Những trò lừa xoay quanh bão Harvey ở Mỹ
Cá mập bơi trên đường hay Obama đi phục vụ bữa cơm cho nạn nhân lũ lụt là những trò lừa được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Mỹ.
21:00 29/08/2017
Khi thiên tai xảy ra, mạng xã hội là con dao hai lưỡi khi mọi người có thể sử dụng Facebook hay Twitter để cập nhật tin tức nhưng cũng có người lợi dụng thảm họa thiên nhiên để lan truyền những trò lừa. Harvey, cơn bão đang gây ra tình trạng lũ lụt nặng nề tại thành phố Houston, Texas cũng không phải ngoại lệ, theo Washington Post.
Cá mập bơi trên đường
Ảnh giả được lan truyền trên mạng. Ảnh: Twitter |
Jasson Micheal, nhà báo Scotland, ngày 28/8 đăng bức ảnh lên Twitter với chú thích: "Tin hay không thì tùy, có cá mập trên đường cao tốc ở Houston, Texas. Dòng tweet này được thích hơn 69.000 lần và có 48.500 lượt chia sẻ.
Mỗi khi có trận lụt lớn xảy ra, hình ảnh chỉnh sửa cá mập bơi trên đường phố hoặc trong ga tàu điện ngầm thường là trò đùa phổ biến.
Michael sau đó giải thích rằng anh biết bức ảnh là giả và cố tình đăng cho vui. "Chúng ta phải chịu trách nhiệm với cách tiếp cận thông tin của mình. Nếu mọi người bị lừa bởi hình ảnh cá mập bơi cùng ôtô thì vấn đề nằm ở phía họ, không phải tôi".
Máy bay chìm trong biển nước
Bức ảnh giả cho thấy máy bay chìm trong biển nước. |
Một bức ảnh được chia sẻ nhiều trên Twitter cho thấy những chiếc máy bay chìm trong biển nước. Thực tế, bức ảnh này không được chụp tại Houston mà là sân bay LaGuardia ở New York, vốn được chỉnh sửa để thể hiện nguy cơ từ trái đất nóng lên.
Obama phục vụ bữa cơm cho nạn nhân lũ lụt
Obama phục vụ bữa ăn cho người vô gia cư tại một trung tâm tạm trú năm 2015. Ảnh: Twitter. |
Một dòng tweet gây sốt mạng cho thấy cựu tổng thống Barack Obama phục vụ bữa ăn cho những người sơ tán khỏi lũ lụt ở Texas.
"Điều mà bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy Trump làm: Obama đang ở để phục vụ bữa ăn!", là chú thích của dòng tweet. Mặc dù bức ảnh là có thật, bối cảnh của nó sai sự thật. Đây không phải là hình ảnh gần đây của Obama và nó không liên quan đến phản ứng của cựu tổng thống Mỹ trong bão Harvey.
Nó được chụp vào lễ Tạ ơn năm 2015, khi Obama và gia đình ông phục vụ bữa ăn tại một trung tâm tạm trú cho người vô gia cư.
Số điện thoại giả
Người dùng mạng xã hội Facebook và Twitter ở Mỹ liên tục chia sẻ thông tin người dân Houston nên gọi đến số một điện thoại bắt đầu bằng 1-800 nếu họ gặp phải tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, số này không kết nối với Vệ binh Quốc gia mà thay vào đó là một công ty bảo hiểm tư nhân. Cảnh sát Houston sau đó đăng thông báo, nhấn mạnh rằng người dân nên gọi 911 trong trường hợp khẩn cấp.
Ngồi trong tủ lạnh vượt lũ
Bức ảnh được chụp trong trận lũ năm ngoái. Ảnh: KHOU. |
Bức ảnh người đàn ông đẩy người thân ngồi trong chiếc tủ lạnh đi trong dòng nước lũ đã gây nhiều chú ý trên mạng xã hội. "Bức ảnh từ Houston này ám ảnh tôi", một người viết.
Mặc dù đây không phải là ảnh chỉnh sửa, nó không được chụp trong bão Harvey mà là từ trận lũ lụt ở Greenspoint năm 2016.
Thông tin bịa đặt
Thành phố Corpus Christi hôm 27/8 ra thông báo trên Twitter, bác bỏ tin đồn rằng người dân đã sơ tán sẽ gặp nhiều cản trở về thủ tục khi muốn trở lại thành phố. Trước đó, khi bão chuẩn bị đổ bộ ngày 25/8, thành phố cũng phải bác tin thất thiệt rằng họ sẽ cắt điện, nước và gas để đề phòng cơn bão.
Cá sấu bò trên đường
Cá sấu bò trên đường phố Houston hồi tháng 4. Ảnh: Twitter. |
Một người tên là Katie Couric đã đăng bức ảnh một con cá sấu lên Twitter và viết rằng: "Nhìn xem ai đi vào khu phố nhà bạn tôi ở Houston này". Sự thực thì bức ảnh này được chụp hồi tháng 4 bởi một cảnh sát ở Houston.
"Đây là hành động vô trách nhiệm vào thời điểm khủng hoảng. Bức ảnh này là từ một sự kiện không liên quan hồi tháng 4. Hãy xóa nó đi", một người bình luận.
"Tuy bức ảnh này là từ hồi tháng 4, sự thực thì đúng là có cá sấu đi lại xung quanh. Đằng sau nhà bạn tôi có hai con", một người có tên Tiara Henderson trả lời.
Phương Vũ
Tìm việc làm ở Mỹ thông qua các trung tâm hỗ trợ cho người nhập cư
Tìm kiếm việc làm luôn là một thử thách lớn tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Hoa Kỳ cũng là quốc gia không ngoại lệ, đặc biệt đối với người nhập cư