn về điện thoại, là nguồn tham khảo đáng tin cậy có thể mang đi mọi lúc mọi nơi, kể cả khi không vào được mạng.

Vé tham quan cung điện Versailles, Paris, hình thức điện tử. Du khách chỉ cần lưu vé trong điện thoại, không cần in ra, cũng không cần xếp hàng mua vé giấy. Ảnh: Trịnh Hằng
Vé tham quan cung điện Versailles, Paris, hình thức điện tử. Du khách chỉ cần lưu vé trong điện thoại, không cần in ra, cũng không cần xếp hàng mua vé giấy. Ảnh: Trịnh Hằng

Vé máy bay, tàu xe, đặt phòng khách sạn

Đa số các hãng bay, tàu xe hiện đều có vé điện tử. Du khách chỉ cần lưu file trong điện thoại. Các ứng dụng đặt phòng phổ biến cũng cung cấp file đặt phòng với đủ thông tin cần thiết. Trừ trường hợp phục vụ yêu cầu xuất nhập cảnh do hải quan quy định, hầu hết du khách được khuyến khích hạn chế in vé tàu xe, phiếu đặt phòng, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí.

Các điểm tham quan nổi tiếng hiện cũng có xu hướng bán vé qua mạng và cho phép du khách sử dụng vé dạng ảnh hoặc pdf, chỉ cần mở màn hình điện thoại và quét barcode hoặc QR code tại cửa ra vào, đôi khi sẽ kèm theo việc xuất trình giấy tờ cá nhân (hộ chiếu, căn cước). Tận dụng điều đó, du khách chuyên nghiệp có thể mua vé và đặt chỗ online hàng tuần trước khi khởi hành, tiết kiệm nhiều thời gian xếp hàng mua vé giấy, thậm chí còn được ưu tiên vào cửa trước những người cầm vé giấy.

Ảnh của các điểm đến

Ở nhiều nơi, nhất là khi bất đồng ngôn ngữ, việc hỏi đường sẽ không dễ dàng khi du khách và người dân địa phương giao tiếp khó khăn. Thay vào đó, chỉ cần bạn mở ảnh có sẵn trong điện thoại, người bản địa sẽ hiểu được bạn cần đi đến đâu, và có thể hỗ trợ nhanh chóng. Đặc biệt các tài xế taxi, xe ôm có thể nhìn ảnh để đưa bạn đến điểm tham quan, tránh hiểu nhầm do diễn đạt không tốt.

Khi tới các quốc gia không dùng chữ cái Latin (Nhật Bản, Trung Quốc, Campu chia, Ảrập), du khách có thể lưu thêm tên và địa chỉ của điểm tham quan bằng hai ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng bản địa. Điều này sẽ rất hữu ích khi bạn cần hỏi thông tin từ người địa phương.

Các app thịnh hành tại điểm đến

Có những app mà bạn có thể chưa bao giờ nghe tới, nhưng lại thịnh hành và hữu ích khi đi du lịch tại một quốc gia hoặc thành phố nào đó. Đây là lúc bạn nên dành ra một phần bộ nhớ điện thoại cài các app này để phục vụ tốt nhất cho chuyến đi.

Nhiều thành phố phát triển những ứng dụng chuyên về giao thông công cộng, chuyên giới thiệu điểm du lịch hoặc ẩm thực địa phương. Có nơi không dùng Facebook, Zalo mà lại dùng WhatsApp, Viber, Wechat làm công cụ liên lạc. Đa số các hãng bay, hãng tàu cũng phát triển ứng dụng riêng để du khách theo dõi lịch trình, check in hoặc mua thêm hành lý ký gửi, mua bữa ăn nóng, thay đổi ngày khởi hành. Các app này có thể hỗ trợ bạn hiệu quả trong suốt chuyến đi, và cũng không chiếm quá nhiều chỗ trong điện thoại.

Các thông tin lưu trong điện thoại sẽ giúp du khách thuận tiện hơn khi cần hỏi người địa phương. Ảnh: Trịnh Hằng
Các thông tin lưu trong điện thoại sẽ giúp du khách thuận tiện hơn khi cần hỏi người địa phương. Ảnh: Trịnh Hằng

Ảnh thẻ, giấy tờ cá nhân, thông tin liên lạc

Đề phòng những sự cố khi đi du lịch, mua bảo hiểm chưa đủ, những du khách kinh nghiệm thường lưu file tất cả các giấy tờ cá nhân cần thiết của bản thân và cả người đồng hành như ảnh thẻ, hộ chiếu, căn cước, giấy khai sinh và thông tin liên hệ của người thân.

Nếu bạn đi nước ngoài, hãy lưu cả số điện thoại của đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại đó, số điện thoại khẩn cấp của những thành phố bạn sẽ đi qua (công an, y tế, cứu hỏa). Trong trường hợp cần trợ giúp, các thông tin này sẽ giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn rất nhiều.

Tổ chức dữ liệu trong điện thoại

Mỗi chuyến đi, du khách có thể dùng hàng chục đến hàng trăm file dữ liệu khác nhau. Người có kinh nghiệm thường tổ chức dữ liệu của chuyến đi thành các folder độc lập. Việc này giúp cho quá trình tìm kiếm và sử dụng thông tin nhanh chóng, thuận tiện và tránh nhầm lẫn.

Ví dụ, nếu bạn đi ba thành phố ở Nhật Bản là Tokyo, Osaka, Kyoto thì bạn có thể tạo ba folder tương ứng. Trong mỗi folder sẽ có 4-5 folder nhỏ: khách sạn, vé tàu xe, vé tham quan, bản đồ và sách hướng dẫn. Đồng thời, bạn cũng nên sao lưu các folder này lên mạng, phòng khi điện thoại gặp sự cố thì vẫn có thể dùng thiết bị khác để lấy các file về và sử dụng. Hãy lưu ý bảo vệ thông tin cá nhân của bạn trong bất kỳ trường hợp nào.

Tags:
Phương Uyên - Thanh Hà: Thay đổi họ tên, có cuộc sống hôn nhân lãng mạn sau lễ cưới ở Mỹ

Phương Uyên - Thanh Hà: Thay đổi họ tên, có cuộc sống hôn nhân lãng mạn sau lễ cưới ở Mỹ

Chính thức "về chung một nhà" khi tuổi ngoài 50, cuộc sống của cặp đôi Phương Uyên - Thanh Hà có nhiều thay đổi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất