Những tổ chức Mỹ kiếm tiền dưới mác từ thiện
Mỗi năm Kids Wish Network có thể gây quỹ từ thiện hàng triệu USD, nhưng chưa tới 3% số tiền đó được dùng để giúp đỡ trẻ em bị bệnh.
02:00 31/05/2021
Kids Wish Network, tổ chức từ thiện tồi tệ nhất nước Mỹ, hoạt động tại một nhà kho kim loại phía sau trạm xăng ở Holiday, Florida. Ngoài số tiền ít ỏi làm từ thiện, hầu hết số tiền quyên góp được chuyển cho những người điều hành tổ chức từ thiện Kids Wish Network và các công ty mà tổ chức này thuê để gây quỹ.
Chỉ trong thập kỷ trước năm 2013, Kids Wish Network đã chuyển gần 110 triệu USD tiền quyên góp cho trẻ em bị bệnh tới những người vận động gây quỹ của họ. 4,8 triệu USD được chuyển cho người sáng lập tổ chức và các công ty tư vấn.
Tuy nhiên, Kids Wish Network không phải là trường hợp duy nhất bị phanh phui trong cuộc điều tra công bố năm 2013 của Tampa Bay Times và Trung tâm Báo cáo Điều tra (CIR).
Tampa Bay Times và CIR đã xác định gần 6.000 tổ chức từ thiện đã trả tiền cho các công ty lợi nhuận để gây quỹ. Trong đó, cuộc điều tra đã lập ra danh sách 50 tổ chức từ thiện tồi tệ nhất, dựa trên số tiền họ chuyển cho các nhà điều hành và công ty vận động gây quỹ.
50 tổ chức này dành chưa tới 4% tiền quyên góp cho mục đích từ thiện bằng tiền mặt. Một số tổ chức thậm chí ít hơn. Trong vòng 10 năm, một tổ chức từ thiện cho người mắc bệnh tiểu đường gây quỹ gần 14 triệu USD nhưng chỉ trao khoảng 10.000 USD cho bệnh nhân. 6 tổ chức thậm chí không chi bất kỳ khoản tiền nào cho mục đích từ thiện.
Một số nhà điều hành của các tổ chức thậm chí nói dối nhà tài trợ về số tiền quyên góp, lấy nhiều tiền lương, bí mật tự trả các chi phí tư vấn hoặc sắp xếp các hợp đồng gây quỹ với bạn bè. Tổ chức từ thiện cho bệnh nhân ung thư American Breast Cancer Foundation đã trả cho công ty thuộc sở hữu của con trai chủ tịch gần 18 triệu USD trong suốt 8 năm.
Một số tổ chức rơi vào cảnh nợ nần, khi số tiền gây quỹ ít hơn số tiền phải chi cho các nhà vận động. Một trong số đó là Project Cure có trụ sở tại Florida, tổ chức gây quỹ được 65 triệu USD từ năm 1998, nhưng theo báo cáo tài chính gần nhất với cuộc điều tra năm 2013, khoản nợ của nó là 3 triệu USD.
Để ngụy trang cho số tiền làm từ thiện ít ỏi, các tổ chức từ thiện sử dụng thủ thuật kế toán và phóng đại giá trị đồ quyên tặng cho bệnh nhân ung thư và cựu chiến binh vô gia cư, như bánh snack và chai xịt không khí.
Để xác định danh sách 50 tổ chức tồi tệ nhất, Times và CIR đã phân tích hàng chục nghìn trang hồ sơ công khai được chính phủ liên bang và 36 bang thu thập. Phóng viên đã tới các bang như California, Florida và New York, nơi giới chức địa phương yêu cầu những tổ chức từ thiện báo cáo kết quả chiến dịch gây quỹ cá nhân.
Times và CIR đã sử dụng hồ sơ để phát hiện một loại hình từ thiện, trong đó các tổ chức trả tiền cho công ty lợi nhuận để gây quỹ hàng năm. Nỗ lực đã giúp xác định hàng trăm tổ chức từ thiện điều hành các công ty gây quỹ trên khắp nước Mỹ và thường xuyên trả cho họ ít nhất 2/3 số tiền nhận được. Chuyên gia cho rằng tổ chức từ thiện chân chính chỉ nên chi không quá 35% số tiền quyên góp vào việc này.
50 tổ chức từ thiện tồi tệ nhất đã gây quỹ được hơn 1,3 tỷ USD trong 10 năm và trả tới gần một tỷ USD cho các công ty trực tiếp vận động gây quỹ. Nếu số tiền đó được dùng cho mục đích từ thiện, nó có thể đủ cho tổ chức Habitat for Humanity xây 20.000 ngôi nhà, mua 7 triệu xe lăn hoặc trả tiền chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư vú cho gần 10 triệu phụ nữ không có bảo hiểm.
Tổ chức từ thiện Youth Development Fund ở Tennessee, đứng thứ 12 trong danh sách, đã hoạt động khoảng 30 năm. Trong khoảng 10 năm trước năm 2013, tổ chức này đã gây quỹ gần 30 triệu USD từ các nhà hảo tâm với cam kết giáo dục cho trẻ em về lạm dụng ma túy, sức khỏe và thể chất.
Khoảng 80% số tiền quyên góp mỗi năm được gửi trực tiếp tới công ty vận động gây quỹ. Phần lớn số tiền còn lại đầu tư cho các video quay cảnh lặn biển của nhà sáng lập kiêm chủ tịch Rick Bowen.
Tổ chức từ thiện của Bowen trả cho công ty sản xuất của ông khoảng 200.000 USD mỗi năm để dựng video. Sau đó, tổ chức tiếp tục trả tiền để phát sóng chương trình Rick Bowen Deep-Sea Diving trên đài Knoxville địa phương. Chương trình này không đề cập gì tới Youth Development Fund.
Theo hồ sơ thuế, tổ chức từ thiện báo cáo chương trình của Bowen đạt khoảng 1,3 triệu người xem. Nhưng theo người quản lý đài, chương trình chỉ có khoảng 3.600 người xem mỗi tuần.
Trong danh sách của Times/CIR có ba tổ chức Kids Wish Network, Children's Wish Foundation International và Wishing Well Foundation. Tất cả những cái tên này nghe gần giống với Make-A-Wish, một tổ chức từ thiện khác không thuê các công ty vận động gây quỹ chuyên nghiệp.
Quan chức Make-A-Wish cho biết họ đã mất nhiều năm khiếu nại các tổ chức từ thiện đặt tên gần giống tổ chức của họ. "Trong khi các khoản quyên góp được chuyển tới nơi khác, tất cả những tiếng xấu lại đến với chúng tôi", Paul Allvin, người phát ngôn của Make-A-Wish, nói.
Khi nhà tiếp thị của Kids Wish Network gọi cho các nhà tài trợ tiềm năng, họ bắt đầu với một cái tên mà nhiều người nghĩ họ đã nghe thấy trước đó. Tiếp theo, họ đề nghị nhà tài trợ "tưởng tượng sự đau lòng khi mất đi một đứa trẻ vì căn bệnh giai đoạn cuối", theo hồ sơ nộp cho giới chức Bắc Carolina năm 2010. Những người gọi nói rằng Kids Wish Network muốn hoàn thành mong muốn của những đứa trẻ khi "chúng vẫn có đủ sức khỏe đón nhận nó".
Năm 2012, Kid Wish gây quỹ được 18,6 triệu USD, nhưng chỉ chi 240.000 USD để thực hiện cam kết giúp đỡ trẻ em mắc bệnh, chưa tới 1% số tiền thu về.
Thực hư quản lý nghệ sĩ tiết lộ: Kêu gọi 10 tỷ từ thiện 5 tỷ, 'lãi' ít nhất 50%, việc minh bạch quá dễ, thậm chí có hoá đơn đỏ đàng hoàng?
Những tin nhắn "bóc phốt" nghệ sĩ làm từ thiện của một người tự nhận là từng quản lý nghệ sĩ khiến dư luận bất ngờ và bàn luận xôn xao?